Cha mẹ chỉ học hết cấp 3 nhưng nuôi dạy con đỗ hẳn ĐH Stanford: Thiên tài trên đời này không thiếu, quan trọng là rèn cho trẻ những điều này từ nhỏ
Ganh đua, so sánh không giúp con cái thành công hơn trong tương lai. Điều cha mẹ cần làm luôn bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.
- 04-05-2021Tiêu chuẩn chọn vợ của giới nhà giàu: Sắc đẹp chỉ là thứ yếu, 2 yếu tố "hiếm có khó tìm" này mới quyết định chặng đường dài lâu
- 03-05-2021Cặp vợ chồng triệu phú tự thân tiết lộ 7 bài học lớn trong hành trình xây dựng giá trị ròng 7 con số: Hãy coi tiền chỉ như một công cụ!
- 03-05-2021Chuyên gia giáo dục người Việt tại Pháp và quan điểm gây "sốc": Xin chị đừng cho con đi du học!
Qua Nhi Tử là một cô gái 19 tuổi xuất thân từ vùng đô thị loại 3 tại Trung Quốc. Cô có khả năng ngoại ngữ xuất sắc, hiện là sinh viên của ĐH Stanford (Mỹ).
Khi được hỏi tại sao có thể vào được một ngôi trường danh giá như vậy dù chỉ xuất thân từ một thị trấn nhỏ, lại không được học tập trong môi trường quốc tế từ nhỏ, Qua Nhi Tử trả lời: "Thứ mà người ta gọi là thiên tài, trên đời không thiếu, ai cũng có sở trường riêng, không việc gì phải ganh đua so sánh, cứ chuyên tâm vào việc của mình".
Qua Nhi Tử trở thành sinh viên đại học danh giá như ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của cha mẹ. Cha mẹ cô dù không học vấn không cao, chưa từng bước chân vào đại học, nhưng lại có cách nuôi dạy con vô cùng hiệu quả. Điều này đã khiến không ít cư dân mạng Trung Quốc ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
1. Càng nhỏ tuổi, càng phải bồi dưỡng tính quy củ
Cha mẹ Qua Nhi Tử vốn là người quy củ. Họ cho rằng trẻ càng nhỏ, việc giáo dục càng phải khắc nghiệt. Khắc nghiệt ở đây không phải là ép con chăm chỉ hay được điểm cao, mà chú trọng rèn tính quy củ trong sinh hoạt thường ngày.
Ngay từ nhỏ, Qua Nhi Tử đã được cha mình dạy phải biết trân trọng đồ ăn, khi ăn phải ăn hết cơm trong bát, không được bỏ sót một hạt nào. Việc này được rèn từ nhỏ nên đã trở thành thói quen. Kể từ đó, khi làm bất kỳ việc gì, dù là việc nhỏ, cô cũng phải làm cho gọn gàng, đến nơi đến chốn.
Cách Qua Nhi Tử cầm đũa cũng được mẹ cô chú ý giáo dục. Chỉ cần cô cầm không đúng cách, mẹ sẽ nhắc nhở: "Cầm đũa không tử tế, ra ngoài người ta sẽ bảo là con của nhà không có gia giáo." Ngay cả những thói quen sinh hoạt nhỏ như vậy cô cũng được dạy.
Ở nhà chịu khó một chút, thì ra xã hội sẽ không vấp ngã. Đừng nghĩ là việc nhỏ mà coi thường, tiểu tiết quyết định vận mệnh.
2. Học năng khiếu chỉ cần hứng thú, không cần thành tích hay thực dụng
Không cho con mình học thêm năng khiếu, khi nhìn sang tài năng của con nhà người khác, không bậc phụ huynh nào là không sốt ruột. Dù chi phí rất cao nhưng cha mẹ nào cũng sẽ cắn răng cắn lợi để cho con mình đi học cho bằng bạn bằng bè.
Lúc nhỏ Qua Nhi Tử rất nghịch ngợm, đến lớp học đàn phá phách khiến giáo viên phải sợ hãi. Cha mẹ nghĩ mọi cách để cô chăm chỉ học tập, từ quát mắng, đánh đòn cho đến dỗ dành. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cha mẹ chưa từng đem việc con luyện đàn ra để khoe với người khác, dù rất muốn cô học chơi đàn. Họ muốn Qua Nhi Tử học đàn một cách thuần thục, dùng nghệ thuật để tu dưỡng tâm hồn, không phải để thể hiện.
Ngoài piano, Qua Nhi Tử còn học thêm tiếng Anh từ năm lớp 2. Thời điểm đó ở nơi cô sống có rất ít chỗ học tiếng Anh, chi phí khá cao, trong khi tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ không được mấy ai chú ý. Vậy mà cha mẹ cô không tiếc tiền để cho cô đi học hết năm này đến năm khác.
Tuy nhiên, việc học tiếng Anh khi ấy không giúp Qua Nhi Tử cải thiện điểm số ở trường. Thậm chí, gia đình cô còn bị mọi người chê trách là đốt thời gian, thà tập trung cho Toán và Văn còn hơn. Dù vậy, cha mẹ Qua Nhi Tử vẫn kiên trì với quyết định của mình. Nhờ đó mà sau hơn chục năm, con gái họ có thể trúng tuyển vào một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới.
Lên cấp hai, Qua Nhi Tử có thêm niềm đam mê với thư pháp. Lúc này ai cũng bận rộn cho việc học để thi lên cấp 3, nhưng cha mẹ không ngại tìm thầy nổi tiếng cho cô học. Riêng về khía cạnh giáo dục, họ chỉ cần nhìn vào hứng thú, không quan tâm đến thành tích hay tính thực dụng.
Dù bận bịu đến đâu, cha mẹ Qua Nhi Tử vẫn sẽ sắp xếp thời gian để đích thân đưa đón cô đi học. Gia đình cũng chưa từng thúc ép cô phải tham gia bất kỳ cuộc thi nào. Họ duy trì một thái độ hết sức bình tĩnh: Học được là tốt.
Sở dĩ cha mẹ Qua Nhi Tử có tâm lý này là vì ngày xưa họ không được đi học đại học do gia cảnh nghèo khó. Dù cuộc sống sau này đã thoải mái, nhưng cảm giác tự ti về học vấn đã thôi thúc họ phấn đấu không ngừng để cho con cái tương lai tốt nhất.
Cha mẹ Qua Nhi Tử tôn trọng mọi loại tri thức, nên sẵn sàng cho cô học hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Dù đó là tiếng Đức, tiếng Do Thái hay piano, dù việc này tốn thời gian và tiền bạc ra sao, họ cũng không phản đối việc học của con gái. Cha mẹ chỉ hỏi cô rằng: "Con có cảm thấy sẽ thu hoạch được gì không?".
Chỉ cần có đam mê, có thu hoạch, học gì cũng đáng.
3. Học cách bày tỏ tình cảm giữa cha mẹ và con cái
Việc cha mẹ và con cái học cách bày tỏ tình cảm với nhau chính là chìa khóa để rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội.
Người quen của cha mẹ Qua Nhi Tử thường khen: "Con gái anh chị thật hiểu chuyện!". Thế nhưng, họ không biết rằng cô gái này từng "chiến tranh lạnh" rất căng thẳng với cha mẹ. Lúc đó, cô còn cho rằng ở trường còn thích hơn ở nhà.
Quan hệ với gia đình không hòa thuận, thành tích học tập của Qua Nhi Tử cũng tụt dốc. Cô bị khủng hoảng về lòng tin. Cô nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu mình nữa, nếu không tại sao lại ngăn cô ăn những món yêu thích, rồi lại lạnh nhạt với cô.
Cả hai bên đều hiểu lầm nhau, cũng chưa biết cách bày tỏ tình yêu của mình.
Dần dần, Qua Nhi Tử học cách mở lòng hơn, chú ý đến tình cảm của người thân dành cho mình, nhờ đó hòa hợp lại với gia đình. Việc làm thế nào để bày tỏ cảm xúc của bản thân và đón nhận tình cảm của người khác là rất quan trọng và khó học, nhưng thường bị mọi người xem nhẹ.
Sau khủng hoảng này, cách giao tiếp giữa cha mẹ và Qua Nhi Tử đã thay đổi rất nhiều. Họ vẫn ủng hộ cô, nhưng đã biết cách sử dụng những lời nói thích hợp để bày tỏ sự quan tâm, biết cách dừng lại khi mâu thuẫn và lắng nghe lời của con mình từ đầu đến cuối, ngay cả khi đây là những lời đầy ngốc nghếch của con trẻ.
Con cái cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của cha mẹ sẽ trưởng thành hơn. Hai bên đặt mình vào vị trí của nhau sẽ giúp mọi giao tiếp trở nên đơn giản. Một khi con cái và cha mẹ có cùng mục tiêu, mọi cuộc thảo luận sẽ diễn ra trôi chảy.
4. Có thất bại cũng không sao
Sau này, Qua Nhi Tử rời thị trấn nhỏ để lên thành phố học cấp ba. Mỗi năm cô chỉ được về nhà không quá 2 tháng. Dù vậy, khoảng cách địa lý không làm suy giảm sự ủng hộ từ cha mẹ dành cho cô.
Khi Qua Nhi Tử tham gia một số cuộc thi hùng biện, những hạn chế khi lớn lên tại một thị trấn nhỏ dần bộc lộ. Dù khả năng tiếng Anh của cô nổi bật hơn so với các bạn đồng trang lứa ở quê, nhưng môi trường mới này không thiếu bậc thầy, năng lực của cô là chưa đủ.
Sau khi thất bại liên tiếp trong các cuộc thi, Qua Nhi Tử gọi điện về cho cha mẹ. Nghe con tâm sự, họ chẳng những không thất vọng mà còn thoải mái động viên: "Không sao! Không sao cả. Không thu hoạch được cái này thì thu hoạch cái khác".
Dần dần, Qua Nhi Tử nảy sinh tâm lý sợ bóng sợ gió, luôn đắn đo trước khi đăng ký tham gia một cuộc thi mới. Thấy vậy, cha mẹ cô liền cổ vũ: "Cứ thi đi, thắng là điều tốt, nếu thua thì không có gì để mất".
Nhờ hai vị phụ huynh không sợ thua này, cô gái mới có thể giành được học bổng vào ĐH Stanford như ngày hôm nay.
Cha mẹ cô là người bản lĩnh, rất can đảm thả con đi xa để học hỏi. Trước khi lên cấp ba, Qua Nhi Tử chưa từng một lần đặt chân tới thành phố. Vậy mà về sau, họ vẫn tin tưởng để cô đi du lịch khắp đất nước cùng bạn bè.
Cha mẹ sẽ không thể cho con cái tự do nếu không có sự tin tưởng. Muốn bồi dưỡng con mình thành tài, lòng tin và tình yêu là điều không thể thiếu.
Tóm lại, chỉ cần cha mẹ và con cái đồng lòng, thấu hiểu nhau, sẽ không ngại bất kỳ sóng gió hay chông gai gì cả. Ai cũng có tài năng riêng, không việc gì phải ganh đua so sánh với người, chỉ cần tập trung làm việc của mình, thành công sẽ đến.
(Theo Sohu)