Châu Á chọn Trump hay Clinton?
Muốn hay không muốn, kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ cũng sẽ dẫn đến một số thay đổi, trong đó có vấn đề chính sách đối với châu Á. Một số thủ đô châu Á cũng đã và đang “chấm” hai ứng cử viên...
- 29-10-2016Đọc vị Hillary Clinton và Donald Trump qua ngôn ngữ cơ thể
- 29-10-2016FBI tái điều tra bê bối email của bà Clinton: Trump vui mừng vì “công lý được thực thi”
- 29-10-2016Trí thông minh nhân tạo dự đoán chính xác 3 mùa bầu cử gần đây nhất cho biết Trump sẽ thắng cử
Dù bà Hilary Clinton hay ông Donald Trump thắng cử, tân tổng thống Mỹ sẽ phải đối diện với di sản của cuộc xoay trục - nay gọi là tái cân bằng - của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, cùng sự nổi lên của đại kình địch Trung Quốc ở châu Á.
Muốn hay không muốn, châu Á tập hợp thành hai nhóm: một nhóm các nước có quan hệ đồng minh với Mỹ, và một nhóm đang hình thành xoay qua Trung Quốc, bên cạnh những nước đang cố giữ thế cân bằng giữa hai làn nước (hay hai làn đạn)
Trong khi đó, hai ứng cử viên Trump và Clinton đang có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau, đặc biệt về châu Á. Thành ra trong “thâm tâm”, mỗi nước cũng đang “ngầm” bỏ phiếu cho bằng cách này cách khác, thậm chí có thể qua những hành động không khác mấy so với điều mà Washington đã cáo buộc Matxcơva rằng “Nga đang can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ”.
Trump và vai trò “soái ca” của Mỹ
Việc ông Trump có đắc cử hay không là một lẽ (vẫn còn có khả năng “ngựa về ngược” nếu bà Clinton gặp sự cố khuynh đảo vào giờ thứ 23), nhưng việc các nước “dòm ngó” ông “từ đầu đến chân” lại đi một lẽ khác.
Mỗi nước đều sẽ phải đánh giá xem ông tác động hung cát ra sao cho nước mình như thế nào, đến đâu nếu ông thắng cử, bởi cho tới giờ Trump vẫn là một nhân tố khó đoán, tiềm ẩn bất ngờ với quá nhiều những tuyên bố vu vơ, gây sốc lúc này lúc khác.
Còn nếu bà Clinton thắng cử, các quốc gia khác chẳng phải nghĩ ngợi nhiều bởi lẽ bà đã bộc lộ rõ ý định của mình, với một cái nhìn đối ngoại nhất quán tiếp nối từ thời bà còn làm bộ trưởng ngoại giao. Thành ra, trọng tâm “dòm ngó” của các nước lại là ông Trump hơn là bà Clinton vốn đã tỏ như ban ngày.
Sau khi chính thức được Đảng Cộng hòa đề cử hạ tuần tháng 7, ứng cử viên Donald Trump đã “chính thức” công khai định hướng đối ngoại của mình qua một bài phỏng vấn do tờ New York Times thực hiện bên lề đại hội đảng này đăng trên số báo đề ngày 21-7-2016.
Nhà báo David E. Sanger (New York Times) nhắc lại quan điểm của ông Trump trong cuộc phỏng vấn trước đó cũng của tờ báo này từ tháng 3, khi ông còn chưa được Đảng Cộng hòa đề cử chính thức:
Sanger: Trở lại với những gì chúng ta bỏ dở hồi tháng 3 năm nay. Tối qua chúng ta đã nghe Chủ tịch (Hạ viện Mỹ Paul) Ryan trình bày cái nhìn về các vấn đề quốc tế rất ư là truyền thống của Đảng Cộng hòa, dấn thân trên thế giới.
Ông ấy bảo rằng Hoa Kỳ làm sao có thể lãnh đạo (thế giới) mà đứng từ phía sau được. Thế nhưng, trong cuộc nói chuyện của chúng ta hồi tháng 3, ông đã bàn đến việc rút khỏi các cam kết mà chúng ta không còn đáp ứng được nữa, trừ phi các nước khác trả tiền để mua...
- Trump: Tôi nghĩ rằng họ sẽ có khả năng thanh toán chi phí. Còn chúng ta thì không.
Sanger: Câu hỏi của tôi là nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ là một nhiệm kỳ rút ra và tuyên bố rằng “xin ông nghe rõ nhé: chúng ta sẽ không đầu tư vào các liên minh với NATO, sẽ không bỏ bấy nhiêu tiền của ở châu Á nữa do lẽ chúng ta không có khả năng đáp ứng điều đó, và điều này thực ra cũng chẳng phải là lợi ích”. Có phải vậy không?
- Trump: Trong khi chúng ta không được bù đắp đủ chi phí khổng lồ cho việc quân đội chúng ta bảo vệ các nước khác, thì trong nhiều trường hợp các nước mà tôi nói tới đó đều giàu cực kỳ... Thành ra, đúng như câu hỏi của anh: Tôi tuyệt đối sẵn sàng nói với các nước đó: “Hoan hô quý vị. Từ giờ quý vị sẽ tự bảo vệ mình nhé”.
Sanger: Nói như thế hẳn có ý cho là việc triển khai quân sự tiền phương của chúng ta trên thế giới là vì lợi ích của các nước nơi quân Mỹ hiện diện, chứ không thực sự vì lợi ích của chúng ta.
Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều người trong đảng của ông vẫn sẽ nói rằng lý do chúng ta có quân ở châu Âu, 60.000 quân ở châu Á là vì lợi ích của chính chúng ta trong việc giữ các tuyến đường thương mại luôn được thông, kềm chân được CHDCND Triều Tiên... Và muốn làm được điều đó, tốt nhất phải triển khai ra xa bên ngoài nước Mỹ.
- Trump: Làm như vậy có ích gì cho chúng ta? Chúng ta đang thâm hụt thương mại rất lớn. Tôi nghĩ rằng thay vì để thâm hụt thương mại trên toàn cầu những 800 tỉ USD, chúng ta nên thặng dư 100 tỉ, 200 tỉ, 800 tỉ. Thành ra, làm như vậy (tức trải quân đi giúp thiên hạ) có ích gì cho chúng ta? Chúng ta không còn là quốc gia của quá khứ nữa, thế giới này cũng vậy.
Chúng ta đang nợ 19.000 tỉ USD, ít bữa nữa sẽ lên tới 21.000 tỉ do cái ngân sách “tàu há mồm” mới thông qua. Thiệt là hết chỗ nói. Thành ra chúng ta không thể tiếp tục xa xỉ làm những gì chúng ta đã quen làm nữa. Chúng ta cần thiên hạ trả chi phí nhiều hơn bây giờ cho chúng ta do lẽ hiện họ mới chỉ trả có một phần cho phí thôi”.
Nội dung đối đáp trên cho thấy (1) ngay cả Đảng Cộng hòa hiện không cùng quan điểm với ông Trump; (2) quan điểm của ông Trump hoàn toàn khác với quan điểm “thủ lĩnh thế giới” của ba trào tổng thống Mỹ từ trước tới giờ, bất luận của đảng nào; và (3) đối với ông Trump, quan trọng trong mọi quan hệ là lời hay lỗ về mặt tiền bạc, và rằng nếu lỗ thì phải “cắt lỗ” và chẳng nên duy trì các quan hệ “bao đồng” đó làm gì.
Dường như trong thế giới quan của ông Trump không còn khái niệm “bạn, thù” cố hữu, khác với các trào tổng thống trước luôn phân biệt “bạn, thù” và ôm chặt các đồng minh. Dường như mọi vấn đề quan hệ đối ngoại, địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng, mở rộng vùng ảnh hưởng... nay không đáng kể cho bằng kết toán lời/lỗ bao nhiêu tỉ USD, không khác gì đầu tư khách sạn, địa ốc ở đâu cũng được, sao cũng được, bằng thủ đoạn nào cũng được, miễn là sinh lời như ông đã làm bấy lâu nay!
Với Trump, với chủ trương tính toán lời lỗ tiền bạc kiểu đó, nước Mỹ sẽ không màng đến thế sự nữa, sẽ tự mình giũ bỏ vai trò “lãnh đạo” từ sau Thế chiến thứ nhì, chôn đi huyền thoại kế hoạch Marshall tái thiết Tây Âu, mặc cho EU, NATO, các đồng minh châu Á, châu Úc “bơ vơ”, để rồi Mỹ “đơn thân độc mã” phục hồi kinh tế theo sáng kiến của ông!
Đồng minh cũ, đồng minh mới
Không chỉ đưa ra bảng kết toán khái quát, ông Trump đã gây choáng váng khi đưa ra một thí dụ cụ thể là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc: “Lẽ ra đã có một Triều Tiên thống nhất rồi nếu như ta rút quân khỏi đó sau hiệp định đình chiến!”.
Seoul choáng váng không chỉ do nghĩ đến giả định thống nhất hai miền sau khi quân Mỹ rút ra khỏi miền nam, mà còn do liên tưởng tới tương lai, thậm chí tương lai gần nếu ông Trump đắc cử!
Phát biểu về việc thống nhất hai miền Triều Tiên “ngon ơ” như vậy của ông Trump được Bình Nhưỡng tán thưởng.
Thật ra, ngay từ tháng 5 trước đó, Triều Tiên đã hoan nghênh Trump rồi sau khi ông này tuyên bố sẽ nói chuyện trực tiếp với lãnh tụ Kim Jong Un: “Tổng thống mà công dân Hoa Kỳ phải bỏ phiếu cho không phải mụ ngu si đần độn Hillary - kẻ đã tuyên bố sẽ áp dụng mô hình Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - mà là ông Trump, người đã nói về tổ chức đối thoại trực tiếp với CHDCND Triều Tiên”.
Bình Nhưỡng càng mừng rỡ khi nghe Trump đe sẽ rút cả hệ thống tên lửa tầm cao THAAD đang được triển khai ở Hàn Quốc nhằm phòng ngừa tên lửa miền Bắc đơn giản vì mỗi hệ thống này trị giá đến 1,6 tỉ USD! Đang giãy nảy vì kiêng dè THAAD, nay nghe Trump nói thế coi như bất chiến tự nhiên thành.
Donald Trump không dừng câu chuyện “rút ra” ở Hàn Quốc, mà còn chuyển hướng sang cả Nhật Bản: “Một khi không đảm bảo được rằng chúng ta sẽ có hòa bình ở bán đảo Triều Tiên, thì làm sao chúng ta có thể thoát ra với bấy nhiêu binh sĩ, tàu bay, tàu chiến và căn cứ ở bên Nhật Bản?”.
VOA hoảng quá, bèn tìm đến cựu phó tổng thống Walter Mondale, nguyên là đại sứ ở Nhật từ 1993-1996, để nhờ ông này ngăn Trump: “Thật đáng sợ khi nghe ứng cử viên của một chính đảng hàng đầu nói những điều đó. Quả là thời điểm kinh hoàng trong lịch sử Mỹ”.
Kinh hoàng là phải, do lẽ cứ theo lời ông Trump, các hiệp ước liên minh phòng vệ với Nhật Bản và Hàn Quốc đều tan thành mây khói, mà không cần đến một phát đạn của ông Kim Jong Un, một phát đạn chớ không cần đến một đầu đạn hạt nhân! Và đương nhiên chiến lược “xoay trục” trở lại châu Á của chính quyền Obama tan rã, chẳng cần đến khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng “bái bai bạn Mỹ!”.
Với một lập trường “rút ra”, giải thể các liên minh như thế, chẳng trách tờ Global Times ở Trung Quốc hoan hỉ công bố kết quả thăm dò dư luận độc giả của chính báo này, theo đó Trump sẽ đánh bại bà Clinton, người mà báo này gọi là “chính khách Mỹ đáng ghét bậc nhất” cho dù ở Mỹ Trump vẫn lẹt đẹt phía sau bà này.
Song, cái “mề đay” gắn cho Trump cũng có mặt trái của nó: tờ báo này đăng thêm một bài “Quan sát bình luận” của học giả Wang Yiwei (Vương Nghĩa Ngôi) của Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, trong đó ông Wang này nhận xét rằng “người Trung Quốc xem Trump như một gã hề, hài hước và bất cần đời”.
Học giả này còn phán: “Tôi nghĩ việc Trump trở thành tổng thống Mỹ sẽ tốt cho quan hệ Trung - Mỹ. Trump gắn với chủ nghĩa tự cô lập, không thích Mỹ gánh chừng đó nghĩa vụ trên thế giới. Ngược lại, Clinton đã khởi động chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc”.
Coi như Bắc Kinh, Bình Nhưỡng (và cả Matxcơva...) đã “bỏ phiếu” sớm cho Donald Trump, trong khi các đồng minh “cũ” của Mỹ âm thầm “bỏ phiếu” cho Hilary Clinton. Hơn thua trên mặt trận quân sự là ưu tiên khi Trung Quốc đang thắng thế ở mặt trận kinh tế.
Có được một đối thủ tự nguyện trở thành đồng minh như Donald Trump quả là quà từ trên trời rơi xuống. Chả trách tại sao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại lặng thinh nghe ông Obama phán xét ngay trước mặt mình: “Trump không xứng làm tổng thống” tại Nhà Trắng hôm 2-8. Im lặng trong trường hợp này rất có thể là đồng ý.
Nếu quả thực nước Mỹ đã qua thời cực thịnh và đang trên đà suy vong, bắt đầu là kinh tế dẫn đến sa sút quân sự vì ngân sách eo hẹp, thì như lịch sử đã cho thấy, cũng phải cần đến một lớp lãnh đạo tương xứng với đà suy vong đó.
Chuyện hai ứng cử viên năm nay cùng xấp xỉ tuổi cổ lai hi, đặc biệt trái với truyền thống “lãnh đạo trẻ” của Đảng Dân chủ, đã là một dấu chỉ khủng hoảng kế thừa. Thời thế, thế thời phải thế!
Tuổi trẻ