Chấn động vụ giả công văn ở Tổng cục Thủy sản: Không công bố SP sai phạm
Chưa thể cung cấp danh tính của các công ty và sản phẩm nộp 5 triệu mua chứng nhận, vì còn đang thanh tra, và không công bố vụ việc động trời này vì "chưa nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí"...
Làm giả công văn, cấp chứng nhận cho 800 sản phẩm lưu hành trái phép
Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng có kết luận nội dung làm giả công văn để lưu hành trái phép hơn 800 sản phẩm trong đó có 140 sản phẩm thức ăn thủy sản và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trên thị trường.
Cụ thể, từ đầu năm 2013, ông Bùi Đức Quý - Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã cấu kết với các cán bộ của Trung tâm là ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh làm giả công văn và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành.
Theo đó, sản phẩm của doanh nghiệp trước khi bán ra thị trường không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng mà chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để trả cho Giám đốc Trung tâm là có tên trong danh sách lưu hành.
Đặc biệt, chỉ với 3 bản phụ lục được ký khống, hơn 2 năm qua, hơn 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản đã vô tư lưu hành trên thị trường mà không bị cơ quan chức năng nào phát hiện.
Trao đổi với phóng viên chiều 20/7, ông Dương Văn Cường, Chánh văn phòng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục Thủy sản đã tiếp nhận thông tin của vụ việc từ tháng 4/2015.
Ngay sau đó Tổng cục Thủy sản đã thành lập tổ xác minh thông tin và giao cho Vụ pháp chế thanh tra tham mưu để xử lý vụ việc liên quan đến Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, chủ động mời Cơ quan an ninh (Bộ Công an) vào tiến xác định vụ việc, không bao che cán bộ, xử lý nghiêm hành vi theo quy định.
“Các cá nhân có liên quan và đang công tác tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thuỷ sản và Văn phòng Tổng Cục thủy sản đã cố ý làm sai quy định, cố tình ghép phụ lục đưa tên một các sản phẩm, chất trong nuôi chồng thủy sản và lưu hành. Tổng Cục ban hành văn bản kèm theo phụ lục sản phẩm là đúng quy định nhưng các đối tượng lại sử dụng ngay quyết định, văn bản đấy để chế ghép thêm các phụ lục, đưa thêm vào một số các sản phẩm”, ông Cường cho hay.
Ông Cường khẳng định, văn bản gốc lưu trữ tại văn phòng Tổng Cục là văn bản chuẩn, được ban hành theo đúng quy định nhưng chính văn bản gốc đó đã bị một số cán bộ cố ý, ghép tên đưa một số phụ lục vào để ban hành chưa đúng quy định.
Vì sao không công bố 800 sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để người dân biết?
Mặc dù Tổng cục Thủy sản khẳng định đã xác minh điều tra vụ việc này và ra kết luận trong năm 2015 nhưng chỉ cách đây một hôm, báo chí mới nắm được thông tin.
Tổng cục Thủy sản cũng không hề cung cấp, công bố công khai danh sách 800 sản phẩm không đủ tiêu chuẩn được lưu hành và 72 doanh nghiệp tham gia mua giấy phép để người dân được biết, dù các kết luận xác minh đã có cách đây hơn 1 năm.
Lý do theo ông Cường là “chúng tôi chưa nhận được yêu cầu của cơ quan báo chí liên quan đến việc này”.
Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản Dương Văn Cường cho biết, chưa thể cung cấp danh tính của các công ty và sản phẩm vì Thanh tra bộ đang xử lý và theo quy định của pháp luật thanh tra thì không thể cung cấp thông tin đó tại thời điểm này.
Điều đó có nghĩa, 800 sản phẩm đó vẫ đang trôi nổi trên thị trường, người dân có thể mua phải sản phẩm không đảm bảo mà không hề hay biết. Tuy nhiên ông Cường cho hay, Tổng cục đã công bố cho các cơ quan quản lý của địa phương.
“Về công tác thu hồi, hiện nay chúng tôi cung cấp số liệu vào thời điểm này và cần có thời gian chuẩn bị”, ông Cường nói.
Thu hồi hơn 1 tỷ đồng bất chính
Ông Cường cho biết, sau khi có kết luận xác minh, Tổng cục Thủy sản đã cách chức, khai trừ khỏi Đảng đối với đồng chí Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thuỷ sản.
Đồng thời buộc thôi việc, khai trừ khỏi Đảng đối với ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng phòng hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng cục Thủy sản; Buộc thôi việc 5 viên chức thuộc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thuỷ sả; cảnh cáo một viên chức của Trung tâm này.
“Đây là hình thức kỷ luật cao nhất theo quy định về xử lý vi phạm công chức, viên chức”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Dương Văn Cường, tại thời điểm xảy ra vụ việc, Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản thu hồi toàn bộ các văn bản, phụ lục bị ghép, bị đưa thêm sản phẩm vào lưu hành không còn giá trị pháp lý; lập các đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra, thanh tra tại địa phương, cơ sở và hiện nay quá trình này đang tiếp tục được làm.
Mặt khác, thông báo đến các địa phương trên toàn quốc đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp được thu hồi, thống kê, niêm phong giám sát các sản phẩm nhập khẩu, sản xuất kinh doanh chờ xử lý của doanh nghiệp đóng trên địa bàn đến khi có kết quả; tiến hành khảo nghiệm đối với các sản phẩm lưu hành, phân tích lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, đánh giá lại chất lượng trước khi được đưa thị trường.
“Chúng tôi đã thu hồi số tiền bất chính của một số cán bộ hơn 1 tỷ đồng chuyển vào tài khoản tạm giữ tại tài khoản của Thanh tra Bộ NN&PTNT sau đó khoảng một hai tháng, vào tháng 5- 6/2015, Tổng cục Thủy sản cũng tiến hành tổ chức hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh, mời tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến trao đổi, thống nhất cách xử lý đối với các tài sản này”, ông Cường khẳng định.