Chán "phù phép" số liệu, doanh nghiệp thuê người đóng giả công nhân để đón đoàn kiểm tra
Công ty GMT Research (có trụ sở ở Hồng Kông) sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Google Earth để quan sát các dự án của Evergrande Group và phát hiện ra rằng hoạt động xây dựng đã ngừng lại ở một số dự án.
- 26-07-2017Đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tại sao người Trung Quốc vẫn ồ ạt di cư?
- 24-07-2017Nợ của Trung Quốc có thể khiến FED “chùn tay”
- 21-07-2017“Vua của các vụ IPO” Trung Quốc bị kết tội tham nhũng
Trên hành trình hiểu thêm về các cổ phiếu trên TTCK Trung Quốc, chắc hẳn nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng những thứ được nhắc đến dưới đây không mang lại nhiều thông tin. Tuy nhiên, các nhà quản lý quỹ trên thị trường này mới đây đã tìm thấy những cách mới để rà soát đặc biệt cá công ty mà họ sẽ rót vốn vào, từ áp dụng những phần mềm học máy mới nhất đến… làm quen với vợ cũ của giám đốc.
Sau khi MSCI thông báo đưa các cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi hôm 21/6, các nhà đầu tư nước ngoài càng háo hức muốn biết thêm nhiều hơn về những công ty niêm yết trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Bên cạnh đó sự chú ý còn hướng đến một số công ty của đại lục đang niêm yết trên sàn Hồng Kông.
Trên thị trường Trung Quốc, kể cả khi nhà đầu tư nghi ngờ 1 công ty có vấn đề, họ cũng khó có thể hành động vì những quy định giới hạn hoạt động bán khống. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang vận dụng những công cụ mới để nghiên cứu sâu hơn những công ty mới nổi lên trong vài năm trở lại đây.
Ví dụ, công ty GMT Research (có trụ sở ở Hồng Kông) sử dụng hình ảnh vệ tinh từ Google Earth để quan sát các dự án của Evergrande Group – tập đoàn bất động sản Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông và có doanh thu lớn nhất cả nước. GMT phát hiện ra rằng ở một vài dự án của Evergrande, hoạt động xây dựng đã dừng lại. Trong báo cáo nhận định Evergrande có thể đã rơi vào trạng thái không thể trả nợ, GMT cho biết các chuyên gia phân tích của họ đã tới thăm gần 40 dự án của Evergrande để xác minh.
Đi thực địa ở nhà máy là 1 cách để điều tra, nhưng các công ty đã có cách đối phó khôn khéo hơn. Sean Chen, giám đốc chiến lược của công ty nghiên cứu và tư vấn rủi ro Blackpeak, cho biết trong khi điều tra 1 công ty niêm yết ở đại lục, đội của anh nhận ra một trong số các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của công ty này ở Quảng Đông trống trơn.
“Khi chúng tôi hỏi bảo vệ của 1 nhà máy gần đó, họ nói rằng vài ngày trước khi có đoàn cổ đông đến thăm, công ty đã trả 100 nhân dân tệ (tương đương 14,8 USD) cho người dân địa phương để đóng giả làm công nhân mặc đồng phục và làm việc cho nhà máy”, Chen nói.
Trong khi đó, một số công ty nghiên cứu áp dụng những công cụ máy học mới nhất để “cày xới” dữ liệu tài chính và tìm ra dấu hiệu cảnh báo. Đó là những phần mềm tìm kiếm điểm tương đồng với những công ty gian lận và sau đó áp vào các công ty khác xem có trùng lặp không. Blueflag.info là 1 công ty sử dụng phương pháp này.
Thậm chí một số nhà đầu tư còn áp dụng phương pháp tiếp cận các cá nhân cụ thể nhằm giải mã “mạng lưới” các giao dịch phức tạp của 1 công ty. Đó là những giao dịch giữa lãnh đạo doanh nghiệp với các thành viên trong gia đình hoặc mối quan hệ thân thiết, không phục vụ lợi ích tốt nhất của cổ đông thiểu số.
1 nhà quản lý quỹ cho biết cô từng đi tìm những thông tin về vợ cũ của các giám đốc hoặc về ngôi trường mà con cái họ theo học. Nghe vô lý nhưng đây là 1 cách để khai thác thông tin về doanh nghiệp.
Tuy nhiên đưa ra 1 nghiên cứu tiêu cực đối với các công ty niêm yết ở Hồng Kông có thể là hành động gây nhiều rắc rối. Năm ngoái, giới chức Hồng Kông đã ra lệnh cấm nhà bán khống Andrew Left của Citron Research giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông trong 5 năm vì 1 báo cáo về Evergrande từ tháng 6/2012.
Nếu 1 công ty nghiên cứu phát hành báo cáo hoài nghi về nghiệp vụ kế toán của 1 công ty niêm yết, công ty niêm yết có thể yêu cầu Ủy ban chứng khoán Hồng Kông tiến hành thẩm tra. Tiết lộ thông tin 1 công ty đang bị điều tra được coi là hành động phạm tội, dẫn đến án phạt 2 năm và phạt tiền tối đa 1 triệu đôla Hồng Kông.
Theo Timothy Loh, 1 luật sư Hồng Kông đã bào chữa cho Left năm ngoái, cho rằng chính sách khá hà khắc của giới chức có thể tạo nên “hiệu ứng răn đe” và làm giảm đi những nghiên cứu sâu sắc có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường.