MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á trong 'buồng lái' làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo

11-04-2021 - 10:32 AM | Tài chính quốc tế

Châu Á trong 'buồng lái' làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo

Hợp tác thương mại khu vực có bước tăng trưởng nhảy vọt trong suốt một thập kỷ qua.

4 năm trước, Donald Trump chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng với lời hứa sẽ mang việc làm quay trở lại Mỹ từ châu Á và vực dậy ngành sản xuất vốn đã suy yếu rất nhiều. Ông cam kết giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc thông qua các biện pháp buộc quốc gia này phải mua nhiều hơn dầu mỏ, thực phẩm và hàng hóa công nghiệp từ Mỹ.

Thế nhưng, mọi thứ lại diễn ra không đúng theo kế hoạch Trump vạch ra. Tháng 11/2020 trở thành tháng bận rộn nhất trong lịch sử cảng biển Los Angeles, với khoảng 20 tàu chuyên chở container chờ được bốc dỡ hàng hóa mỗi ngày, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu khối lượng hàng hóa lên tới 52 tỷ USD sang bờ bên kia của Đại Tây Dương chỉ tính trong tháng đó.

Ông Trump luôn có những phát biểu và hành động nhằm thể hiện quan điểm phi toàn cầu hóa trong suốt nhiệm kỳ với những lời hứa hẹn sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời đánh bại “chủ nghĩa toàn cầu”. Nhưng sau cùng, và không có gì ngạc nhiên, ông đã thất bại.

Thế giới của Orwell?

Thế giới ngày nay đang bị bủa vây bởi những xu thế đối lập. Đó là những căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung Quốc trên các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và Đài Loan, bên cạnh đó là nguồn vốn đầu tư khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng từ đường sắt cho đến đường truyền internet. Ngoài ra còn có chủ nghĩa bảo hộ và chính sách công nghiệp khuyến khích hạn chế các doanh nghiệp dịch chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia khác, sự gia tăng năng lực tự sản xuất và cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trong xuất khẩu các công nghệ số, thu hút đầu tư vào thị trường vốn. Chủ nghĩa dân tộc đi liền với tư tưởng bài trừ người nhập cư và cuộc chiến “tranh giành” nhân tài giới học sinh, sinh viên, y tá và người lao động trong lĩnh vực công nghệ cũng không nằm ngoài cuộc.

Viễn cảnh hoàn hảo nhất có thể gom tất cả những điều kể trên vào với nhau chính là viễn cảnh mà George Orwell (tiểu thuyết gia, nhà phê bình, nhà bình luận về văn hóa, một trong những ngòi bút tiếng Anh được hâm mộ nhất ở thế kỷ 20) có thể đã chỉ ra từ rất lâu trước đó. Một viễn cảnh địa chính trị ba cực tranh đấu nhau trong một trò chơi kéo co nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và thị trường. Thay vì Oceania, Eastasia và Eurasia trong tác phẩm của Orwell, ngày nay chúng ta có Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.

Châu Á trong buồng lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo - Ảnh 1.

Tàu chở hàng từ Trung Quốc cập cảng Los Angeles, bang California, Mỹ, cuối năm 2019. Ảnh: Getty Images.

Không khu vực nào là bá chủ. Đây là những khu vực không đồng nhất về hệ thống chính trị, đặc biệt là châu Á, khu vực đa cực trong một thế giới đa cực. Hơn nữa, sự liên kết giữa các khu vực này cũng chồng chéo lẫn nhau. Châu Âu là "trái tim" văn hóa của phương Tây nhưng về phương diện thương mại lại dựa nhiều vào phương Đông, Bắc Mỹ có vị trí địa lý tách biệt khỏi châu Âu, nhưng lại quy tụ được nhiều “thế lực” như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để ngăn sức ảnh hưởng từ Trung Quốc. Và Trung Quốc là chủ nhân của chiến lược Vành đai và Con đường, tạo nên một mạng lưới các quốc gia đang phát triển phụ thuộc.

Nhiều nhà bình luận khẳng định rằng thế giới đã tiến vào kỷ nguyên địa chính trị mới, rời bỏ kỷ nguyên thương mại toàn cầu, nhưng cũng không hoàn toàn chính xác. Toàn cầu hóa và địa chính trị không phải là những xu hướng đối lập nhau. Nếu như không có những tham vọng của những người La Mã, Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Mỹ, thế giới sẽ không có được mức độ toàn cầu hóa như hôm nay. Địa chính trị và toàn cầu hóa sẽ chẳng là gì nếu chúng không sở hữu mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.

Hệ quả là giai đoạn cạnh tranh quyền lực mới này hầu như không có gì liên quan tới từ khóa “phi toàn cầu hóa” - thuật ngữ được xướng tên sau mỗi cuộc khủng hoảng, Ngược lại, quyền lực của thế giới chưa bao giờ được phân bổ mạnh theo khu vực như hiện tại với mối quan hệ hợp tác bên trong mỗi khu vực đang ngày một được thắt chặt hơn, trong khi một thế hệ liên kết quốc tế mới cũng đang được hình thành như Hiệp định thương mại Bắc Mỹ của Mỹ - Canada - Mexico và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại khu vực châu Á.

Điểm khác biệt chính ở đây là kỷ nguyên toàn cầu hóa trước đó được coi là làm xóa nhòa đi ranh giới chủ quyền các quốc gia còn kỷ nguyên mới này sẽ do các quốc gia tự quyết định.

Các quốc gia châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi thực hành chiến lược “liên kết đa chiều” trên mọi phương diện. Thực tế trên đi ngược lại với một tư tưởng phổ biến ngày nay như thế giới đang hướng tới 2 cực, theo đó, các quốc gia sẽ phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc. Toàn cầu hóa sẽ trở thành sân chơi mà ở đó, quyền lực phải được chứng minh thông qua mức độ liên quan và năng lực với tư cách một nhà cung cấp vốn, công nghệ, năng lượng, hỗ trợ quân sự và nhiều dịch vụ khác.

Từ độc quyền cho tới thị trường chung

Một trong những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới chủ quyền quần đảo, phía Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, xảy ra hơn một thập kỷ trước. Sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản vào tháng 9/2010, Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng thông qua việc tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.

Nhật Bản đáp trả bằng việc nhanh chóng “nắn” dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các quốc gia Đông Nam Á. Khi cả Nhật Bản và Mỹ đều bắt đầu tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, thị phần đất hiếm của Trung Quốc rơi khỏi mốc 95% (2010) xuống 70% (2018).

Vụ việc liên quan tới đất hiếm là lời nhắc nhở rằng sự độc quyền chỉ thực sự tồn tại khi nó được cho phép tồn tại. Hoàn cảnh tương tự có thể xảy đến với các quốc gia cung cấp dầu mỏ, đồng tiền dự trữ và mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G). Sự áp đảo không bao giờ được đảm bảo và có thể tan biến bất cứ lúc nào dù nhanh hay chậm. Nhưng sự thật là yếu tố nhiễu loạn cuối cùng cũng sẽ chiến thắng mọi nỗ lực tập trung quyền lực.

Châu Á trong buồng lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo - Ảnh 2.

Máy xúc chuyển đất hiếm lên tàu xuất khẩu sang Nhật Bản tại một khu mỏ ở Trung Quốc năm 2010. Ảnh: AFP/Jiji.

Sự tương quan đối với hệ thống toàn cầu là hoàn toàn rõ ràng. Nhiều quốc gia đang sử dụng các chính sách công nghệ để túc đẩy sáng tạo và giành lấy miếng bánh thị phần to hơn trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng sạch, lưu trữ dữ liệu đám mây và nhiều lĩnh vực khác, khiến cho quá trình toàn cầu hóa trở nên có tính cạnh tranh lớn hơn khi mà một làn sóng xây dựng cơ sở hạ tầng mới đang lan tỏa trên toàn thế giới, đổi lại là sự gia tăng các dịch vụ số và sự mở cửa thị trường vốn.

Điều này vẫn đúng ngay cả khi Bắc Mỹ và châu Âu đang nỗ lực kéo các chuỗi cung ứng hàng điện tử, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác lại gần hơn. Apple bắt đầu sản xuất MacBook  tại bang Texas, trong nhà máy sở hữu bởi Flex từ năm 2012. Tại đó, màn hình và chip nhớ vẫn được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Dòng chip ARM mới M1 do Apple tự phát triển được sản xuất bởi Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.

Nhiều hơn các dòng xe hơi mang thương hiệu Mỹ được sản xuất tại Mexico với các linh kiện được nhập khẩu từ châu Á. Kim ngạch nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc và quần áo từ Việt Nam của châu Âu đang cũng đang tăng lên. Việc tranh cãi về quy mô toàn cầu hóa là điều "hết sức ngớ ngẩn" bởi chưa có công thức nào tính toán sức ảnh hưởng của toàn cầu hóa lên hầu như mọi mặt đời sống hàng ngày.

Và đừng quên đi những mặt trái của chính sách công nghiệp là thúc đẩy xuất khẩu. Liên minh châu Âu  (EU) đạt các thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam. Singapore và Việt Nam sẽ góp phần giúp EU đạt được thỏa thuận thương mại với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Anh cũng hoàn thiện thỏa thuận thương mại với Nhật Bản trong năm 2020. Phần lớn các thành viên EU nhận ra họ cần áp dụng hô hình thúc đẩy xuất khẩu của Đức để có thể tạo ra thêm việc làm, qua đó, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Châu Á trong buồng lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo - Ảnh 3.

Tỷ trọng toàn cầu và giá trị thương mại giữa một số khu vực năm 2017.

Sự khẩn trương của EU trong việc hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc cho thấy tham vọng mở rộng con đường tiến vào các thị trường châu Á của châu Âu so với Mỹ. Không chỉ vì kinh tế EU phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn so với Mỹ, mà còn là do gánh nặng hưu trí tại khu vực này lớn hơn và cấp thiết hơn nhiều.

Thương mại hàng hoá giữa châu Âu và châu Á, trong đó bao gồm Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Ấn Độ, đang ở mức 1.600 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn nhiều so với kim ngạch thương mại giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là chỉ số mạnh nhất cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế toàn cầu theo hướng Đông. Điều đó cũng góp phần hình thành một bản chỉ dẫn rõ ràng đối với chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo: hợp tác với châu Á, hoặc mất đi nhiều hơn các công ty Mỹ vào tay họ.

Hiểu đúng về châu Á

Hợp tác thương mại khu vực có bước tăng trưởng nhảy vọt trong suốt một thập kỷ qua. Tại Bắc Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump đã ký Thoả thuận thương mại Mỹ - Canada - Mexico (USMCA), và kết quả là giá trị thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico tăng mạnh, ở hơn 600 tỷ USD vào năm 2019, quy mô tương đương với giá trị thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách để giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, thương mại nội khối giữa các quốc gia Bắc Mỹ chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa.

Cùng thời điểm đó, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN giờ đây là vượt lên trên giá trị thương mại giữa Trung Quốc- Mỹ cũng như châu Âu, và điều đó đang hỗ trợ đắc lực các nền kinh tế trong khu vực này hồi phục từ những tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong trường hợp này, việc phụ thuộc lớn vào kim ngạch xuất khẩu với Trung Quốc lại không phải điều gì đó quá tệ.

Tồn tại mối tác động tương quan tích cực giữa các cấp độ khu vực và toàn cầu. Trên thực tế, sự hợp tác khu vực góp phần củng cố cho quá trình toàn cầu hóa theo cơ chế giống như việc các cơ quan ngoại giao khu vực đóng vai trò quan trọng trong “bộ máy chính phủ toàn cầu”.

Tại châu Á, sự phân chia lao động từ lâu giữa 5 nền kinh tế xuất khẩu thuộc khu vực Đông Á - gồm Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc - góp phần hình thành nên kim ngạch xuất khẩu lên tới 4.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương với con số của cả Mỹ và EU cộng lại. Không một quốc gia nào đứng riêng rẽ, nhưng với việc các trung tâm sản xuất năng động đứng gần sát bên nhau đã góp phần khiến cho châu Á trở thành “công xưởng” của thế giới.

Châu Á trong buồng lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo - Ảnh 4.

Lễ ký thỏa thuận USMCA trước hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018. Ảnh: Reuters.

Với RCEP được ký, phạm vi bao phủ tới 1/3 dân số cũng như GDP của thế giới, châu Á đang băng băng trên đường để trở thành khu vực sở hữu hệ thống sản xuất kết nối đa phương, đặc biệt là các trung tâm sản xuất chi phí thấp tại khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng thương mại và tự do hóa đầu tư là những yếu tố giúp các quốc gia như Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, với việc hàng loạt quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đổ vốn vào nền kinh tế này.

Lĩnh vực công nghệ và sản xuất của Ấn Độ cũng có những bước tăng trưởng khả quan khi các chuỗi cung ứng mở rộng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Apple và Samsung Electronics dẫn đầu làn sóng các công ty điện tử đầu tư vào Ấn Độ, và Reliance Jio dễ dàng kêu gọi được khoản đầu tư lên tới 20 tỷ USD, trong đó, Facebook mua lại 10% cổ phần của doanh nghiệp này.

Tata Consultancy Services, vượt qua Accenture để trở thành công ty dịch vụ công nghệ thông tin có giá trị lớn nhất thế giới, đang tăng cường tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu xây dựng một "khung xương sống” số hóa vững mạnh cho các công ty số hoặc phân lập.

Ấn Độ chưa chính thức tham gia RCEP và chính sách “hướng đông” của quốc gia này lại hướng tới mục tiêu giảm bớt thâm hụt thương mại với các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Sippon Steel của Nhật Bản và Arcelor Mittal của Ấn Độ hướng tới một mối quan hệ hợp tác công nghiệp gần gũi hơn nhằm mục tiêu gia tăng sức cạnh tranh đối với các đối thủ Trung Quốc.

Châu Á trong buồng lái làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo - Ảnh 5.

Công nhân tại một nhà máy lắp ráp điện thoại di động ở Noida, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho dù sẽ có rất nhiều những khó khăn cản đường, ví dụ như quan điểm bảo thủ đến từ đảng Dân chủ và những điểm yếu của CPTPP trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn cản bản địa hóa dữ liệu.

Cho dù như vậy, giới doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã ý thức được thực trạng này và sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động sản xuất tại châu Á để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, châu Âu và thậm chí là cả những đối thủ nội địa lớn hơn. Đầu tư của Mỹ vào khu vực ASEAN đang cao hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại, và khoảng cách này sẽ ngày càng nới rộng ngay khi Mỹ tái gia nhập CPTPP. Nhiều người gọi đây là chiến lược “Trung Quốc +1”, đồng nghĩa với việc xây dựng thêm một quốc gia khác, ngoài Trung Quốc, trở thành một điểm nhấn ngành sản xuất tại châu Á. Một phương châm đơn giản mà các công ty đa quốc gia nên áp dụng đó là “sản xuất tại nơi bạn bán hàng”.

Theo Trọng Đại

NDH

Trở lên trên