MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm giải ngân vốn ODA

Thời gian qua, do một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến việc giải ngân vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế bị chậm lại so với năm 2015. Do đó, các bộ, ngành đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Chậm bố trí vốn đối ứng

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý ứng trước từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 số tiền 3.670 tỷ đồng nhằm bổ sung kế hoạch vốn đối ứng năm 2016 cho Bộ Giao thông vận tải và 9 địa phương thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. 9 địa phương gồm Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Trà Vinh.

Từ đầu năm đến nay, dù số lượng vốn viện trợ ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với năm 2015, với số vốn lên tới 4,9 tỷ USD, song theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ giải ngân giảm, chỉ bằng 81,4% so với cùng kỳ năm trước, với 2,68 tỷ USD. Điều này không chỉ khiến nguồn vốn ODA tăng lãi suất trả nợ trong khi số vốn nằm bất động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược phát triển. Trên thực tế, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi phần lớn là các khoản vay có lãi suất và có thời gian nhất định để giải ngân.

Bên cạnh các nguyên nhân như một số dự án giao vốn chưa sát với khả năng thực hiện, do giải phóng mặt bằng, do có sự khác biệt về quy trình thủ tục trong quản lý hành chính và đấu thầu giữa Việt Nam và nhà tài trợ, các vướng mắc về thể chế khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… thì nguyên nhân được nhắc tới khá nhiều là do chậm bố trí vốn đối ứng.

Theo Bộ KH&ĐT, việc triển khai đồng thời nhiều dự án ODA với tổng mức đầu tư lớn, kéo theo nhu cầu vốn đối ứng tương ứng (trung bình khoảng 20% tổng mức đầu tư) gây sức ép rất lớn cho ngân sách vốn đã eo hẹp của Trung ương và của các địa phương. Có nhiều dự án địa phương đã cam kết bố trí vốn đối ứng nhưng sau đó lại dồn gánh nặng lên ngân sách Trung ương.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT)- một trong những Bộ có kết quả giải ngân vốn ODA tốt cũng gặp phải khó khăn về vấn đề này. Hiện Bộ GTVT đang thực hiện và quản lý 20 dự án ODA của 7 nhà tài trợ với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD, trong đó vốn đối ứng khoảng 1,6 tỷ USD. Tính đến tháng 9-2016, Bộ GTVT đã giải ngân được 72% vốn nước ngoài và 69% vốn đối ứng được giao thực hiện trong năm 2016. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của Bộ GTVT hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc, không chỉ do thiếu vốn nước ngoài mà còn do thiếu vốn đối ứng. Theo đó, việc giao kế hoạch vốn đối ứng rất thấp so với nhu cầu đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện của các dự án, có khả năng phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện từ nhà thầu nước ngoài dẫn đến phải đền bù.

Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA mới được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc việc giải ngân của năm 2016, do đó cần phải có giải pháp về vốn thì mới giải quyết được số vốn còn lại cần giải ngân. Bên cạnh đề xuất việc điều hòa nguồn vốn ODA của những dự án chậm giải ngân theo hướng tập trung bố trí cho 1-2 dự án trọng điểm, không nên điều hòa vốn theo hướng dàn trải mỗi dự án được bổ sung 5-10 tỷ đồng không đủ giải phóng mặt bằng hay xây lắp…, đại diện Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ giải quyết vốn đối ứng cho các dự án.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, điều kiện để khởi công công trình theo quy định phải có mặt bằng xây dựng, nhưng thực tế có nhiều công trình không giải phóng được mặt bằng xây dựng hoàn toàn. Theo đại diện Bộ Xây dựng, điều kiện cũng như việc giải ngân bố trí vốn ngân sách địa phương trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến các dự án, đặc biệt là các dự án ODA.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị có khá nhiều dự án gặp vướng mắc liên quan đến vấn đề bố trí vốn đối ứng, phổ biến là việc vốn đối ứng của các địa phương không được bố trí đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc trì hoãn giải phóng mặt bằng, triển khai thi công.

Tăng cường kỷ luật hành chính

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong triển khai dự án ODA, bà Phan Thị Mỹ Linh cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định 37/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, các quy định điều chỉnh giá, thanh toán hợp đồng được quy định cụ thể tại Nghị định 37 nhưng khi thực hiện, các quy định giữa chủ hợp đồng với các bên liên quan chưa được áp dụng một cách đầy đủ, dẫn đến một số thỏa thuận không phù hợp với quy định của pháp luật, khiến quá trình quản lý hợp đồng gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, mô hình quản lý hợp đồng 3 bên đòi hỏi tư vấn của dự án phải có tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, am hiểu pháp luật, tuy nhiên qua các dự án ODA cho thấy một số điểm yếu của tư vấn khá rõ nét đó là tính độc lập chưa cao, chưa tìm hiểu hết các quy định pháp luật. Điều này dẫn tới việc áp dụng mô hình này tại các dự án thực hiện bằng vốn vay ODA gặp nhiều khó khăn do bên giao thầu không dám giao hết các quyền cho tư vấn, dù Nghị định 37 đã quy định về vấn đề này.

Một lý do dẫn đến chậm trễ trong khởi động dự án ODA là năng lực của các Ban quản lý dự án. Liên quan đến vấn đề này tại các dự án ODA của Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, dự án bắt đầu được triển khai khi có hiệu lực, nhưng muốn triển khai nhanh cũng không được vì thời điểm này Ban quản lý dự án thường là những cán bộ kiêm nhiệm, phong cách làm việc nặng về hành chính. Phải mất khoảng 1-2 năm sau khi tuyển thêm cán bộ tư vấn chuyên nghiệp, làm chuyên trách ở các vị trí khác nhau dự án mới bắt đầu hoạt động trơn tru. Cho rằng những cán bộ dự án không có kinh nghiệm góp phần làm trì hoãn dự án, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân sự ở những vị trí then chốt có thể thúc đẩy triển khai dự án đúng tiến độ, đại diện Bộ Y tế đề xuất Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần có cơ chế nhằm tạo nguồn tiền để có thể tuyển cán bộ tư vấn giỏi ngay từ đầu để khi dự án được phê duyệt là đi vào triển khai được ngay, đây là vấn đề mấu chốt. Nhiều ý kiến đồng tình với việc cần tăng cường kỷ luật hành chính với các bên liên quan để thúc tiến độ giải ngân tại các dự án ODA theo tinh thần của Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, nếu hết tháng 9-2016 vẫn không đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo quy định thì không bố trí vốn nữa, siết chặt điều này thì lập tức bộ máy sẽ được tăng cường lên rất nhiều.

Trong giải ngân vốn ODA có một thực tế là tốc độ giải ngân không đồng đều, bên cạnh một số bộ ngành và địa phương có mức giải ngân tương đối cao như Bộ GTVT, Hà Nội, TP.HCM, còn nhiều bộ ngành và địa phương có mức giải ngân rất thấp như Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Tây Ninh...

Theo ông Nguyễn Thế Phương, để xử lý vấn đề có những bộ ngành, địa phương giải ngân rất tốt, vượt số vốn kế hoạch đặt ra, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cho phép điều hòa ngân sách giữa các dự án với nhau trong nội bộ tỉnh đó, bộ ngành đó. Dự án nào giải ngân tốt thì tiếp tục tập trung giải ngân, bố trí khoản vay bị hủy của dự án ngừng triển khai, dự án không giải ngân hết cho các dự án này.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, hiện một số chính sách giải ngân ODA khá rườm rà, trong đó, vướng mắc lớn là cơ chế tài chính cho chính quyền địa phương vay lại vốn ODA. Mặc dù Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ra Nghị định nhưng hiện nay vẫn còn những vấn đề phức tạp. Theo cơ chế cho vay lại, khi các tỉnh có khả năng trả nợ thì mới được vay. Như vậy, các tỉnh nghèo không trả được nợ sẽ không được vay. Về vấn đề này, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đề xuất việc cho vay lại của chính quyền địa phương sẽ chia ra 5 nhóm, trong đó lưu ý đến tình hình tài chính của từng địa phương để có cơ chế cho vay lại phù hợp.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên