MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD ngày càng hẹp

20-09-2019 - 15:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có quãng thời gian liên tục điều chỉnh giảm...

Sau khoảng thời gian biến động mạnh, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục giữ trạng thái điều chỉnh giảm.

Cụ thể, tại phiên giao dịch 19/9, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất chào bình quân VND giảm 0,01 - 0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Giao dịch tại qua đêm 2,35%; 1 tuần 2,50%; 2 tuần 2,75% và 1 tháng 3,25%.

Ngược lại, mặt bằng lãi suất USD có vẻ ổn định hơn. Trong phiên, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần; trong khi cùng giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng. Giao dịch tại qua đêm 2,27%; 1 tuần 2,31%; 2 tuần 2,41%, 1 tháng 2,55%.

Như vậy, chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giữa VND và USD đã co về rất hẹp. Trước đó vài tuần, biên độ giữa hai lãi suất này lên tới gấp đôi.

Việc lãi suất liên ngân hàng VND liên tiếp giảm được giới chuyên gia đánh giá là do đã qua dịp nghỉ lễ, thời điểm nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt tăng cao. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, thông qua động thái mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, một lượng tiền VND đối ứng lớn cũng được chảy ra thị trường.

Thực tế cũng cho thấy, từ đầu tuần này, phía nhà điều hành phải thường xuyên chào thầu khối lượng lớn trái phiếu.

Riêng tại nghiệp vụ thị trường mở ngày 19/9, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 15.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 14.999 tỷ đồng. Mặc dù vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,50%, tuy nhiên không có tổ chức nào cần tới.

Qua đó, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 56.998 tỷ đồng. Con số này cũng là giá trị Ngân hàng Nhà nước hút ròng trong 4 phiên đầu tuần, một quy mô hiếm thấy.

Theo Đào Hưng

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên