Chàng kình ngư 10x và hành trình chạm tay đến tấm HCV danh giá: Từng phải tập luyện gấp đôi người thường, đã có lúc bật khóc do áp lực, tương lai muốn “chuyển nghề”
Nguyễn Huy Hoàng là vận động viên bơi lội sinh năm 2000. Dù tuổi đời còn khá trẻ, chàng kình ngư đã "bỏ túi" nhiều lần phá kỷ lục trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ.
- 17-05-2022Những "bóng hồng" xinh đẹp, tài giỏi của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31
- 17-05-2022Thông minh không chỉ là IQ, EQ, chìa khóa chính 1 điều đặc biệt, ai làm được sẽ thành công hơn người
- 16-05-2022"Nàng thơ xứ Huế" thi Hoa hậu: Là thí sinh nhỏ tuổi nhất Miss World Việt Nam 2022, từng tự ti vì chiều cao quá khổ
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là gương mặt đại diện cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong lễ khai mạc SEA Games 31. Đây không phải là lần đầu tiên Huy Hoàng nhận trọng trách này. Trước đó, tại Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021 tại Nhật Bản), anh và Quách Thị Lan là 2 tuyển thủ đã cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam khi diễu hành tại Lễ khai mạc.
Cậu trai trẻ lớn lên từ vùng sông nước
Huy Hoàng không phải đến SEA Games 30 mới tỏa sáng. Tên tuổi của anh đã được gắn với biệt danh "siêu kình ngư" suốt 3 năm nay nhờ tài năng hiếm có của bơi lội Việt Nam. Do hoàn cảnh gia đình, Huy Hoàng không có điều kiện được đi tập huấn nước ngoài từ nhỏ như nhiều VĐV bơi lội khác. Anh bơi bằng bản năng của người con vùng sông nước, cùng nỗ lực, nghị lực phi thường của cậu trai miền Trung nước lũ mong đổi đời, thoát khỏi đói nghèo.
Nguyễn Huy Hoàng sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình. Cha mẹ của anh cả một đời gắn bó với nghề đánh bắt trên sông Gianh. Chính những chuyến đò nhỏ ven sông của cặp vợ chồng già đã nuôi nấng chàng kình ngư Nguyễn Huy Hoàng của ngày hôm nay.
Trong kí ức của bà Nguyễn Thị Học, mẹ Huy Hoàng, câu nói khiến bà rơi nước mắt mỗi lần nghĩ đến là tâm sự của Hoàng sau 3 năm đi học bơi lội: "Con tập rất mệt, nhiều lúc mệt mà không muốn ăn uống. Nếu con không phải là con của bố mẹ thì con đã từ bỏ rồi". Cậu bé 10 tuổi khi ấy đã giấu bố mẹ những khổ cực của bản thân chỉ vì lo bị bố mẹ gọi về rồi lại tiếp tục những ngày tháng ngụp lặn ven sông với con đò và gia đình 8 miệng ăn.
Huy Hoàng giành được nhiều thành tích đáng nể trong dù còn khá trẻ. Ảnh: Internet
Từ ngày sinh ra, Huy Hoàng đã trải nghiệm cuộc sống trên những con đò chật chội, chứng kiến những cơn lũ dữ cuốn phăng mái nhà của gia đình. Do đó, anh luôn khát khao vươn lên để đỡ đần bố mẹ chuyện kinh tế. Những nỗ lực và khát khao ấy giúp Huy Hoàng vượt qua hoàn cảnh để dần dần thành công với đam mê bơi lội của mình.
Huy Hoàng là một kình ngư trẻ (sinh năm 2000) nhưng đã gặt hái được rất nhiều thành công điển hình là tấm huy chương vàng ở SEA Games 29. Tuy nhiên, cái tên Huy Hoàng chỉ thực sự được biết đến nhiều hơn kể từ sau thành tích giành tấm huy chương bạc lịch sử ở nội dung 1.500m tự do tại ASIAD 2018.
Siêu kình ngư nhiều lần phá kỷ lục
Ngay từ SEA Games 29, Huy Hoàng đã ghi dấu ấn khi giành HCB ASIAD 2018, HCV tại Đại hội thể thao trẻ thế giới 2018. Kình ngư người Quảng Bình cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên giành suất dự Olympic 2020. Ở SEA Games 30, Huy Hoàng cũng đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ.
Cụ thể, tại chung kết cự ly 400m tự do nam, Huy Hoàng đã xuất sắc giành huy chương vàng với thành tích 3 phút 49 giây 08, đồng thời phá kỷ lục đại hội (kỷ lục cũ 3 phút 50 giây 56 do VĐV Malaysia giữ trước đó). Ngoài ra, kỷ lục ở nội dung bơi 1500m tại SEA Games do Huy Hoàng xác lập năm 2017 đã được chính anh xô đổ.
Chiều tối ngày 16/5 vừa qua, Huy Hoàng tiếp tục tham gia chung kết 7 nội dung của môn bơi tại SEA Games 31. Chàng trai trẻ sinh năm 2000 đã gây ấn tượng lớn khi phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m với thành tích 3 phút 48 giây 06 để mang về tấm HCV thứ 5 cho đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 31.
Đây cũng là tấm HCV thứ 2 của Huy Hoàng tại kỳ SEA Games năm nay. Trong khi đó, HCB thuộc về HOE YEAN KHIEW của Malaysia, HCĐ thuộc về GLEN JUN WEI LIM của Singapore.
Chàng trai tự phá đổ kỷ lục của chính mình. Ảnh: Internet
Huy Hoàng từng chia sẻ nếu như các bạn phải rất nỗ lực, thì bản thân cần tập luyện gấp đôi, gấp ba như thế. Có đôi lúc, việc tập luyện vô cùng mệt mỏi khiến anh suy sụp.
Để giành được thành tích như ngày hôm nay, Nguyễn Huy Hoàng phải tập luyện 4 tiếng buổi sáng và 4 tiếng buổi chiều với tổng độ dài khoảng hơn 20km, tức 400 lượt trên bể 50m. Dù kiệt sức nhưng anh vẫn cố gắng để hoàn thành các bài tập ở cường độ cao.
Định hướng tương lai sẽ "đổi nghề"
Nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ, Nguyễn Huy Hoàng đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Trước đó, vận động viên kỳ cựu Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đã dành nhiều lời khen ngợi cho đàn em của mình: “Tính tình của Hoàng rất hòa nhã và ý chí của em thật tuyệt vời. Khi Hoàng mới 13 tuổi, tại giải vô địch trẻ quốc gia, em ấy gắng sức đến mức khi về đích ở nội dung 1.500m, đã không thể lên bờ được. Mọi người phải kéo Hoàng từ bể bơi lên rồi dìu em đi. Hoàng sẽ còn tiến xa nếu cứ tập luyện chăm chỉ và có thầy tốt”.
Mặc dù đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc, nhưng kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vẫn chấp nhận từ chối những cơ hội để cống hiến cho quê hương. Chàng trai trẻ cũng khẳng định, bản thân đã đủ tự tin để xác định hướng đi của mình trong tương lai, do đó "không cảm thấy sợ lắm về chuyện giải nghệ".
Anh từng tiết lộ trong thời gian tới, bản thân sẽ cố gắng tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đến khi hết khả năng. Song song với đó, Huy Hoàng cũng có dự định tiếp tục học lên tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao và "chuyển nghề" từ vận động viên sang huấn luyện viên. Đó cũng là tâm nguyện của bố mẹ Hoàng.
Tổng hợp