MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp: Không vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh!

Theo VCCI, cần phân biệt các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào chủ đích trục lợi, doanh nghiệp nào chỉ liên quan đến việc mua bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống.

Cần phân biệt doanh nghiệp trục lợi và doanh nghiệp làm ăn chân chính

Hoàn thuế giá trị gia tăng được xem như nguồn vốn "trợ thở" kịp thời cho doanh nghiệp khi sức khoẻ đang bị bào mòn. 

Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có văn bản đôn đốc cục Thuế các tỉnh, thành đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). 

Tuy nhiên, việc hoàn thuế vẫn gần như rất chậm. Một trong những nguyên nhân là việc thanh tra, kiểm tra kéo dài trước hàng loạt các vụ việc, doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống. Mới đây, Tổng cục Thuế thông báo về việc các doanh nghiệp cần giải trình khi liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro hoá đơn. Nghĩa là bất cứ bộ hồ sơ hoàn thuế nào có giao dịch, mua hoá đơn của 524 doanh nghiệp này là sẽ bị loại.

524 doanh nghiệp này là các doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Quản lý thuế). Cơ quan Thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/CCCD giả để thành lập mới hoặc mua lại doanh nghiệp ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các doanh nghiệp làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước. 

Trường hợp 524 doanh nghiệp bán hóa đơn này khác với trường hợp các doanh nghiệp bán hàng rồi bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế vì các doanh nghiệp bán hóa đơn chủ yếu khai khống hóa đơn hàng hóa mua vào. Cục Thuế địa phương thông báo mời doanh nghiệp liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro cao nêu trên để chứng minh việc sử dụng hóa đơn là hợp pháp.

Chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp: Không vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh! - Ảnh 1.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần phân biệt doanh nghiệp trục lợi và doanh nghiệp làm ăn chân chính

Về việc các doanh nghiệp phải lên làm việc với cục thuế địa phương nếu liên quan đến 524 doanh nghiệp trên, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc mua bán hoá đơn bây giờ mới diễn ra, trong nhiều năm qua đã có tình trạng này. Vấn đề là quyền lợi của doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng cần phân định hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp có chủ đích gian lận, trục lợi về thuế thông qua việc mua bán hoá đơn. Nhóm này đương nhiên phải bị xử lý. Nhóm thứ hai theo ông Tuấn, khá nhiều các doanh nghiệp là các bên liên quan tức họ không thể kiểm soát được như tình cờ trong một đồng nhỏ liên quan đến 524 doanh nghiệp trên.

"Cần phải phân biệt các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào chủ đích trục lợi, doanh nghiệp nào chỉ liên quan. Cho nên trong cách thức đối xử với doanh nghiệp cần phân biệt rõ điều này. Không nên đánh đồng các doanh nghiệp",

Theo thông báo mới nhất từ Tổng cục Thuế, trường hợp doanh nghiệp sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp nếu chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định. Còn trường hợp doanh nghiệp sử dụng hoá đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế theo quy định. 

Không vì một con sâu mà làm rầu nồi canh!

Thời gian vừa qua, rõ ràng sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn những năm qua do nền kinh tế gặp nhiều thách thức từ bên ngoài lẫn nội tại, tiếp cận vốn khó khăn… Có được đồng vốn, hay sớm hoàn thuế ngày nào là doanh nghiệp như được tiếp thêm sức ngày đó để hoạt động, duy trì sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng đã phản ánh đến VCCI sản xuất kinh doanh bị đình trệ do trong các bộ hồ sơ xin hoàn thuế có một số hóa đơn mua gom nhiều nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động.

Như tại Công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai, doanh nghiệp này đã phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất vì thiếu tiền mua nguyên liệu. Theo doanh nghiệp, nguyên nhân là do 6 tháng qua DN mới chỉ được Cục Thuế Đồng Nai hoàn 10 tỷ đồng tiền thuế.  Trong số 142 tỷ đồng doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế, hiện có trên 50 tỷ đồng Cục Thuế cho rằng hóa đơn đầu vào không hợp pháp và có thể phải chuyển cơ quan công an điều tra.

"Hàng hóa mua vào đồng phế liệu phần lớn sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp không họa động tại địa chỉ đăng ký thuế. Người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc tạm ngừng kinh doanh có thời hạn", ông Đậu Đức Anh, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết bị điện LiOA Đồng Nai, khi giao dịch thì công ty đã kiểm tra và ngân hàng cũng đã kiểm tra trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế thì người ta vẫn hạt động bình thường nên chúng tôi không thể kiểm soát được. 

"Tôi đề nghị cơ quan thuế hoàn trước kiểm sau. Nếu kiểm tra có dấu hiệu vi phạm thì truy thu", ông Thành đề nghị. 

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động là qui luật tất yếu của thị trường. Do không có chức năng điều tra nên quá trình xác minh của cơ quan thuế và chờ kết luận của cơ quan điều tra về những hoá đơn này có hợp pháp hay không thường kéo dài hàng năm.

"Tổng cục Thuế sẽ rà soát báo cáo Bộ Tài chính những qui định còn đang bất cập hạn chế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung đảm bảo các qui định thống nhất chặt chẽ giúp việc hoàn thuế giá trị gia tăng được kịp thời", ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết.

Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro và sẽ xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật các trường hợp sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước. Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp để góp phần ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn không hợp pháp.

Chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp: Không vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh! - Ảnh 2.

Chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp: Không vì một con sâu mà làm rầu cả nồi canh!

Hiện Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đang đẩy mạnh công tác quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định người nộp thuế có rủi ro cao; tăng cường đối chiếu thông tin, từ đó kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm giúp đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên. 

Nhiều doanh nghiệp bị phát hiện cố tình gian lận để chiếm dụng tiền hoàn thuế thì các cơ quan quản lý phải có thời gian thanh kiểm tra, xác định lại. Việc này là rất cần thiết. Không thể chấp nhận các doanh nghiệp có những hành vi tiếp tay cho việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp hoặc cố tình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn để khấu trừ tiền thuế. Nhưng làm sao để các doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp cận kịp thời với các chính sách của Nhà nước có nguồn lực phục hồi sản xuất, giảm thiểu khó khăn. Không vì một con sâu mà làm rầu nồi canh!

Theo Thùy An

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên