Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rút ngắn về còn 1,8 triệu đồng/lượng
Trước đó, trong tuần trước, giá vàng trong nước có lúc đắt hơn giá vàng thế giới tới 5,8 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, giá vàng giao ngay New York đứng ở mức 1.551 USD/ounce, tăng 52,4 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay châu Á đang giao dịch ở mức 1.582,7 USD/ounce, tăng 31,5 USD/ounce. Trong phiên giao dịch hôm nay, giá vàng thế giới có lúc chạm mức 1.595 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng trong nước bật tăng 1 triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa sáng nay. Hiện giá bán ra vàng SJC phổ biến ở mức 47,2-47,4 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá USD/VND tại Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương với 45,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 1,8-2 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong tuần trước, chẳng hạn vào ngày 20/3, giá vàng trong nước có lúc đắt hơn giá vàng thế giới tới 5,8 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bất ngờ rút ngắn khi tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh trong những ngày gần đây. Hiện giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại khoảng 23.750 đồng, trong khi trên thị trường tự do đã lên mốc 24.000 đồng.
Vàng thế giới bật tăng sau khi Fed tiếp tục có công bố khẩn, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo làn sóng các sáng kiến thứ hai nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó với các tác động của dịch bệnh, trong đó có chương trình mua trái phiếu không giới hạn để cắt giảm chi phí đi vay và thiết lập các chương trình để đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt tới các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương.
Việc vàng phục hồi trở lại là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước đó. Sprott Asset Management cho rằng, vàng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sẽ tiếp tục trong tương lai, bao gồm hiệu suất vượt trội trong 3 năm tới.
"Cuộc bán tháo kim loại quý trong tháng 3 trông rất giống với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuối cùng dẫn sự trỗi dậy mạnh mẽ của vàng. Xu hướng này có thể sẽ lặp lại một lần nữa vào năm 2020", John Hathaway, quản lý danh mục đầu tư của Sprott Asset nhận định.
Câu chuyện lớn nhất trong cơn hoảng loạn vì Covid-19 là giảm phát tài sản tài chính, khi chứng khoán vẫn giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này, ngay cả khi đã có một loạt phản ứng chính sách tiền tệ mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới.
Các thị trường giờ đây phải được xem xét lại với khả năng suy thoái, thâm hụt tài chính tăng vọt và khả năng thực sự của một thị trường "gấu" được duy trì thời gian dài hơn.
Ngay cả khi sự hỗn loạn bởi Covid-19 kết thúc, Sprott cho rằng, các tài sản sẽ khó quay lại được mức định giá ban đầu. Bởi giá trị tài sản được thúc đẩy bởi tâm lý nhà đầu tư, đòn bẩy và tính thanh.Và cả 3 điều này có thể đã bị suy yếu nghiêm trọng trong thời gian ngắn đến trung hạn.