Chân dung người sắp trở thành Tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc
Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các bên, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres dường như chắc chắn sẽ trở thành tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thay thế ông Ban Ki-moon sắp mãn nhiệm.
- 21-08-2016Tổng thống Philippines dọa rời Liên hợp quốc và cùng Trung Quốc lập tổ chức mới
- 08-05-2016Liên Hợp Quốc hứa giúp Việt Nam hơn 48 triệu USD ứng phó hạn mặn
- 06-05-2016Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam vụ cá chết
- 14-04-2016Ai sẽ trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới?
- 11-04-2016Gay cấn cuộc đua vào ghế tổng thư ký Liên hợp quốc
Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu chọn Tổng thư ký vào ngày 6/10 nhưng các nguồn tin ngoại giao đều khẳng định ông Antonio Guterres, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, sẽ giành thắng lợi. Cựu chính trị gia 67 tuổi nhận được sự ủng hộ của các bên, bao gồm cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dù hàng ngũ này đang bị chia rẽ bởi căng thẳng Nga – phương Tây.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh ông Ban Ki-moon sẽ nghỉ hưu vào đầu năm tới sau 10 năm đảm trách cương vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ông Ban là nhà ngoại giao kỳ cựu của Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Á.
Ông Antonio Guterres, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, người sẽ trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP
Antonio Guterres là ai?
Ông Guterres là một chính trị gia lão luyện người Bồ Đào Nha, sinh ngày 30/4/1949. Ông hai lần kết hôn và có hai người con. Từ một kỹ sư, Guterres bắt đầu bước chân vào chính trường năm 1976 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Bồ Đào Nha sau “cuộc cách mạng hoa cẩm chướng” bùng lên kết thúc 5 thập kỷ độc tài ở đất nước này.
Gia nhập hàng ngũ đảng Xã hội, Guterres liên tiếp giành được sự tín nhiệm và gặt hái được những thành tựu to lớn. Năm 1992, ông trở thành lãnh đạo của đảng Xã hội và trở thành thủ tướng Bồ Đào Nha năm 1995. Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Guterres kéo dài tới năm 2002. Trong thời gian làm thủ tướng, ông Guterres theo đuổi đường lối lãnh đạo đối lập với chính phủ tiền nhiệm đồng thời có phong cách lãnh đạo dựa trên đối thoại và thảo luận với tất cả các thành phần xã hội.
Trong cuộc bầu cử năm 1999, Guterres tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng. Từ tháng 1 đến tháng 7/2000, ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Guterres không thực sự thành công bởi những lục đục trong nội bộ đảng cũng như sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Bồ Đào Nha.
Sự nghiệp chính trị của Guterres tiếp tục được phát triển sau khi ông rời chức vụ thủ tướng. Từ năm 2005-2015, ông là người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Trong quá trình làm việc, Guterres đã chèo lái con tàu vượt qua cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất, với làn sóng chạy trốn bạo lực từ Syria, Afghanistan hay Iraq.
Trong quãng thời gian châu Âu bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, Guterres liên tiếp kêu gọi các nước phương Tây làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những con người đang chạy trốn khủng bố và xung đột. Cựu tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva từng cho rằng, Guterres đã để lại một di sản lớn tại Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và ông cũng là tiếng nói uy tín nhất khiến cả thế giới phải lắng nghe.
Những thách thức chờ đón tân tổng thư ký
Để chính thức trở thành Tổng thư ký, ông Guterres phải giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 21h ngày 6/10 theo giờ Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu hôm 5/10 của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an cho thấy ông Guterres không gặp phải bất cứ sự phản đối nào. Cụ thể, với 13 phiếu khuyến khích và 2 phiếu không có ý kiến, ông Guterres đang nắm trong tay cơ hội lớn để kế nhiệm ông Ban Ki-moon.
Trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là công việc khó khăn và nhiều thách thức.
Tuy nhiên, chức vụ Tổng thư ký ở thời điểm này được đánh giá là vô cùng nhiều thách thức. Ngoài việc trở thành nhà ngoại giao hàng đầu, tân Tổng thư ký sẽ mắc kẹt giữa nhưng bất đồng trong chính 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Phóng viên kỳ cựu của BBC mô tả Tổng thư ký là nhiệm vụ bất khả thi và là công việc khó làm nhất thế giới. Ngoài việc giữ cho bộ máy cồng kềnh hoạt động trơn tru, Tổng thư ký còn phải đóng vai trò chính trong việc cân bằng lợi ích giữa các cường quốc. Ngoài ra, tổng thư ký cần thể hiện vai trò trong việc ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia hay hạ nhiệt các tranh chấp quốc tế.
Căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bất hòa Nga – phương Tây vì Ukraine, hạt nhân Triều Tiên, bất ổn Trung Đông và đặc biệt là sự lộng hành của chủ nghĩa khủng bố cực đoan… sẽ là những thách thức to lớn và dễ nhận thấy nhất của tân tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Với thời gian 5 năm cho một nhiệm kỳ, ông Guterres có tối đa 10 năm để thể hiện vai trò và giúp thế giới ổn định hơn nếu trở thành tổng thư ký.