MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Jerome Powell - Người sắp trở thành Chủ tịch Fed giàu nhất kể từ năm 1948

02-11-2017 - 19:17 PM | Tài chính quốc tế

Tom Porcelli, chuyên gia kinh tế của RBC Capital Markets, từng miêu tả Powel chính là “phiên bản Cộng hòa” của Janet Yellen.

Sau một thời gian ồn ào với tin đồn dồn dập, trong đó có cả những thông tin sai sự thật cùng với nhiều bước thủ tục hành chính mà nhiều người cảm thấy có nhiều nét tương đồng với chương trình truyền hình thực tế quen thuộc The Apprentice, cuối cùng thị trường tài chính Mỹ cũng như thế giới đã có 1 đáp án: Jerome Powell là người chiến thắng. Ông sẽ thay thế bà Janet Yellen, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 2 năm sau.

Chủ tịch Fed là người sẽ dẫn đầu Ủy ban thị trường mở (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiếp nhận chiếc ghế này ở thời điểm 1 thập kỷ sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, thách thức dành cho Fed là đem chính sách tiền tệ trở về trạng thái bình thường bằng cách tăng lãi suất (vốn đang ở mức thấp kỷ lục) và cởi bỏ hàng nghìn tỷ USD tài sản mà Fed đã mua vào để vực dậy hệ thống tài chính chao đảo vì khủng hoảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi người đứng đầu Fed phải rất khéo léo.

Vậy thì, Jerome Powell là ai?

“Phiên bản Cộng hòa” của Janet Yellen

Năm nay 64 tuổi, Jerome Powell đã quá quen thuộc với Fed. Năm 2012, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng thống đốc. 2 năm sau, ông được tái bổ nhiệm với nhiệm kỳ 14 năm. Điểm đáng chú ý là cựu Tổng thống Obama (là người của đảng Dân chủ) đã chọn Powell, người của đảng Cộng hòa và từng làm việc tại Bộ Tài chính dưới thời George H.W. Bush, cho vị trí này. Ông Obama khi đó nói rằng “ông ấy là người thừa tiêu chuẩn’.

Trong thời gian làm việc ở Hội đồng thống đốc Fed, Powell thể hiện rất rõ ràng quan điểm của bản thân về chính sách tiền tệ. Ông đề xuất từ từ tăng lãi suất, đều đặn giảm quy mô bảng cân đối kế toán và dự báo tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ sớm đạt được mục tiêu 2%. Những chính sách này có nhiều điểm tương đồng với những gì bà Yellen đang thực hiện. Và trong các cuộc họp chính sách của FOMC, Powell chưa từng bỏ phiếu chống lại Chủ tịch Fed. Vì thế mà Tom Porcelli, chuyên gia kinh tế của RBC Capital Markets, từng miêu tả Powel chính là “phiên bản Cộng hòa” của Janet Yellen.

Vậy thì tại sao ông Trump không làm 1 việc đơn giản hơn là tái bổ nhiệm bà Yellen? Bà là người đã xuất sắc dẫn dắt Fed đi qua những năm tháng khó khăn sau khủng hoảng, tạo ra sự bình yên trên thị trường trong những đợt tăng lãi suất và gần đây nhất là thông báo kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed mà không gây ra chút sóng gió nào cho thị trường.

Bản thân ông Trump cũng từng thừa nhận ông thích bà và tôn trọng bà, rằng Janet Yellen đã hoàn thành tốt công việc. Hơn nữa theo truyền thống thì các Tổng thống sẽ “thừa kế” Chủ tịch Fed từ người tiền nhiệm, giống như Obama đã tái bổ nhiệm Ben Bernanke (người được đề cử bởi George W. Bush) và Bill Clinton tiếp tục chọn Alan Greenspan (người được đề cử Ronald Reagan).

Tuy nhiên Tổng thống Trump nổi tiếng là người không thích làm những thứ mà các vị Tổng thống khác thường làm, và một số người cho rằng dường như ông đang thay đổi cả những đặc tính thường thấy ở Chủ tịch Fed.

Một doanh nhân chứ không phải một chuyên gia kinh tế

Không giống như những người tiền nhiệm, Jerome Powell không có bằng tiến sĩ kinh tế. Ông tốt nghiệp ngành chính trị ở Princeton năm 1975 và 4 năm sau nhận bằng luật của ĐH Georgetown. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho 1 công ty luật và sau đó là 1 ngân hàng đầu tư ở New York.

Sự nghiệp chính trị của Powell bắt đầu từ năm 1990, khi ông vào làm việc ở Bộ Tài chính Mỹ. Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng chuyên giám sát các ngân hàng lớn ở phố Wall.

Năm 1993, ông quay trở lại ngành ngân hàng, sau đó trở thành người góp vốn tại quỹ đầu tư nổi tiếng Carlyle Group.

Tất cả những điều này khiến Powell trở thành thành viên giàu có nhất trong Hội đồng thống đốc Fed và cũng là Chủ tịch Fed giàu có nhất kể từ năm 1948 đến nay. Tính đến năm 2011, ông có tổng tài sản trị giá 72,2 triệu USD. Để dễ so sánh, Jeremy Stein, 1 cựu giáo sư Harvard cùng bước chân vào Fed ở thời điểm đó, chỉ có tài sản 6,3 triệu USD.

Điểm khác biệt lớn nhất trong đường lối chính sách của ông và bà Yellen là Powell nghĩ rằng Fed nên “dễ tính” hơn với các ngân hàng. Bà Yellen từng cảnh báo dỡ bỏ các luật lệ được áp đặt lên các ngân hàng sau khủng hoảng sẽ là hành động gây ra nhiều mối nguy. Ngược lại, Powell tin rằng vai trò của Fed là “giám sát chứ không phải quản lý”.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã miêu tả đạo luật Dodd-Frank Act là 1 “thảm họa”. Rõ ràng là với Powell ở ghế Chủ tịch Fed, cách tiếp cận của Fed đối với vấn đề luật lệ sẽ thay đổi hoàn toàn.

Thu Hương

Quartz

Trở lên trên