CEO TransViet: Chúng tôi kích hoạt trạng thái “ngủ đông”, phát triển sản phẩm mới, chờ cơ hội sau dịch
TransViet Group quyết định cho 70% nhân viên được nghỉ phép, giãn công, luân chuyển sang các công việc khác… để chờ dịch bệnh qua đi. Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với CEO TransViet anh Hoàng Đức Huy về tình hình hoạt động của công ty cũng như bức tranh ngành du lịch Việt Nam khi trải qua dịch Covid-19..
Anh cảm nhận tác động của Covid 19 đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và công ty TransViet nói riêng bắt đầu từ thời điểm nào?
Ngay từ trước Tết Nguyên Đán Canh Tý, đại dịch Covid-19 đã bắt đầu có những tác động mạnh tới ngành du lịch Việt Nam, và TransViet không là ngoại lệ. Các thị trường thế mạnh của TransViet như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, đều lần lượt trở thành tâm dịch.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, ngay từ rất sớm, TransViet Group đã họp bàn, tính toán và xây dựng các kịch bản ứng phó khủng hoảng theo từng cấp độ để có thể thích nghi và chủ động, tự tin đưa các công ty thành viên vượt qua đợt khủng hoảng toàn cầu này.
TransViet trước và sau khi có Covid-19 khác nhau ra sao?
Nhiều năm liền TransViet giữ vị trí top 10 các công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, năm 2019 lọt top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam của VnReport, tốc độ tăng trưởng khách ở mức 25-30% trong 5 năm trở lại đây. Năm 2020 chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 43% nhưng đúng là người tính không bằng trời tính.
TransViet trước và sau khi có Covid-19 thì vẫn là một TransViet mà tất cả chúng tôi yêu quý. Có điều, TransViet sau Covid-19 sẽ là một phiên bản mạnh mẽ hơn. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, nếu như Covid-19 không thể hạ gục được chúng tôi thì chắc chắn sẽ làm cho chúng tôi mạnh hơn. Covid-19 không chỉ là một thách thức với sức khỏe mỗi con người, mà còn là một đợt tổng kiểm tra bất thường với sức đề kháng của mỗi doanh nghiệp. Có thể trước mắt đang và sẽ là những ngày khó khăn, nhưng tôi hoàn toàn lạc quan và tràn đầy hi vọng một tương lai sáng cho TransViet cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào vượt qua được cơn sóng gió này.
Trong các kịch bản đưa ra thì thời điểm hiện tại TransViet đang ở cấp độ mấy, đã là xấu nhất chưa?
Từ 15/3 chúng tôi kích hoạt giai đoạn "ngủ đông", tức là cho nhân viên nghỉ phép, giãn công, điều chuyển các công việc khác thuộc công ty để cầm cự vượt qua khó khăn này. Nếu đánh giá rủi ro ở 4 cấp độ, giai đoạn "ngủ đông" ở cấp độ 2 và chưa phải là kịch bản xấu nhất. Tất cả đã có sự tính toán và lên kế hoạch từ trước nên chúng tôi không bị thụ động. Mỗi cấp độ có chỉ báo về mức độ nghiêm trọng của thị trường và tình hình chung toàn thế giới, cấp độ nào kích hoạt chế độ đấy.
TransViet còn bao nhiêu nhân viên được duy trì làm việc?
TransViet có khoảng hơn 600 nhân viên tại 8 văn phòng trên cả nước, và đang duy trì hoạt động với 30% nhân sự, có on - off luân phiên nhau.
Tại sao TransViet quyết định "ngủ đông", chứ không phải là cắt giảm/sa thải nhân sự như các công ty khác?
Trong khi nhiều công ty du lịch khác chọn phương án cắt giảm nhân sự - sa thải nhân viên trên quy mô lớn ngay từ những ngày đầu của dịch; từ 15/3, TransViet chọn giải pháp cho nhân viên nghỉ phép và vẫn đóng đầy đủ Bảo hiểm xã hội; để giảm thiểu đối đa tổn thất về nhân sự.
Đối với TransViet Group, nguồn lực con người được định vị là tài sản quan trọng số 1, do vậy chúng tôi cố gắng tính toán để bảo toàn tốt nhất nguồn lực này. Sau kỳ "ngủ đông" TransViet sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng cao nhất để đón bắt các cơ hội kinh doanh, phục hồi những thiệt hại to lớn do dịch Covid-19 gây ra.
Anh có tìm hiểu các bạn nhân viên khi nghỉ phép sẽ sinh sống như thế nào không?
Chắc chắn nhân viên của mình thì mình biết các bạn sinh kế như thế nào. Một số bạn tạm thời làm công việc ngắn hạn như bán đồ ăn, bán hàng online; một số được công ty luân chuyển sang bộ phận khác thì chưa bị ảnh hưởng; một số lên nông trường chờ đợi trong thời gian dịch bệnh căng thẳng và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Ngành du lịch dự kiến sẽ chịu tác động dài hạn từ Covid 19, anh chuẩn bị nguồn lực để vượt qua chặng đường dài phía trước như thế nào, khi vẫn phải trả lương nhân công, tiền thuê mặt bằng, điện, nước...?
Covid-19 được dự đoán sẽ tác động dài hạn tới ngành hàng không và du lịch nói chung. Vì thế, TransViet đã chủ động tái cấu trúc lại các hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí, cắt giảm tất cả các hạng mục chi không cần thiết để tối ưu chi phí… đồng thời phẩn bổ nguồn lực sang các mảng kinh doanh khác chưa hoặc ít bị ảnh hưởng của Covid-19 để có giải pháp "lấy ngắn nuôi dài". Chúng tôi hoàn toàn có đủ tiềm lực để vượt qua khủng hoảng và giữ vững chỗ đứng của mình trên thị trường.
Đối mặt với rủi ro dịch Covid-19 với trạng thái công ty "ngủ đông", anh cảm nhận như thế nào?
Trong giải quyết khủng hoảng, sự bình tĩnh của những người đứng đầu là yếu tố tiên quyết để giúp một doanh nghiệp hay một tổ chức vượt qua những sóng gió. Hỏi rằng dịch Covid-19 có đáng sợ không? Có, rõ ràng là đáng sợ. Nhưng sự hoang mang, hoảng loạn không cần thiết thì còn đáng sợ hơn gấp bội phần. Bình tĩnh là cách duy nhất để giúp chúng ta duy trì sự sáng suốt cần thiết để tồn tại.
Tôi vẫn thường nói với nhân viên: Cách tốt nhất – nhanh nhất để vượt qua bất kỳ một khó khăn hay khủng hoảng nào đó, là đi xuyên qua nó.
Triết lý phương Đông có một câu rất hay " Lấy tĩnh chế động", "Lấy nhu thắng cương": Tình hình càng biến động, những người lãnh đạo càng cần phải điềm tĩnh để tìm ra những giải pháp mềm dẻo, linh hoạt nhất để thích ứng với tình hình. Đây là một cơ hội để chúng ta thực hành điều đó.
Tôi thường xác định với chính mình: nếu đã mất công lo nghĩ thì phải tìm ra cho được giải pháp; còn nếu những vấn đề ngoài tầm với của mình, ngoài năng lực chủ quan của mình, thì tốt nhất là không nên lo nghĩ hay bi quan không cần thiết. Nếu không có ngay được một giải pháp tốt nhất, hoàn hảo nhất, thì sẽ cố gắng tìm một giải pháp ít xấu nhất. Tôi không buồn hay lo lắng, mà ngược lại còn rất lạc quan khi toàn bộ cán bộ công nhân viên TransViet trên cả nước đã hiểu, cảm thông, và tích cực chia sẻ khó khăn chung với công ty. Với tinh thần đoàn kết một lòng đó, chúng tôi không có lý do gì để lo sợ những thử thách đang diễn ra.
Trong thời gian "ngủ đông", anh sẽ làm gì?
"Ngủ đông" là thời điểm để tích lũy năng lượng. Đó là với một chú Gấu, còn với TransViet và cá nhân tôi, giai đoạn "ngủ đông" sẽ là thời điểm để đầu tư củng cố sức mạnh hệ thống và tìm kiếm, đào sâu các cơ hội kinh doanh mà thường ngày chúng tôi chưa làm được hoặc dành thời gian chưa đủ nhiều.
Trong giai đoạn đầu của khủng hoảng, trước "ngủ đông", nhân viên của TransViet đã được tham gia các hoạt động đào tạo tập trung, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Các dòng sản phẩm du lịch mới, sẽ được đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để phát triển như dòng sản phẩm Giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh và gia đình (Parenting Tour) đang rất hot và gắn liền với tên tuổi của TransViet. Các tour này được tổ chức ở các vườn quốc gia Cát Tiên, Tam Đảo, Yok Đôn, bố mẹ và con tham gia học cách chơi trải nghiệm về thiên nhiên, các tour này chúng tôi triển khai từ 2018 và được rất nhiều người thích.
Một số sản phẩm sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển những phiên bản mới, các chương trình trại hè quốc tế tại Việt Nam, trại hè trong rừng cho các bạn con em quốc tế hoặc nước ngoài được thiết kế riêng mang dấu ấn của TransViet. Đó là dòng Du lịch Chậm dành cho nhóm khách hàng cao tuổi cũng như những người trẻ cần tìm lại một nhịp sống riêng trong cuộc sống hiện đại quá áp lực và bận rộn; dòng sản phẩm Du lịch hẹn hò (Dating Tour) thiết kế riêng dành cho nhóm khách hàng độc thân sẽ được ra mắt ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Chúng tôi cũng có chiến dịch truyền thông mang tên "Wake up Việt Nam" nhằm kích cầu du lịch nội địa. TransViet kết hợp cùng các hãng hàng không và các đối tác đưa ra các sản phẩm giải cứu du lịch nội địa, với các điểm đến được xác nhận từ phía các cơ quan chức năng là điểm đến an toàn.
Nói chung, gọi là "ngủ đông" nhưng chú gấu TransViet sẽ không thiếu gì việc để làm trong lúc chờ đợi mùa xuân.
Khi nghe câu chuyện có một HDV du lịch dương tính Covid-19 anh có suy nghĩ gì?
Tin một ca nhiễm dương tính Covid-19 tại Hà Nội là HDV du lịch làm không ít người trong ngành du lịch hoang mang. TransViet biết sợ nhưng cũng không sợ. Thay vì sợ, chúng tôi tìm giải pháp: thường xuyên cập nhật những tin tức diễn biến về tình hình dịch bệnh cho toàn hệ thống, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang.
Đặc biệt là các bộ phận giao dịch trực tiếp với khách hàng– trang bị nước rửa tay cho nhân viên và khách hàng tại các vị trí công cộng như sảnh chờ, thang máy… và liên tục nhắc nhở, giám sát để tất cả thành viên công ty nâng cao ý thức, phòng ngừa dịch bệnh.
Đối với các tour du lịch vẫn khởi hành, TransViet trang bị đảm bảo 100% khách hàng có khẩu trang để sử dụng trong suốt chuyến đi, kể cả khi điểm đến chưa phải là vùng điểm nóng của dịch. Công ty cũng chủ động xây dựng trước các kịch bản ứng phó đối với các tình huống xấu hơn như: khu vực văn phòng hay các tuyến đường xung quanh bị cách ly hoặc hạn chế tiếp cận, sẽ phải xử lý như nào để đảm bảo thông suốt hoạt động kinh doanh và giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như tổn thất.
Có tình trạng một số cơ sở lưu trú không cho khách nước ngoài thuê do sợ dịch cúm, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Trong nguy bao giờ cũng có cơ. Đây là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam lấy điểm trong mắt bạn bè du khách quốc tế. Bình thường đâu cũng niềm nở đón chào, những ngày như thế này mình càng cần thể hiện một đẳng cấp hơn hẳn trong ứng xử du lịch. Phải có các chính sách và biện pháp để ngăn chặn kỳ thị du khách nước ngoài.
Dịch thì ai cũng sợ, nhưng dài hơi hơn là sợ mất khách, sợ tạo hình ảnh ấn tượng xấu trong mắt du khách. Tôi thấy ngành Y tế và Chính phủ cùng hệ thống chính trị đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Hiện nay chúng ta đang chữa trị cho nhiều du khách nước ngoài, thậm chí là miễn phí.
Đề phòng thì đề phòng, có các biện pháp phòng tránh, nhưng nếu có khách nước ngoài muốn lưu trú thì chào đón họ và đừng làm trầm trọng vấn đề hơn nữa. Nhiều khi người dân quá lo lắng về dịch bệnh. Nếu du khách nước ngoài không có nguy cơ dịch thì vẫn cho họ lưu trú bình thường chứ.
Khi ngồi lắng lại, anh cho rằng ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi điều gì?
Covid 19 không chỉ là phép thử với sức đề kháng mỗi người mà là phép thử với tiềm lực mỗi ngành, mỗi công ty. Hiện nay tỷ trọng khách du lịch phụ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là lời cảnh tỉnh để ngành du lịch Việt Nam tái cấu trúc lại nguồn khách của mình, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đáp ứng thị hiếu của các thị trường tiềm năng khác mà trước đây mình chưa nghĩ tới.
Nếu muốn gửi lời nhắn nhủ với các bạn đang làm nghề hướng dẫn viên, những người đang hoang mang ở ngoài kia liệu mai tôi có thất nghiệp không, anh sẽ nói gì?
Ngành du lịch, dịch vụ, hàng không đang phải trải qua những ngày khó khăn nhất. Covid-19 có thể làm các bạn thất nghiệp tạm thời, có thể làm cho cuộc sống mỗi người điêu đứng, nhưng sẽ không thể làm chúng ta mãi mãi từ bỏ được một công việc mà chúng ta yêu thích và đam mê. Nghề nuôi ta sống, còn nghiệp làm ta yêu. Chúc anh em hướng dẫn viên có đủ sự can trường và bản lĩnh để cùng ngành du lịch, cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19 này.
Xin cảm ơn anh.