Chạy đua đầu tư vào Tân Sơn Nhất
Cuộc chạy đua rót vốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T4 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang đến hồi nước rút.
- 25-04-2017Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất: Cần 19,3 nghìn tỷ đồng
- 10-04-2017Chưa thể cấp phép cho Vietstar vì sân bay Tân Sơn Nhất hết chỗ
- 01-04-2017Ám ảnh kẹt xe từ sáng tới tối ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Hiện các phương án nâng công suất sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất đề xuất, chờ Chính phủ phê duyệt. Trong đó, dự kiến hạng mục nhà ga T4 sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Hé lộ những tên tuổi lớn
Đứng đầu danh sách “ứng viên” muốn cơ hội đầu tư nhà ga T4 đều là những thương hiệu đình đám, gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (Liên danh AHT-TJC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Công ty CP Hàng không Vietjet (VJ)…
Kinh phí để nâng cấp tổng thể sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ước tính khoảng 19.300 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH
Từng được biết đến với tư cách là “đế chế hàng hiệu” của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn và cựu diễn viên Thủy Tiên, Tập đoàn IPP khoảng 5 năm gần đây nổi lên là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Hiện nay, IPP là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh - đơn vị đã rót vốn đầu tư nhà ga hành khách quốc tế sân bay Cam Ranh công suất từ 4-8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỉ đồng. IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) do ông Jonathan Hạnh Nguyễn vừa được bầu làm chủ tịch HĐQT. Không chỉ có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phi hàng không và đầu tư cơ sở hạ tầng sân bay, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng là doanh nhân từng có ảnh hưởng lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines trước đây.
Liên danh AHT-TJC là đơn vị thực hiện dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tiên của ngành hàng không với công trình nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. Liên danh này đang ghi dấu ấn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng hàng không khi thực hiện rất đúng tiến độ nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng - công trình phục vụ Hội nghị APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Thông thường, thời gian thi công nhà ga có công suất 4-6 triệu hành khách/năm, quy mô vốn 3.500 tỉ đồng phải kéo dài 2-3 năm nhưng liên danh này dự kiến chỉ cần khoảng 16 tháng.
Trong khi đó, VNA và VJ là 2 hãng hàng không lớn của Việt Nam, gần đây bắt đầu tham gia vào đầu tư hạ tầng sân bay. Trong đề xuất gửi Bộ GTVT, VNA cho biết tham gia đầu tư vào dự án nhà ga hành khách T4 sẽ giúp doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không. Còn mục đích đầu tư của VJ là muốn được cùng với Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất.
Khả năng sinh lời cao
Theo chia sẻ của một số chuyên gia, đặc thù của đầu tư hạ tầng sân bay là suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, có thể phải chịu lỗ trong thời gian đầu khai thác nhưng đầu tư hạng mục nhà ga hành khách T4 lại là một dự án có khả năng sinh lời cao. Bởi trong tổng số 22 sân bay cả nước hiện chỉ có Tân Sơn Nhất và Nội Bài hoạt động có lãi. Trong đó, Tân Sơn Nhất là sân bay có sản lượng hành khách lớn nhất, năm 2016 đã cán mốc 32,5 triệu lượt khách, vượt xa công suất thiết kế là 28 triệu lượt khách/năm. Nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất đạt trung bình từ 15%/năm trở lên và tiếp tục duy trì cho đến khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Do đó, hiệu suất khai thác của nhà ga T4 là rất cao, thuận lợi cho việc thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã có hướng giao ACV chủ trì huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, ACV sẽ trực tiếp đầu tư hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác theo hợp đồng BOT đến nay vẫn cần nghiên cứu thêm.
Được biết, đầu tư BOT nhà ga hành khách sân bay, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn chủ yếu qua hoạt động kinh doanh phi hàng không, trong đó có cho thuê mặt bằng kinh doanh. Đối với các sân bay quốc tế khai thác hiệu quả, nguồn thu từ dịch vụ phi hàng không chiếm tới 80% nhưng ở Việt Nam chỉ chiếm không quá 30%.
Theo tính toán của IPP và VJ, dự kiến thời gian thi công nhà ga T4 khoảng 18 tháng kể từ ngày khởi công.
Cần 19.300 tỉ đồng nâng cấp tổng thể
Theo tính toán của Cục Hàng không tại điều chỉnh Quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, kinh phí để nâng cấp tổng thể sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ước tính khoảng 19.300 tỉ đồng, bao gồm: xây dựng mới và nâng cấp các hạng mục công trình thuộc khu bay, nhà ga hành khách cũng như hệ thống giao thông kết nối bên ngoài nhà ga.
Sau khi nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có công suất 43-45 triệu khách/năm, có 80-85 vị trí đỗ máy bay, đáp ứng năng lực khai thác các loại máy bay ATR72, A320, A321, B747, B777/787, A350 và tương đương.
Đối với khu bay, cục đề xuất giữ nguyên cấu hình của hệ thống đường cất/hạ cánh hiện hữu với 2 đường băng cách nhau 365 m. Để nâng cao năng lực khai thác sẽ bổ sung 1 đường lăn song song và 2 đường lăn thoát nhanh.
Đối với khu hàng không dân dụng, sẽ sử dụng hệ thống nhà ga hành khách hiện hữu với công suất khoảng 28 triệu khách/năm và quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu khách/năm.
Người lao động