Chẳng có thứ gọi là phép màu tăng trưởng?
Hầu hết những quốc gia giàu có nhất trên thế giới đều đạt được vị trí hiện nay mà không hề trải qua giai đoạn tăng trưởng siêu tốc.
- 21-06-2016Phép màu đã hết ở Trung Quốc
- 23-03-2015Phép màu kinh tế của Lý Quang Diệu
- 23-05-2014Philippines là phép màu tiếp theo của châu Á?
“Phép màu tăng trưởng” là cụm từ thường được sử dụng để nói về những nền kinh tế có được tốc độ tăng trưởng vượt bậc như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Tyler Cowen – giáo sư kinh tế tại ĐH George Mason và là tác giả của cuốn sách “Average Is Over: Powering America Beyond the Age of the Great Stagnation” lại cho rằng chẳng có phép màu nào cả. Suy nghĩ của ông cũng sẽ giúp hiểu thêm về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.
Lập luận mà Mason đưa ra là hầu hết những quốc gia giàu có nhất trên thế giới đều đạt được vị trí hiện nay mà không hề trải qua giai đoạn tăng trưởng siêu tốc. Đan Mạch, nước có thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 52.000 USD và thường xuyên được xếp hạng là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, chưa từng trải qua cái được gọi là “phép màu kinh tế”. Nếu tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy trong những năm 1990 Đan Mạch đã có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp mà không phải phá vỡ hệ thống an sinh xã hội.
Lịch sử của nền kinh tế Đan Mạch khá nhàm chán. Từ năm 1890 đến 1916, nước này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 1,9% mỗi năm. 100 năm sau, tốc độ đó được duy trì đều đặn với 84% thời gian có tăng trưởng dương và không có bất kỳ cuộc suy thoái sâu nào.
Còn về phần Mỹ, nước có thu nhập bình quân đầu người vượt qua Mỹ Latinh trong thế kỷ 19. Nguyên nhân lớn nhất lại là do kinh tế Mỹ Latinh đã rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt một thời gian dài. Khi đó kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng dưới mức 2% - một con số kém xa so với mức ấn tượng hiện nay của Trung Quốc hay Ấn Độ. Hơn nữa Mỹ có được lợi thế là tránh được các thảm họa chiến tranh (trừ cuộc nội chiến) và cứ thế tiến lên phía trước.
Thế kỷ 19 trì trệ không chỉ khiến Mỹ Latinh lãng phí thời gian quý báu mà còn khiến khu vực này rơi vào thảm cảnh: cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống giáo dục nghèo nàn và hệ thống chính trị phân mảnh. Bước sang thế kỷ 20, Mỹ Latinh khó lòng đuổi kịp nước Mỹ.
Bên cạnh đó các nước đi đầu về công nghệ cũng không thể tạo ra cú nhảy vọt về chất lượng cuộc sống, vì tự phát minh sẽ mất thời gian hơn rất nhiều so với việc đi vay mượn công nghệ từ những nước giàu có hơn. Vay mượn công nghệ cùng với đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư mạnh vào giáo dục cũng như cơ sở hạ tầng là công thức chung để tạo ra phép màu kinh tế mà những “con hổ châu Á” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc áp dụng để có được mức tăng trưởng 8 – 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, phép màu ấy giờ đây chỉ còn là lịch sử. Tăng trưởng chậm nhưng vững chắc là sự lựa chọn duy nhất. Vì nhiều lý do, chỉ có một số ít quốc gia có thể lặp lại mô hình của những con hổ Đông Á. Hoạt động thương mại quốc tế không còn bùng nổ như giai đoạn cuối thế kỷ 20, thậm chí còn chững lại. Nhiều ngành hướng về xuất khẩu được tự động hóa và do đó không còn có thể tạo ra nhiều việc làm như trước.
Nói cách khác, thế giới ngày nay giống với thế kỷ 19 hơn là với mấy thập kỷ vừa qua. Điều đó đồng nghĩa một tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn và sự ổn định mới là mô hình tối ưu nhất.
Nhưng thế kỷ 19 vẫn giống với ngày nay ở một điểm. Trong quá khứ một số quốc gia đã không thể bắt kịp và chứng kiến nền kinh tế suy sụp. Họ không may mắn và còn theo đuổi những chính sách sai lầm. Nếu sai lầm, ở thời điểm hiện tại một quốc gia cũng hoàn toàn có thể rơi vào thảm cảnh.