MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á loay hoay níu kéo "thời vàng son"

01-03-2017 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Những hành động quyết liệt của nhà lãnh đạo là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở Châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Thế giới được cho là đang chứng kiến sự nổi dậy của những người đàn ông quyền lực châu Á. Quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng được nâng cao kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Hai năm sau đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thường được biết đến với biệt danh “Jokowi”) cũng đã dành được chiến thắng khi thuyết phục người dân sẽ mang lại một sự cải cách cả về kinh tế và chính trị cho đất nước.

Song, đã đầu năm 2017, và chúng ta vẫn đang chờ đợi những lời hứa của họ trong lễ nhậm chức. Chương trình cải tổ của Jokowi cho ra những kết quả tăng trưởng hết sức mờ nhạt. Tuyên ngôn của ông Tập Cận Bình năm 2013 về sự tự quyết định của thị trường chưa rõ nét ở hiện thực trong khi nền kinh tế Trung Quốc gặp phải nhiều trở ngại. Trong khi đó, Ấn Độ lại là quốc gia thực hiện cải tổ mạnh mẽ hơn cả, mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Modi vẫn đang do dự trong việc thực hiện một số những chính sách đổi mới trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia này.

Những hành động quyết liệt của nhà lãnh đạo là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở Châu Á cũng như trên toàn thế giới. Gần đây nhất trong tháng 10, Capital Economics đã cho ra một bản báo cáo với tiêu đề ảm đạm “Sự kết thúc của một kỷ nguyên vàng” với suy đoán “kỳ vọng vào một sự phục hồi bền vững sau giai đoạn tăng trưởng chậm đối với nền kinh tế mới nổi là điều khó có thể xảy ra”. Một nghiên cứu gần đây đã dự đoán rằng GDP của các nước này trong năm tới sẽ tăng trưởng không quá 4%, thấp hơn nhiều so với mức 6% đạt được vào năm 2000.

Châu Á cần cải cách

Sự thực là đối với các nước lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, duy trì một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc như các giai đoạn trước là một việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều hi vọng khi các nước này không thiếu tiềm năng.

So sánh các chính sách hiện hành với những chính sách táo bạo được thực hiện trong suốt những năm tăng trưởng đột phá của châu Á, chúng ta có thể rút ra được một vài nhận xét. Ấn Độ vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Thủ tướng P.V. Narasimha Rao và Bộ trưởng tài chính Manmohan Singh đã loại bỏ phần lớn những thủ tục và luật lệ rườm rà từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh Quốc, những thứ từng được cho là bất khả xâm phạm.

Vào đầu thập niên 80, ông Đặng Tiểu Bình cùng một nhóm người có tư tưởng tiến bộ đã cùng nhau loại bỏ những bất cập của chính sách kinh tế Trung Quốc. Tổng thống thứ 2 của Indonesia, ông Suharto, cũng đã đưa ra những thay đổi lớn và giảm đáng kể tỉ lệ người nghèo tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này.

Tại sao những người đứng đầu các quốc gia châu Á ngày nay vẫn chưa có những hành động quyết liệt hơn? Câu trả lời một phần bắt nguồn từ sự thành công. Mặc dù hàng triệu người dân ở các quốc gia này vẫn sống trong nghèo đói, nhưng nhìn chung họ đã có một cuộc sống đầy đủ hơn trước đây, điều này vô hình chung lại làm giảm đi sự cấp thiết trong việc cần có những sự đổi mới hơn nữa.

Trong suốt thập niên 80, GDP bình quân trên đầu người của Indonesia đã tăng hơn 5 lần, tại Ấn Độ là 6 lần còn tại Trung Quốc là hơn 26 lần. Bất chấp sự thực rằng toàn cầu hóa đã trở thành một hướng đi rất đúng đắn, nhưng vẫn tồn tại một số những tư tưởng bảo thủ đã khiến cho Châu Á chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những bất ổn về kinh tế toàn cầu nói chung và Châu Á nói riêng trong suốt thập kỷ vừa qua.

Một lý do nữa là ngày nay những trái ngon, mật ngọt đã được hái hết. Trước đây, bằng việc tận dụng lợi thế nhân công, đầu vào giá rẻ hơn, các dịch vụ và các chuỗi cung ứng cũng dễ dàng hoạt động và kiếm lời cũng dễ hơn rất nhiều. Còn nền kinh tế ngày hôm nay thật sự rất phức tạp và nhiều thách thức, Ví dụ như sự đổi mới công nghệ, hay sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Triển vọng về sự mở cửa nền kinh tế, hay sự công khai và minh bạch trong những quy định và luật lệ đã đe dọa lợi ích nhóm mà những người đang được hưởng lợi trong chính sách cũ.

Có một sự thật là, không một ai trong những vị lãnh đạo các quốc gia Châu Á có thể dễ dàng làm những điều họ mong muốn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn phải tranh giành với bên đảng chính trị đối lập, hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn phải nhún nhường và e ngại với những thế lực đằng sau ngay cả trong nội bộ đảng của ông.

Nếu các nhà lãnh đạo châu Á không rút kinh nghiệm từ những sai lầm, thì nền kinh tế Châu Á chắc chắn sẽ không có sự khởi sắc. Modi phải tiếp tục chiến dịch cải cách ruộng đất, đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, và khởi động một chiến dịch cổ phần hóa hàng loạt những doanh nghiệp nhà nước đang ì ạch. Jokowi cần phải đẩy mạnh chương trình nâng cao năng lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cả Modi và Jokowi đều phải giảm bớt rào cản đối với việc tuyển dụng và sa thải công nhân nhằm gia tăng sản xuất, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu và tăng doanh thu.

Còn ông Tập Cận Bình cần dừng trợ cấp cho các doanh nghiệp yếu kém - phân bổ dàn đều năng suất dư thừa và, quan trọng là, đẩy mạnh cải cách để các lực đẩy của thị trường tác động nhiều hơn đến nền kinh tế thay vì những mệnh lệnh hành chính.

Nếu họ không thể hành động táo bạo hơn - và sớm nhất có thể - thời kỳ vàng son của châu Á có thể sẽ thực sự kết thúc.

Trần Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên