CEO xinh đẹp biến ứng dụng truyện tranh thành "kỳ lân" gây bão MXH Trung Quốc: Tuổi ngoài 20, bị đánh giá có 1% trở thành hoạ sĩ nhưng hành trình cho ra đời ứng dụng tỷ USD mới ấn tượng
Không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, Anni Trần còn khiến công chúng ngưỡng mộ bởi tư duy kinh doanh nhạy bén của mình, khi xây dựng thành công ứng dụng truyện tranh tỷ USD Kuaikan World. Năm 2018, cô đã lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Trung Quốc.
- 29-08-2021Đạt mục tiêu mua nhà - tậu xe sau 5 năm nhưng vẫn cảm thấy "chưa thực sự hạnh phúc", nữ trưởng phòng 8x chỉ ra: "Sai lầm lớn nhất về quản lý tài chính là không biết bản thân muốn gì"
- 21-08-2021Thiên tài 12 tuổi đã tốt nghiệp cả trung học, cao đẳng, ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ: "Tôi đang tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời"
- 20-08-2021Người đàn ông từng định hình cả ngành công nghiệp nước Ý, sáng tạo hãng xe làm "điên đảo" dân chơi thế giới: Suýt phá sản nhưng cuối đời vẫn sống nhàn nhã với trăm triệu USD
Nhà đầu tư: "Ứng dụng của bạn hiện tại có số liệu như thế nào?"
CEO: "Ứng dụng đang có hơn 1 triệu người dùng."
Nhà đầu tư: "Số liệu này khả thi đấy. Bạn hoạt động được bao lâu rồi?"
CEO: "3 ngày."
Nhà đầu tư: "..."
CEO: "Thực ra, tôi có 10 triệu người theo dõi trên MXH. Tôi nghĩ ứng dụng của mình có thể thu hút được 9 triệu người, nhưng bây giờ mới chỉ có 1 triệu người theo dõi trong 3 ngày. Tôi không hài lòng lắm."
Nhà đầu tư: "..."
Đây là câu chuyện có thật của CEO Kuaikan World - một ứng dụng đọc truyện tranh nổi tiếng Trung Quốc. Mới đây, ứng dụng này đã hoàn thành vòng gọi vốn mới với 250 triệu USD, nâng định giá công ty lên mức 1,25 tỷ USD.
Kuaikan World nhận được sự đầu tư của các ông lớn như ByteDance, Tencent, CCB International... Nhờ vậy, chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, ứng dụng này đã trở thành kỳ lân mới trong lĩnh vực giải trí trực tuyến đầy cạnh tranh ở đất nước tỷ dân.
Người tạo nên phép màu là một nữ họa sĩ sinh năm 1992, thường được biết đến dưới cái tên Anni Trần.
Anni Trần sinh ra trong một gia đình bình thường ở Quảng Đông (Trung Quốc). Bố cô là công nhân xây dựng, còn mẹ là thợ may. Cả nhà cô sinh sống trong một căn hộ nhỏ chật chội, chỉ tầm vài chục m2.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, Anni Trần cũng rất thích đọc truyện tranh. Cô thường dành dụm tiền tiêu vặt để mua những cuốn truyện mình thích. Do không có tiền mua bút và giấy, cô gái trẻ chỉ có thể thỏa mãn niềm đam mê vẽ vời bằng cách nguệch ngoạc trên bảng đen hoặc vở cũ.
Năm 10 tuổi, Anni Trần bày tỏ mơ ước trở thành họa sĩ truyện tranh. Tuy nhiên, giáo viên và bạn bè đều nói: "Em/cậu vẽ tệ quá! Cơ hội để trở thành họa sĩ truyện tranh của em/cậu chỉ có 1% thôi". Lời nhận xét này đã khiến cô học trò tổn thương sâu sắc.
Ước mơ bị vùi dập, Anni Trần đành chuyên tâm vào học hành. Dù vậy, cô vẫn chưa từng quên tình yêu với truyện tranh. Không thể đường hoàng theo đuổi đam mê, cô đành chắt chiu từng đồng để mua tạp chí, nâng cao kỹ thuật bằng cách học lại tác phẩm của các họa sĩ khác.
"Tôi tích lũy được những cuốn sách này bằng việc tiết kiệm tiền tiêu vặt. Việc mua cũng phải lén lút. Thỉnh thoảng, tôi mang về nhà đọc. Khi mẹ hỏi, tôi chỉ dám nói là mượn của các bạn trong lớp", cô nhớ lại.
Để làm yên lòng cha mẹ, Anni Trần thi đỗ vào ĐH Ngoại ngữ Quảng Đông. Đến lúc này, cô mới dám quay lại vẽ truyện tranh, nhưng chỉ đơn giản là vì sở thích cá nhân.
Bước ngoặt đến với Anni Trần vào năm hai đại học, khi cô tham dự buổi giao lưu với một họa sĩ truyện tranh nổi tiếng. Đúng lúc này, cha của Anni Trần không may bị tai nạn giao thông, gánh nặng tài chính của gia đình đổ dồn lên vai cô.
Chính từ đó, Anni Trần quyết tâm sẽ kiếm ra tiền bằng sở thích của mình. Cô vay bạn học cùng lớp 500 NDT (1,7 triệu VNĐ) để mua một chiếc máy tính bảng, rồi bắt đầu sáng tác truyện tranh một cách nghiêm túc.
Được một người bạn tốt bụng giới thiệu, Anni Trần nhận vẽ truyện tranh bán thời gian với giá 30 NDT/bức (100.000 VNĐ). Cô cóp nhặt từng đồng ít ỏi này, vất vả nuôi sống cả gia đình khi mới tròn 20 tuổi.
Anni Trần thường đăng tải các tác phẩm của mình lên tài khoản MXH "Anni Vĩ đại". Chúng được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống hàng ngày của cô, rất gần gũi với đời thực, nên nhanh chóng thu hút đông đảo người hâm mộ. Đến năm 2014, tài khoản của Annie Trần đã có hơn 8 triệu người theo dõi - ngang ngửa với một diễn viên điện ảnh hạng B.
Vốn xuất thân từ vùng đất có truyền thống kinh doanh, Anni Trần cũng có tư duy nhạy bén bẩm sinh trong lĩnh vực này. Dù ngày càng nổi tiếng, cô nhận ra năng lực cạnh tranh của mình chưa cao, thị trường cũng không thiếu những người nổi tiếng như vậy.
Vì vậy, Anni Trần đã nảy ra một ý tưởng táo báo. Cô tự hỏi: "Liệu mình có thể xây dựng một nền tảng cho phép công chúng tiếp cận với các tác phẩm chất lượng, cũng như khiến thị trường truyện tranh có giá trị thương mại hơn hay không?".
Cứ như thế, ý tưởng về ứng dụng "Kuaikan World" đã ra đời.
3 tháng trước khi tốt nghiệp đại học, Anni Trần một mình đến Bắc Kinh khởi nghiệp. Cô bắt đầu xây dựng ứng Kuaikan World mà mình ấp ủ, bằng cách tuyển nhân viên và tìm kiếm đầu tư.
Để có vốn, Anni Trần đã đến gặp hàng chục nhà đầu tư, nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Họ chẳng mấy lạc quan về thị trường truyện tranh Trung Quốc lúc bấy giờ, cũng như không tin rằng "một người nổi tiếng trên mạng có thể trở thành CEO".
Giữa lúc khó khăn, Anni Trần may mắn nhận được vài trăm nghìn NDT từ người bạn thân Ôn Thành Huy - CEO của một công ty khởi nghiệp khác có tên là Gift Talk. Lý do của anh rất đơn giản, đó là "tin cô ấy như một người bạn".
Với số tiền khiêm tốn này, Anni Trần chính thức bắt đầu hành trình chinh phục thị trường truyện tranh của mình. Cô thuê một căn hộ rộng 120 m2, tuyển thêm 12 người khác đến đây để cùng tạo ứng dụng Kuaikan World.
Tất cả chen chúc sống trong 3 căn phòng nhỏ, mỗi phòng gồm 4 người ngủ trên 2 giường tầng. Không gian bé tới mức một người có thể chạm vào giường đối diện khi mới nhấc chân lên. Họ làm việc trong phòng khách, họp hành ở bếp.
Cộng sự của Anni Trần là những người trẻ tuổi xấp xỉ cô. Họ chấp nhận đi theo nữ họa sĩ này với mức lương 3.000 NDT/tháng (10,5 triệu VNĐ), hàng ngày cùng ăn ở và làm việc với nhau. Trước đó, chưa ai có kinh nghiệm gì về lĩnh vực ứng dụng truyện tranh.
Bản thân Anni cũng hiểu được sự gian khó của quá trình khởi nghiệp. Cô luôn tìm cách bảo vệ nhân viên, thà chịu khổ về mình chứ không để cho người khác phải thiệt thòi.
Trên thực tế, là một người nổi tiếng trên MXH với hơn 8 triệu người hâm mộ, Anni Trần đáng ra không phải chịu nhiều vất vả như thế. Chỉ cần tập trung vẽ tranh và nhận quảng cáo, nữ họa sĩ này có thể đạt mức thu nhập lên tới 1 triệu NDT/năm (3,5 tỷ VNĐ), nhưng đó không phải là con đường cô mơ ước.
Một trong những khó khăn mà Anni Trần gặp phải là tìm nhân sự chuyên về mảng Internet. Khi biết mọi người phải ở chung để làm việc cùng nhau, ứng viên nào cũng sợ hãi bỏ đi. Ngay cả nhân viên dưới trướng cô cũng không dám nói với gia đình về công ty, vì lo mọi người nghĩ là bán hàng đa cấp.
Chỉ khi đăng bài kêu gọi giúp đỡ trên một cộng đồng kỹ thuật, Anni Trần mới gặp gỡ và làm quen được với một số lập trình viên có kinh nghiệm. Chính họ đã giúp cô viết nên phiên bản đầu tiên của Kuaikan World.
Cuối năm 2014, ứng dụng truyện tranh mà Anni Trần mong mỏi cuối cùng cũng chính thức ra mắt. Để quảng bá, cô đã sáng tác và đăng tải bộ truyện "Xin lỗi, tôi chỉ là 1%", lấy cảm hứng từ chính câu chuyện khởi nghiệp đầy kiên trì của mình.
Tác phẩm này ngay lập tức nổi tiếng, được cả những ngôi sao Hoa ngữ hạng A như Triệu Lệ Dĩnh hay Diêu Thần chia sẻ. "Xin lỗi, tôi chỉ là 1%" đạt hơn 450.000 lượt xem chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó thu hút thành công hơn 200 triệu độc giả khác.
Cũng trong ngày ra mắt bộ truyện, lượt tải xuống của Kuaikan World cũng chạm mốc 300.000, rồi tiếp tục tăng với tốc độ hàng trăm nghìn lượt/ngày trong khoảng vài ngày sau đó. Tại thời điểm ấy, không có nhiều ứng dụng vượt qua con số 1 triệu lượt tải xuống nhanh như vậy. Đây là phép màu mà chỉ Anni Trần mới làm được.
Thành công đến với Anni Trần quá nhanh, quá bất ngờ, khiến một bộ phận cư dân mạng tỏ vẻ hoài nghi. Người bảo cô đạo văn, kẻ nghi ngờ vấn đề bản quyền, có bình luận còn chê kỹ thuật kém.
Đối với một cô gái vừa tốt nghiệp, việc nhận về hàng loạt chỉ trích trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn. Anni Trần không ngừng nghi ngờ bản thân, còn định bỏ cuộc. Dù vậy, cô vẫn lấy hết can đảm để bước tiếp.
Mặc kệ những lời đả kích trên MXH, Anni Trần tập trung hết mình cho ứng dụng. Cô tự bỏ thêm hàng chục nghìn NDT tiền túi, yêu cầu giám đốc kỹ thuật mua thêm máy chủ. Nữ họa sĩ này sợ rằng máy chủ sẽ sập khi lượt người dùng trực tuyến đột ngột vượt ngưỡng 20.000.
Theo Anni Trần, nếu không làm tốt phần nội dung và tính năng sản phẩm, họ sẽ không thể giữ chân người dùng. Như vậy chẳng khác nào thảm họa. Dù vậy, cô vẫn khiêm tốt thừa nhận: "Tôi thực sự vẽ không đẹp lắm".
Tháng 12/2014, Anni Trần nhận được khoản lợi nhuận đầu tiên trị giá 3 triệu USD. Sau hơn 2 năm phát triển, Kuaikan World đã có hơn 71,5 triệu người dùng. Ứng dụng này đã ký hợp đồng với hơn 500 họa sĩ, xuất bản hơn 1.000 bộ truyện tranh chất lượng cao, nắm giữ hầu hết nguồn lực trong ngành.
Kuaikan World lưu trữ tác phẩm của các họa sĩ truyện tranh toàn Trung Quốc, tạo doanh thu từ việc đăng ký, cấp bản quyền và quảng cáo.Theo dữ liệu từ Baidu, đây là ứng dụng đọc truyện tranh phổ biến nhất dành cho Gen Z Trung Quốc, vượt xa mọi đối thủ trong nước. Bloomberg cho biết, doanh thu trong năm 2020 của Kuaikan World đã tăng 27% lên mức 67,4 triệu USD.
Ngoài ra, Kuaikan World cũng hợp tác thành công với hàng loạt hãng sản xuất phim trong nước, từng bước chuyển thể các tác phẩm hot thành web drama, phim truyền hình, và phim chiếu rạp. Một số chuyên tài chính còn mạnh dạn dự đoán, với đà phát triển này, Anni Trần có thể trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc trong tương lai.
"Nhiều điều tôi muốn làm trước đây nhưng không thể thực hiện, bây giờ cũng làm được rồi", Anni Trần chia sẻ. "Tất cả nhân viên đều được tăng lương. Kế hoạch trị giá 30.000 NDT vẽ ra từ lâu giờ mới thành hiện thực. Tất cả các họa sĩ truyện tranh nổi tiếng đều được ký hợp đồng và nhận hoa hồng sau khi ủy quyền chính thức cho ứng dụng."
Thành công từ khi còn rất trẻ, nhưng Anni Trần không muốn lấy tuổi tác ra để biện hộ cho bất kỳ sai lầm nào của mình.
"Thương trường là nơi bình đẳng. Không ai quan tâm doanh nhân trẻ như thế nào trong môi trường kinh doanh", cô nói. "Ai cũng chỉ muốn biết sản phẩm này có mang lại giá trị thực sự hay không. Họ sẽ không vì founder mới ngoài 20 tuổi mà dung túng cho một sản phẩm kém chất lượng."
Chính lối tư duy sâu sắc này đã khiến Anni Trần trở nên khác biệt so với nhiều doanh nhân 9x khác. Từ một đứa trẻ tự ti về năng lực, cô đã thành nữ doanh nhân trưởng thành, vững vàng, biết khống chế đại cục.
"Nếu chọn khởi nghiệp, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều gian nan và vất vả trên con đường này. Bạn thậm chí sẽ phải đối mặt với đủ loại nghi ngờ. Tôi nghĩ rằng cách duy nhất để đối mặt với những điều này là kiên trì", cô khuyên những người trẻ đang nung nấu khởi nghiệp.
(Theo Zhihu, Sohu)