MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai 28 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tính sau khi uống chai nước đá

25-08-2019 - 18:49 PM | Sống

Bác sĩ giải thích, nước đá chỉ là tác nhân cuối cùng để đánh gục bệnh nhân. Bởi tình trạng thể chất của bệnh nhân không được tốt, cộng thêm phải lao động nặng...

Tiểu Dương, 28 tuổi, đang việc tại Thiệu Hưng, Chiết Giang (Trung Quốc). Trong khi làm việc, anh khát nước nên đã uống một chai nước lạnh, đột nhiên Tiểu Dương bị đau ngực dữ dội. Sau khi được đưa đến bệnh viện, Tiểu Dương được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp tính.

May mắn thay, sau khi được các bác sĩ điều trị khẩn cấp nhồi máu cơ tim, Tiểu Dương đã thoát được "án tử". Nhớ lại ngày xảy ra sự việc, Tiểu Dương vẫn còn sợ hãi, anh nói: "Không ngờ tôi vẫn còn trẻ như vậy cũng bị nhồi máu cơ tim, xém chút nữa là mất mạng!".

Chàng trai 28 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tính sau khi uống chai nước đá - Ảnh 1.

Tiểu Dương và người thân đều làm việc ở Thiệu Hưng, công việc chủ yếu mỗi ngày là bốc xếp hàng hóa, đây là một công việc tương đối nặng nhọc. Vào buổi chiếu ngày phát bệnh, Tiểu Dương đang bốc hàng hóa trong kho, cậu vừa mệt vừa nóng lại vừa khát, nên cậu cầm chai nước lạnh uống hết trong một hơi.

Uống xong chưa đầy 5 phút, Tiểu Dương bắt đầu cảm thấy tức ngực, tê tay, tiếp sau đó là một cơn đau ngực dữ dội. Sau khi nghỉ ngơi, tình trạng không những không cải thiện mà ngược lại còn nghiêm trọng hơn. Tiểu Dương vội vàng gọi điện cho người thân, cuối cùng cậu được đưa đến Bệnh viện trung tâm thành phố Thiệu Hưng để cấp cứu.

Đau ngực dữ dội, toàn thân đổ mồ hôi, trạng thái cơ thể vô cùng kém, khi cấp cứu các bác sĩ lập tức kiểm tra, làm điện tâm đồ, cuối cùng chẩn đoán Tiểu Dương bị nhồi máu cơ tim cấp tính.

Chàng trai 28 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tính sau khi uống chai nước đá - Ảnh 2.

Uống xong chưa đầy 5 phút, Tiểu Dương bắt đầu cảm thấy tức ngực, tê tay, tiếp sau đó là một cơn đau ngực dữ dội.

Tại sao sau khi uống nước lạnh lại bị nhồi máu cơ tim cấp tính?

Bác sĩ Thẩm Vĩ Hạo, Khoa cấp cứu của Bệnh viện trung tâm thành phố Thiệu Hưng giải thích: Nước đá chỉ là tác nhân cuối cùng để đánh gục bệnh nhân. Bởi tình trạng thể chất của bệnh nhân không được tốt, bệnh nhân khá béo, cậu cao 1m70 nhưng nặng gần 90kg, hơn nữa bệnh nhân còn trẻ nhưng đã có thời gian hút thuốc khoảng 10 năm, mỗi ngày cậu hút khoảng 2 bao thuốc lá. Thời gian dài hút thuốc, gây gánh nặng rất lớn cho mạch máu, hình thành huyết khối, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, Tiểu Dương đang lao động nặng, trước khi phát bệnh vừa nóng vừa mệt, một khi uống nước lạnh, các mạch máu sau khi bị kích thích và nhanh chóng co thắt, dẫn đến chứng co thắt mạch máu, tim bị thiếu máu nghiêm trọng, cuối cùng dẫn đến nhồi máu cơ tim.

May mắn thay, Tiểu Dương đã ý thức được bản thân phải được điều trị y tế khẩn cấp, nên từ khi phát bệnh đến khi được đưa đến bệnh viện thời gian chưa đến 2 tiếng, cậu đã không bỏ lỡ thời gian cấp cứu.

Chàng trai 28 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tính sau khi uống chai nước đá - Ảnh 3.

Vào mùa hè, bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và người cao tuổi nên giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là tránh nâng vật nặng, bằng không rất dễ bị nhồi máu cơ tim.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim trong mùa hè cần chú ý 5 điểm sau:

1. Tránh làm việc quá sức: Vào mùa hè, bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và người cao tuổi nên giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là tránh nâng vật nặng, bằng không rất dễ bị nhồi máu cơ tim

2. Tinh thần thư giãn: mọi người cố gắng điều chỉnh cảm xúc, giữ tâm trạng vui vẻ, dù xảy ra bất cứ việc gì cũng cần phải bình tĩnh, lạc quan.

3. Khi tắm cần phải chú ý: Không tắm khi ăn quá no hoặc quá đói, nhiệt độ nước tốt nhất bằng nhiệt độ cơ thể, thời gian tắm không quá lâu. Đối với những người bị bệnh tim mạch vành tương đối nghiêm trọng, khi tắm cần có sự giúp đỡ của người khác.

Chàng trai 28 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp tính sau khi uống chai nước đá - Ảnh 4.

Không tắm khi ăn quá no hoặc quá đói, nhiệt độ nước tốt nhất bằng nhiệt độ cơ thể, thời gian tắm không quá lâu.

4. Khi thay đổi khí hậu cần phải cẩn thận: Dưới ảnh hưởng của không khí lạnh, động mạch vành có thể bị tê liệt và gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, trong trường hợp thời tiết xấu, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành cần chú ý giữ ấm hoặc bảo vệ đúng cách.

5. Không ăn quá nhiều: Nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim xảy ra sau khi ăn quá no, bởi cơ thể hấp thu một lượng lớn thực phẩm chứa nhiều chất béo và calo cao, nồng độ lipid trong máu tăng đột ngột, dẫn đến tăng độ nhớt của máu, tăng kết tập tiểu cầu, huyết khối hình thành trong động mạch vành chật hẹp gây ra nhồi máu cơ tim cấp tính.

(Nguồn: Sohu)

Theo Hà Vũ

Helino

Trở lên trên