MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO trên toàn thế giới nghĩ gì về nền kinh tế năm 2017?

Theo Báo cáo thường niên toàn cầu lần thứ 20 của PwC, mặc dù có nhiều chuyện phải bận tâm trong năm nay nhưng các CEO trên toàn thế giới vẫn lạc quan hơn vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình, cũng như của nền kinh tế toàn cầu.

Thêm lạc quan vào tăng trưởng doanh thu

Kết quả khảo sát vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos cho thấy: 38% CEO rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới (năm 2016: 35%). Trong khi đó 29% kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2017 (năm 2016: 27%).

Khác hẳn so với năm 2016, mức độ lạc quan của các CEO về tăng trưởng doanh thu trong năm tới đã tăng ở hầu khắp các nền kinh tế lớn. CEO Ấn Độ và Brazil là những người lạc quan nhất về tăng trưởng. Mức độ lạc quan cũng tăng 11 điểm lên 35% tại Trung Quốc, tăng 6 điểm lên 39% tại Mỹ, và tăng 3 điểm lên 31% tại Đức. Mức độ lạc quan của các CEO Thụy Sĩ cũng tăng hơn gấp đôi lên 34%.

Đi ngược lại với xu thế lạc quan, các nước Tây Ban Nha, Mexico và Nhật Bản lại tỏ ra quan ngại về sự bất ổn kinh tế năm tới. Đặc biệt là tại Nhật Bản, tỷ lệ CEO lạc quan về tăng trưởng đã giảm mạnh từ 28% năm 2016 xuống còn 14%.

Xét về động lực tăng trưởng thì tăng trưởng hữu cơ là mục tiêu cao nhất của hơn 3/4 các CEO (79%) trong năm tới. Trong khi đó, 41% các CEO có kế hoạch mua bán & sáp nhập, và gần 1/4 các CEO (23%) có dự định củng cố năng lực đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng được tốt các cơ hội mới.

10 mối lo ngại lớn nhất

Trong 10 thách thức mà các CEO đưa ra thì tăng trưởng kinh tế không chắc chắn (82%), thể chế, chính sách thắt chặt (80%) và thiếu lao động có kỹ năng là các mối quan ngại lớn nhất. Trong đó có 4 thách thức tăng mạnh nhất từ năm 2015: Thiếu nhân lực có kỹ năng, tốc độ phát triển công nghệ, bất ổn xã hội, thiếu niềm tin vào doanh nghiệp.

Những nghi ngờ về toàn cầu hóa

Năm 2016, sự kiện Brexit và Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã làm các CEO ngày càng quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ (59%). Con số này lên tới 64% nếu tính riêng các CEO tại Mỹ và Mexico.

Mặc dù nhận thấy toàn cầu hóa có tác động tích cực đến việc lưu thông dòng vốn, hàng hóa và nhân lực, các CEO cho rằng toàn cầu hóa chưa có tác dụng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Và 58% các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng ngày càng khó để cân bằng giữa xu hướng toàn cầu hóa và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ.

Nếu 60% các CEO cho rằng toàn cầu hóa đã có tác dụng tích cực giúp cải thiện quá trình lưu thông vốn, nhân lực, hàng hóa và thông tin, thì chỉ 38% công chúng có quan điểm tương tự. Gần 2/3 công chúng (64%) cho rằng toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội việc làm đầy đủ và hữu ích, thấp hơn tỷ lệ 76% trong khảo sát với các CEO. Cũng có ít người tiêu dùng (29%) hơn là CEO (37%) cho rằng toàn cầu hóa đã góp phần đáng kể tạo nên nguồn nhân lực có kỹ năng và học vấn.

Ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhận định:

“Mặc dù 2016 là một năm bất ổn nhưng mức độ lạc quan của các CEO đang trên đà hồi phục, tuy tốc độ còn chậm và khoảng cách so với mức kỷ lục của năm 2007 còn xa. Những dấu hiệu lạc quan đang nổi lên khắp toàn cầu. Ngay cả tại Anh và Mỹ, dưới tác động của Brexit và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thì các CEO vẫn lạc quan hơn về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp so với năm trước. Hưởng ứng quan điểm này, các CEO ở những nước khác cũng đang quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Mỹ và Anh so với năm trước.

Bên cạnh sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng thì các CEO cũng chia sẻ ba mối quan tâm lớn nhất, đó là: có được chiến lược hiệu quả về con người và công nghệ nhằm xây dựng một nguồn nhân lực phù hợp cho thời đại kỹ thuật số; giữ vững niềm tin vào doanh nghiệp trong một thế giới nơi tương tác ảo đang trở nên phổ biến; và thúc đẩy toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho mọi người thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là những chủ đề được chú trọng đến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.”

Linh Bùi

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên