MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ‘fan hâm mộ’ đặc biệt nhất giới thể thao: Chi 1,5 tỷ USD để mua cổ phần trong Man Utd và hàng trăm triệu USD để sở hữu những đội chơi ‘khủng’

21-10-2023 - 06:45 AM | Tài chính quốc tế

Jim Ratcliffe sắp hoàn tất thương vụ mua 25% cổ phần của Manchester United và ông đang trở thành một trong những 'fan hâm mộ' thể thao có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.

Chân dung ‘fan hâm mộ’ đặc biệt nhất giới thể thao: Chi 1,5 tỷ USD để mua cổ phần trong Man Utd và hàng trăm triệu USD để sở hữu những đội chơi ‘khủng’ - Ảnh 1.

Tỷ phú Jim Ratcliffe.

Jim Ratcliffe, tỷ phú ngành hoá chất của Anh, đã có chuyến đi 8.000 km bằng xe máy qua dãy Andes cách đây vài năm và ông thấy chán nản với hiện trạng của lĩnh vực thể thao. Ông cho rằng, không có ai thực sự theo đuổi giới hạn mà con người phải đối mặt.

Sau đó, khi dừng chân ở một con đường tại Argentina, ông đặt ra một thành tích khiến bản thân thật sự thích thú: Ratcliffe muốn chứng kiến ai đó chạy marathon với thời gian chưa đầy 2 tiếng.

Vì vậy, ông đã thuê một số nhà khoa học giỏi nhất về thể thao, cùng vận động viên marathon có thành tích khủng nhất thế giới để biến điều đó thành hiện thực. Năm 2019, trên đường đua khép kín ở Vienna, Eliud Kipchoge đã chạy quãng đường 42km trong 1 giờ 59 phút.

Vị tỷ phú nhận ra rằng, đây là cách ông muốn tận dụng thời gian của mình. Là người giàu nhất nước Anh thôi là chưa đủ. Ông còn đang trong quá trình trở thành một trong những “fan hâm mộ” giàu có nhất, có tầm ảnh hưởng nhất của lĩnh vực thể thao trên thế giới.

Chân dung ‘fan hâm mộ’ đặc biệt nhất giới thể thao: Chi 1,5 tỷ USD để mua cổ phần trong Man Utd và hàng trăm triệu USD để sở hữu những đội chơi ‘khủng’ - Ảnh 2.

Eliud Kipchoge vượt qua vạch đích ở Vienna trong cuộc đua marathon mà Ratcliffe tổ chức vào 10/2019.

Trong 4 năm tới, đế chế của Ratcliffe sẽ mở rộng từ công ty hoá dầu Ineos sang cả quản lý đội đua xe đạp chuyên nghiệp trước đây là Team Sky, các câu lạc bộ bóng đá ở Pháp, Thuỵ Sĩ, sở hữu cổ phần trong trong đội Mercedes Formula One. Mới đây, ông cũng mua 25% cổ phần trong Manchester United với giá khoảng 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong hoạt động kinh doanh thể thao của Ratcliffe là ông dường như không chỉ làm vì lợi nhuận mà còn là đam mê. Một số fan hâm mộ thể thao mua những gói phát trực tuyến hay vé xem trực tiếp để phục vụ nhu cầu giải trí, còn vị tỷ phú 71 tuổi chỉ đơn giản là đầu tư vào những đội thể thao mà ông yêu thích. Với khối tài sản khoảng 30 tỷ USD, ông “dư sức” để làm điều đó.

Những thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thể thao đã khiến công chúng chú ý nhiều hơn đến Ratcliffe, khi lĩnh vực thực sự khiến ông giàu có lại được ít người biết. Tập đoàn Ineos, được ông thành lập vào năm 1998, có thể được mệnh danh là MU của ngành hoá chất toàn cầu, nhưng không nổi tiếng đến vậy. Những người từng thân cận với Ratcliffe thường nói rằng, Ineos là công ty rất lớn nhưng hầu như chẳng ai biết.

Ratcliffe sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề thợ mộc ở vùng Manchester. Ông có bằng kỹ sư hoá học, từng làm việc ở các công ty dầu mỏ lớn và làm việc trong một thời gian tại quỹ đầu tư tư nhân, sau đó bắt đầu tự kinh doanh hoá chất vào những năm 1990.

Một trong những sự việc khiến Ineos nhận được sự chú ý là công ty phải đối mặt với một nhóm hoạt động vì môi trường ở Anh, vì nhập khẩu và khai thác khí đá phiến có nguồn gốc từ công nghệ fracking. Năm 2013, do công nhân đình công ở nhà máy Scotland, nhà máy phải đóng cửa và 800 nhân viên của Ineos bị mất việc. Sự việc này khiến Ratcliffe bị nhiều người gọi là “nhân vật phản diện”.

Trong thời gian đó, vị tỷ phú lại đang sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để tài trợ cho các dự án bao gồm chiến dịch Brexit, dòng xe 4x4 lấy cảm hứng từ Land Rovers và thực hiện những chuyến phiêu lưu của riêng mình. Ông cũng nâng cấp siêu du thuyền Hampshire lên Hampshire II dài gần 80m vào năm 2011.

Song, khi đã bước sang tuổi 60, Ratcliffe lại có sở thích tốn kém hơn: đầu tư vào những đội thể thao chuyên nghiệp. Ông bắt đầu chi khoản tiền 9 con số vào đội đua thuyền của Anh tại giải America’s Cup. Vào những năm 2010, ông cũng tiếp quản Team Sky của Tour de France và hứa hẹn sẽ trao khoản ngân sách lớn chưa từng có. Đây cũng là khoảng thời gian ông được cho là đã chi hơn 20 triệu USD cho dự án tổ chức giải marathon kéo dài 2 giờ.

Chân dung ‘fan hâm mộ’ đặc biệt nhất giới thể thao: Chi 1,5 tỷ USD để mua cổ phần trong Man Utd và hàng trăm triệu USD để sở hữu những đội chơi ‘khủng’ - Ảnh 3.

Sau khi mua lại Team Sky (hiện là Team Ineos), tỷ phú Ratcliffe hứa hẹn sẽ tài trợ khoản ngân sách "khủng" cho đội đua xe đạp này.

Bất kỳ vị tỷ phú nào từng sở hữu một đội bóng chuyên nghiệp sẽ nói rằng “dumb money và thể thao có sự song hành lâu dài”, đặc biệt là bóng đá. Tức là, các đội bóng thường được định giá quá cao nhưng sau này khó để bù lại chi phí.

Đó là lý do tại sao thương vụ mua đội bóng đầu tiên của Ratcliffe lại không diễn ra ở quê hương của ông. Dù hâm mộ MU từ nhỏ và từng sở hữu vé xem các trận đấu cả mùa của Chelsea, ông lại bắt đầu với việc mua CLB Thuỵ Sĩ Lausanne-Sport vào năm 2017 với giá 7 triệu euro. 2 năm sau, ông mua OGC Nice với 110 triệu euro.

Chân dung ‘fan hâm mộ’ đặc biệt nhất giới thể thao: Chi 1,5 tỷ USD để mua cổ phần trong Man Utd và hàng trăm triệu USD để sở hữu những đội chơi ‘khủng’ - Ảnh 4.

Tỷ phú Ratcliffe sẵn sàng chi 1,5 tỷ USD để sở hữu 25% cổ phần trong Man Utd.

Khoản đầu tư hiện tại của Ratcliffe vào MU có giá trị cao hơn đáng kể, rõ ràng là nhờ “sức mạnh” thương hiệu của đội bóng này. Nhưng vấn đề lớn của MU là, dưới quyền sở hữu của gia đình Glazer, đội bóng chưa từng giành chức vô địch Premier League kể từ năm 2013.

Dù đã chi rất nhiều tiền cho lĩnh vực thể thao, nhưng Ratcliffe vẫn chưa nhận được thành tích như mong muốn. Đội đua xe đạp của ông chưa từng giành ngôi vô địch Tour de France kể từ khi trở thành Team Ineos. Mercedes cũng chưa giành chức vô địch cho giải F1 kể từ khi được Ineos mua lại. America’s Cup vẫn chưa “xướng tên” chức vô địch cho bất kỳ đội đua thuyền nào của Anh.

Tham khảo WSJ

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên