MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Trần Trọng Kiên chia sẻ chuyện bắt tay với Air Asia

24-04-2017 - 23:24 PM | Doanh nghiệp

Doanh nhân Trần Trọng Kiên, người đứng sau thương vụ đình đám gần đây đưa Air Asia về Việt Nam, đã có những chia sẻ cởi mở về thương vụ này.

“Định nghĩa về thành công của mỗi người rất khác nhau. Có người coi thành công là mình có nhiều tài sản, hoặc đạt được địa vị xã hội nào đấy. Còn với tôi, điều quan trọng hơn cả là cuối cùng mình thực sự để lại được cái gì cho cộng đồng, cho xã hội” - doanh nhân Trần Trọng Kiên, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Thiên Minh chia sẻ.

Người đứng sau thương vụ đình đám gần đây đưa Air Asia về Việt Nam đã có những chia sẻ cởi mở và đầy cảm hứng với Đại học Fulright Việt Nam (FUV). Ông Kiên cũng là thành viên Hội đồng sáng lập FUV.

Liên doanh với Air Asia dự kiến cất cánh mùa xuân 2018

- Dư luận được một phen xôn xao khi biết tin Air Asia sắp vào Việt Nam. Có tờ báo đặt tít như thế này: “Đại gia đưa Air Asia về Việt Nam là ai?” Nếu tôi hỏi anh câu đó, anh sẽ trả lời như thế nào?

- Ông Trần Trọng Kiên (cười): Chị có thấy tóc tôi bạc thế này không? Đại gia gì đâu chứ, chẳng qua là những người đi làm thực sự, hàng ngày phải đi cày hai chục năm nay để xây dựng Thiên Minh Group như ngày hôm nay.

- Thách thức lớn nhất trong quá trình đưa Air Asia về Việt Nam là gì? Bởi vì, mọi người đều biết Air Asia đã có ba lần muốn vào Việt Nam mà không thành công?

- Tôi nghĩ đấy là cái duyên từ trước và hai bên cũng phải hoà hợp nhau về mặt văn hoá công ty. Văn hoá của Air Asia hoàn toàn khác với văn hoá của một công ty châu Á bình thường.


TMG cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng trong việc đi vào một mảng hoàn toàn mới và đầy thách thức. Ảnh: FUV.

TMG cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng trong việc đi vào một mảng hoàn toàn mới và đầy thách thức. Ảnh: FUV.

Đó là văn hoá của một tập thể 27 nghìn con người mà giữa lãnh đạo và nhân viên không hề có khoảng cách và người lãnh đạo có thể truyền cảm hứng được cho tất cả 27 nghìn nhân viên đang làm việc trên khắp thế giới. Thứ hai, đó là văn hoá nói là làm và làm rất nhanh, thậm chí chấp nhận thất bại. Thứ ba, luôn hướng đến kết quả, luôn nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn ngày hôm nay.

Đấy là văn hoá rất giống với tất cả những gì tôi đã tin và đã xây dựng ở TMG. Sự hoà hợp này là nền tảng để có thể hợp tác lâu dài với Tony (CEO Air Asia). Bởi thế tôi tập trung rất nhiều công sức phát triển mối quan hệ với Air Asia.

- Mất bao lâu để anh thuyết phục Air Asia hợp tác với mình?

- Thực ra đó là quan hệ từ hai phía. TMG cũng phải cân nhắc rất cẩn trọng trong việc đi vào một mảng hoàn toàn mới và đầy thách thức. Có câu nói đùa rằng nếu anh muốn làm triệu phú ngành hàng không thì trước đó anh phải là tỷ phú đã.

Kinh doanh hàng không không phải là ngành kinh doanh bình thường mà liên quan đến an toàn của cộng đồng và phát triển kinh tế của cả một đất nước. Tôi và Hội đồng quản trị TMG đã cân nhắc rất nhiều bởi đây là một cam kết rất lớn.

Hơn nữa, Air Asia cũng cần thời gian để tìm hiểu xem TMG có phải là đối tác có thể làm cùng với họ không. Thực ra, xây dựng một hãng hàng không thì không phải quá khó. Nhưng để xây dựng một hãng hàng không có thể phát triển bền vững thì đầy thách thức. Do đó, hai bên đã dành rất nhiều thời gian để nói chuyện.

Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo có tất cả sự ủng hộ của các khối cơ quan và ban ngành của Việt Nam để bay được vào mùa xuân năm tới.

- Liệu có phải là mạo hiểm khi Air Asia vào Việt Nam khi thị trường đã có hai hãng hàng không giá rẻ và Vietjet Air đang chiếm lĩnh thị phần lớn?

- Thị trường Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng rất nhanh. Một đất nước 100 triệu dân với hơn 20 sân bay, địa hình trải dài và kinh tế đang tăng trưởng nên nhu cầu đi lại rất lớn.

Hơn nữa, du lịch của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, người Việt Nam cũng bắt đầu đi du lịch ngày càng nhiều. Trong ba tháng đầu năm 2017, số khách du lịch tăng khoảng 29% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc có thêm hãng hàng không nữa thực sự cần thiết, đem đến nhiều lựa chọn hơn cho người dân và du khách, đồng thời tạo ra cạnh tranh để dịch vụ phải hoàn thiện hơn.

Hơn nữa, có một hãng hàng không có thương hiệu gần như là tốt nhất của châu Á và thế giới hiện tại đem mô hình kinh doanh của họ vào Việt Nam là một tín hiệu rất tốt cho sự phát triển du lịch của Việt Nam.

Để lại gì cho xã hội mới là điều quan trọng!

- Câu chuyện khởi nghiệp của anh gây ấn tượng với nhiều người: một anh sinh viên ra trường với tấm bằng bác sỹ đa khoa, có 2.000 đôla vay mượn bạn bè để mở công ty làm ăn. Và sau hơn hai mươi năm anh đã thành người đứng đầu của một tập đoàn doanh thu hàng chục triệu đô la. Đối với các bạn trẻ, anh là một mẫu hình thành công để họ mơ ước.

- Thực ra, định nghĩa về thành công của mỗi người rất khác nhau. Có người coi thành công là mình có nhiều tài sản, hoặc đạt được địa vị xã hội nào đấy. Có người lại nhìn nhận thành công có nghĩa là mình có nhiều bạn bè.

Đối với tôi, thành công được tập hợp bởi rất nhiều thứ. Điều quan trọng hơn cả là cuối cùng mình thực sự để lại được cái gì cho cộng đồng, cho xã hội.

Thực ra, con đường quan trọng hơn đích đến. Chính cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc, cách chúng ta giao tiếp với người xung quanh mỗi ngày có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Bởi vì không có cái đích nào cụ thể mà luôn luôn biến đổi và chúng ta không thực sự dừng lại ở một chỗ.

Đối với tôi, có thể hiện tại mình đang làm được nhiều việc, nhưng tôi quan tâm đến việc trước mắt sẽ làm gì chứ không ngoái nhìn quá khứ. Luôn luôn nhìn về phía trước, cố gắng làm tốt hơn từ những kinh nghiệm, trải nghiệm đã làm sai trước đây. Đó là cách TMG làm việc.

- Có bao giờ trên con đường đó anh cảm thấy nản lòng vì những thất bại không, nhất là chặng đầu khởi nghiệp?

- Khi đã sống và làm việc với một doanh nghiệp trên hai chục năm rồi thì thành công hay thất bại là khái niệm không còn rõ ràng. Đối với tôi, bản thân trải nghiệm của việc đó quan trọng hơn nhiều.

Đôi khi mình nghĩ rằng thời gian đó là thực sự khó khăn, thực sự hoang mang nhưng chính cảm giác đó làm mình thích thú khi nghĩ lại. Ví dụ như trải nghiệm khi mình chuẩn bị đóng một giao dịch mua tập đoàn Victoria năm 2010 chẳng hạn, hoặc là khi trải nghiệm mình có chuyến bay đầu tiên của Hải Âu năm 2014, hoặc là có trải nghiệm rất đặc biệt khi mở Buffalo Tours cùng một lúc ở 6 nước năm 2015 chẳng hạn.

Đấy là những trải nghiệm rất đặc biệt. Có thể khi đó có nhiều việc mình làm chưa tốt, nhưng nó thực sự tạo cảm hứng và động lực cho mình muốn làm thêm những điều mới.

Theo Việt Lâm

Đại học Fulbright Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên