MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ

21-01-2024 - 18:33 PM | Lifestyle

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ

"Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn" là slogan của "Ê-đê cà phê" - startup của chàng trai trẻ có làn da nâu thấm đẫm nắng gió cao nguyên. Với tình yêu dành cho gia đình, buôn làng, Y Pốt Niê đã không ngừng nỗ lực quảng bá sản phẩm cà phê quê hương, từng bước mang thương hiệu vượt ra ngoài biên giới.

Đến với chương trình Shark Tank, chàng trai Ê-đê Y Pốt Niê (35 tuổi) cất vang tiếng ca quen thuộc của dân tộc mình, khiến các "cá mập" vô cùng thích thú. Đặc biệt, Shark Minh Beta còn ngân nga câu hát, điệu nhạc cùng anh.

Y Pốt Niê giới thiệu đến dàn "cá mập" các sản phẩm cà phê mang thương hiệu "Ê-đê cà phê" do anh sáng lập. Tuy chỉ mới kinh doanh nhưng vào năm 2002, doanh thu đã đạt 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến thời điểm gọi vốn, "startup" đạt doanh thu 10 tỷ đồng, lợi nhuận 1,6 tỷ đồng. Đặc biệt, anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Sản phẩm không quá xuất sắc, mô hình không quá nổi bật nhưng điều thú vị của "startup" là người sáng lập thuộc dân tộc Ê-đê. Y Pốt Niê không chỉ kinh doanh cà phê đơn thuần mà còn gửi gắm câu chuyện, nét văn hóa truyền thống của buôn làng. Chính vì điểm khác biệt nên anh được Shark Hùng Anh và Shark Minh Beta cùng đưa ra "offer" hấp dẫn: 2,5 tỷ đồng cho 15% cổ phần; 2,5 tỷ đồng cho vay không tính lãi.

Sau giây phút đấu tranh tinh thần căng thẳng, nhà sáng lập người Ê-đê quyết định bắt tay hợp tác với vị "cá mập" đến từ miền Trung - Shark Hùng Anh.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 1.

01. Bỏ nghề bác sĩ để kinh doanh cà phê với mong muốn thay đổi "mindset" buôn làng

- Được biết anh tốt nghiệp ngành Y nhưng từ bỏ để kinh doanh cà phê. Anh có thể chia sẻ thêm về quyết định táo bạo này?

Y khoa là ngành tôi yêu thích, từng theo học 6 năm nhưng sau đó, tôi thấy ngành nghề này chưa thật sự phù hợp với tính cách và khó tạo sự bứt phá. Tôi thích đi đây đó, khám phá những điều mới lạ, cùng với việc sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ đã tiếp xúc với các công việc của người nông dân nên thấu hiểu khó khăn, cơ cực của bà con.

Gia đình tôi hồi xưa rất vất vả, nợ nần đầm đìa vì phải vay nóng mới có tiền cho tôi ăn học. Đến mùa thu hoạch cà phê, cha mẹ bán đi nông sản cũng không đủ trả nợ, rồi lại luẩn quẩn trong vòng vay - trả - nợ mà không có hồi kết. Vì thế, tôi quyết tâm tìm một hướng đi mới, đó cũng là cách giúp đỡ bản thân, gia đình và buôn làng.

- Từ bỏ việc trở thành bác sĩ, vậy người thân và bạn bè có khuyên cản anh, đặc biệt, cha mẹ suốt nhiều năm vay mượn tiền để nuôi anh ăn học?

Mọi người xung quanh rất giận dữ vì tôi bỏ ngang giữa chừng nhưng thời gian đó chỉ kéo dài 1 tháng. Thậm chí, nhiều người thân, người làng từng cho cha mẹ vay tiền để nuôi tôi ăn học có những lời nói nặng nề do không kiểm soát cảm xúc.

Nhưng sau đó, tôi đã phân tích cho mọi người, đặc biệt là cha mẹ thấy tiềm năng của kinh doanh cà phê. Họ cũng thấy được tôi rất nỗ lực, chịu khó học hỏi, tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau nên yên tâm hơn. Hiện giờ mọi người vui vẻ hỗ trợ, ủng hộ rất nhiều. Tôi hạnh phúc và biết ơn về điều đó.

- Đắk Lắk là thủ phủ của hạt cà phê, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này. Vậy khi "startup", anh có nghĩ mình phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt?

Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ hay tư tưởng, mình phải cạnh tranh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm và làm, không cần biết đến đơn vị nào to, đơn vị nào nhỏ. Tôi chỉ muốn làm việc tốt nhất có thể.

Thật ra với câu hỏi này, nhiều người xung quanh hỏi tôi, nhưng tôi không để tâm. Tôi xác định khi khởi nghiệp sẽ không nghe bất cứ lời nói tiêu cực. Khởi nghiệp gặp nhiều thách thức, thậm chí là thất bại nhưng quan trọng phải vững tinh thần để đứng lên làm lại. Tôi luôn có suy nghĩ tích cực, đó là chìa khóa để bước đi trên hành trình còn nhiều thách thức.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 2.

- Trên Shark Tank anh chia sẻ, người kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk rất nhiều, nhưng anh là người Ê-đê đầu tiên "startup". Vậy đâu là những thách thức anh phải đối mặt?

Tôi muốn là người tiên phong vì sau khi từ thành phố về buôn làng, tôi thấy cuộc sống của bà con khá đơn điệu. Họ chỉ biết ngày qua ngày cặm cụi làm ruộng, trồng bắp, trồng khoai, trồng cà phê rất cực nhọc. Trong khi đó, họ có nguyên liệu, sản phẩm, vậy tại sao không thể phát triển?

Khi mới "startup", tôi khá rụt rè, lo lắng nhưng trải qua vài tháng thì tôi thấy bản thân cần thay đổi nhiều thứ để giúp bà con. Nhiều đối tác cũng đặt câu hỏi "Là người thuộc dân tộc thiểu số, liệu bạn làm được không?". Nếu giữ mãi tâm lý hoang mang, tôi sẽ không thể phát triển. Vì thế, tôi càng quyết tâm hơn trong việc kiến tạo giá trị sản phẩm, mang lại việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.

- Cách anh giải quyết các bài toán của "startup" như thế nào?

Về marketing, không ít startup phải bỏ ra nhiều chi phí nhưng riêng với "Ê-đê cà phê" chưa từng bỏ phí quảng cáo. Chúng tôi đơn giản chỉ viết ra câu chuyện của mình trên Facebook, Zalo, Website,... Nhiều người tư vấn về chiến lược marketing nhưng tôi đủ chưa đủ tiềm lực kinh tế nên mọi thứ chỉ dừng lại bằng cách thức tiếp cận tự nhiên.

Startup lập ra năm 2019, nhưng chỉ duy trì được nửa năm thì phải đối mặt với dịch COVID-19 khiến mọi thứ không theo lộ trình. Đây là tình trạng chung, tất cả mọi doanh nghiệp lớn nhỏ đều đang gặp phải nên luôn cố gắng suy nghĩ tích cực. Tôi chọn cách chậm lại một nhịp, lùi về một bước để trang bị kiến thức phát triển và cách vận hành sau khi dịch qua đi. May mắn cho tôi khi mọi người xung quanh luôn ủng hộ.

- Khi quay trở lại kinh doanh sau COVID-19, doanh thu đã bùng nổ, vậy đâu là yếu tố dẫn đến đột phá đó? 

Đó là sự chịu khó, kiên trì, tập trung vào những sản phẩm. Nhờ những câu chuyện thật sự nên tôi thu hút được lượng lớn khách hàng quan tâm và ủng hộ. Khách hàng khi đã có trải nghiệm chất lượng sản phẩm tốt sẽ quay lại và giới thiệu cho người thân, bạn bè, từ đó giúp doanh số của startup tăng nhanh chóng.

- Livestream đã giúp anh có đơn hàng xuất khẩu tới các nước phát triển là Đức, Canada. Anh có nghĩ hướng phát triển lâu dài theo con đường xuất khẩu không?

Đúng, đây sẽ hướng phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai. Lần đầu xuất khẩu sang 2 nước phát triển, tôi hoàn toàn được hỗ trợ mặt giấy tờ pháp lý, thủ tục từ bên thứ 3 vì chưa đủ kiến thức. Sau này khi đủ trình độ, tôi sẽ tự tay thực hiện mọi thứ.

02. "Người Ê-đê chúng tôi có thể làm mọi thứ…."

- Khi đạt được một số kết quả nhất định, anh đã giúp đỡ buôn làng bằng cách gì?

Khi mới bán được vài tạ, vài tấn cà phê, tôi đã quay lại hỗ trợ cộng đồng. Không phải cứ cho người dân phần quà, thùng mì tôm,... mới gọi là giúp đỡ. Điều quan trọng giúp bà con thay đổi tư duy, phương pháp làm việc. Sản phẩm của họ sẽ được doanh nghiệp như tôi thu mua với giá thành cao hơn.

Ngoài ra, tôi cũng cho bà con vay tiền bạc để đầu tư khá nhiều, thay vì việc trước đây họ phải đi vay nóng với lãi cao. Tôi đã cho họ vay không lãi suất từ năm 2019, dù chỉ là số tiền 1 - 2 triệu đồng. Mong rằng trong năm 2004, startup của tôi sẽ bứt phá, mở rộng được vùng nguyên liệu để giúp bà con tại địa phương và các vùng lân cận.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 3.

- Anh kêu gọi buôn làng hợp tác, cho mượn thêm 50ha. Vậy anh đã thuyết phục họ như thế nào?

Mục tiêu trong năm 2004, tôi sẽ mở rộng được vùng nguyên liệu lên 1000ha. Điều này không phải là dễ dàng vì một số hộ dân còn chưa tin tưởng cách thức hoạt động, vận hành của doanh nghiệp cũng như quy trình mới trong trồng trọt.

Trước kia, người dân trồng trọt theo bản năng. Chẳng hạn với hố cà phê sau khi được đào lên, họ không biết nên bỏ gì vào để cây trồng phát triển. Cùng với đó, khí hậu biến đổi khiến năng suất không cao. Thấy được thực trạng tồn tại, tôi đã áp dụng kiến thức hướng dẫn người dân, chẳng hạn như: Sau khi xới đất cần ủ trong bao lâu? Trước khi trồng cây cần bỏ thêm vi sinh vật, phân bón gì?.... Nhờ đó, sản lượng và chất lượng của cây trồng được nâng cao rõ rệt.

Từ những thành quả nhất định, tôi kết hợp cùng các đơn vị khác liên hệ với UBND cấp huyện, cấp tỉnh để có những chính sách hỗ trợ như: Tặng cây giống, hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ thuật,...

- Cách tạo nên các sản phẩm cà phê của anh khác so với truyền thống và đơn vị kinh doanh khác ra sao? Đâu là yếu tố quyết định hương vị?

Trên Shark Tank, khi Shark Phạm Thanh Hưng nhận ra hương vị khói trong ly cà phê khiến tôi vô cùng bất ngờ. Lên chương trình gọi vốn, mục tiêu của tôi là muốn mang tới câu chuyện, văn hóa và cách pha chế cà phê truyền thống của người Ê-đê. Hiện doanh số đang bùng nổ, rất nhiều khách hàng ủng hộ không phải vì sản phẩm quá xuất sắc mà họ thấy được câu chuyện chân thực. Và khách hàng thấy được sự tâm huyết của tôi dành cho sản phẩm, cho dân tộc Ê-đê. Những điều này khiến người mua hàng, người thưởng thức "enjoy".

Về cách pha cà phê, trước đây chúng tôi chỉ dùng cối, chảo để xay, rang và giã hạt cà phê. Mọi công đoạn đều bằng thủ công, không có máy móc. Sau đó, chúng tôi đem ủ trong chiếc bình thủy tinh 3 - 5 ngày rồi lọc qua chiếc vợt. Nước sôi 95 độ C sẽ được dùng để pha cà phê, ủ khoảng 5 phút rồi lọc tiếp ở nước thứ hai. Nhờ vậy, cà phê tỏa hương thơm lừng, hương vị đậm đà, có mùi khói đặc trưng. Tùy theo sở thích, mọi người có thể cho thêm đường, sữa để thưởng thức.

Qua cách pha, chúng ta như thấy tình thương của người mẹ dành cho những đứa con. Người mẹ sinh con ra, nuôi nấng từ tấm bé đến giây phút con trưởng thành, đỗ đạt. Đó là sự tuyệt vời, chứa đựng văn hóa truyền thống, tính cách con người - tần tảo, chịu thương chịu khó.

Từ cách pha cà phê, tôi phân ra các loại như: Sản phẩm cà phê phin, cà phê pha máy, cà phê rang bằng tay,... với tổng cộng 9 sản phẩm. Mỗi sản phẩm sẽ đi kèm với tờ giấy hướng dẫn sử dụng và cần dành cả tâm huyết khi chế biến mới ra được hương vị trọn vẹn.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 4.

- Anh có thể bật mí về ý nghĩa thương hiệu không?

Khi nghĩ đến thương hiệu, tôi không có nhiều ý tưởng, ngay lập tức nghĩ ra cái tên "Ê-đê cà phê". Ê-đê là dân tộc Ê-đê, nơi sinh sống là Đắk Lắk (Tây Nguyên). Trước đây 100% là người Ê-đê sinh sống, sau này xã hội hóa, nhiều người dân thuộc dân tộc khác, địa phương khác cũng tới lập nghiệp. Tuy nhiên, người Ê-đê không còn giữ được vị thế, bị tụt hậu hơn, chủ yếu làm nông nghiệp.

Chính vì thế, khi gây dựng "startup", tôi muốn nhắn nhủ: "Người Ê-đê chúng tôi không chỉ biết làm nông, mà còn biết kinh doanh, kinh tế, ngành Y, giáo dục,... Chúng tôi có thể làm mọi thứ". Hoa hậu H'Hen Niê người Ê-đê giành ngôi vị cao về sắc đẹp cũng là điều tự hào đối với dân tộc chúng tôi. Tôi thấy đó không chỉ là thành tựu của cá nhân mà nhìn xa hơn, đó là niềm tự hào của buôn làng.

Tên thương hiệu cũng để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, để mỗi chúng ta thấy rằng: Việt Nam có 54 dân tộc vô cùng đoàn kết, cùng xây dựng và phát triển đất nước.

Slogan của thương hiệu là "Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn" "Ê-đê cà phê, uống là mê". Tôi nghĩ rằng khi mỗi chúng ta gặp trắc trở cũng đừng chán nản. Hãy ngủ một giấc thật sâu bởi sau một đêm sẽ là ngày mới. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự tươi mới trong tâm hồn, không còn giữ những mệt mỏi, lo toan, chấp nhặt, từ đó tạo nên bứt phá.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 5.

03. Tôi muốn là chính tôi, chứ không muốn bị so sánh với "ông vua cà phê"

- Lên Shark Tank gọi vốn có phải là kế hoạch để đưa "startup" đến gần hơn với người tiêu dùng không, thưa anh?

Không, tôi được chương trình mời tham gia vì "startup" có câu chuyện hay. Tôi lên gọi vốn không phải vì vấn đề Marketing mà muốn thử khả năng hiểu biết, cách vận hành. May mắn câu chuyện được nhiều người đồng cảm nên lan tỏa.

- Khi Shark Minh Beta và Shark Hùng Anh cùng đưa ra "deal" giống nhau, cảm xúc của anh thế nào? Thời khắc Shark Hùng Anh rút ra Golden Ticket, chắc hẳn anh đã rất hạnh phúc?

Cảm xúc của tôi lúc đó hoang mang vì không biết chọn ai khi các Shark đều đưa ra "offer" giống nhau. Lúc đầu, tôi định về với Shark Minh Beta bởi khi mới tới trường quay, anh là người ra bắt tay, trò chuyện, hát chung với. Anh ấy rất nhiệt tình, thân thiện và tôi ấn tượng đến tận bây giờ. Tuy nhiên, lĩnh vực Shark đầu tư nghiêng về Giải trí.

Đến khi bắt đầu thương thảo, tôi nghiêng sự lựa chọn về Shark Hùng Anh, đặc biệt khi Shark rút Golden Ticket. Tôi còn thấy một điểm chung với Shark Hùng Anh ở lĩnh vực nông nghiệp.

- Shark Hòa Bình có khích lệ anh có thể tạo nên bứt phá như cà phê Trung Nguyên hoặc  chí ít bằng 1/5 - 1/10, anh suy nghĩ thế nào?

Tôi mới khởi nghiệp nên không muốn so sánh với bất kỳ ai. Tôi muốn tôi là chính tôi, có những chiến lược riêng và đi xa. Và tôi sẽ cố gắng để xây dựng, phát triển thương hiệu.

Chàng trai Ê-đê bán cà phê thu lợi nhuận cả chục tỷ đồng, có đơn hàng sang tận Đức, Canada: Noi gương H’Hen Niê và không muốn bị so sánh với vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 6.

- Sau khi hợp tác cùng Shark Hùng Anh, lộ trình phát triển của anh như thế nào? Anh có nghĩ sẽ mở chuỗi cà phê như các thương hiệu tương tự?

Sắp tới, tôi có ý định thực hiện dự định đó, nhất là khi được Shark Hùng Anh tư vấn chiến lược cũng như hỗ trợ nguồn vốn.

Lộ trình phát triển tiếp theo tập trung vào chất lượng sản phẩm, câu chuyện mộc mạc, giản dị, chân chất xung quanh sản phẩm gắn với văn hóa truyền thống.

- Anh chia sẻ từng có nhiều chuyến đi từ Nam ra Bắc, gặp gỡ những con người thú vị. Vậy những chuyến đi đã giúp anh thay đổi nhận thức thế nào?

Từ cấp 1 đến cấp 3, tôi là người rụt rè, nhút nhát. Đến khi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với xã hội, tôi nhận ra bản thân thiếu sót rất nhiều kiến thức. Bởi trước đây, cuộc sống của tôi chỉ ở trong buôn làng, không được đi đây đi đó.

Khi tiếp cận với môi trường mới, tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ vì có quá nhiều tài giỏi, nhiệt tình. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, còn tôi chỉ im lặng lắng nghe. Ngay cả từ những việc nhỏ nhất như hẹn giờ với đối tác, nếu đến muộn có thể bị nhắc khéo. Từ những điều nhỏ nhất, tôi cũng phải học và đến giờ, tôi tiến bộ, trưởng thành khá nhiều.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Theo Ứng Hà Chi

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên