MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch Tô Lịch khác nào trò chơi’

15-08-2019 - 09:11 AM | Xã hội

Theo chuyên gia, việc lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ, giải pháp chỉ như một trò chơi.

Về đề xuất chi 150 tỷ đồng lấy nước sông Hồng làm sạch hồ Tây và sông Tô Lịch, theo Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng, nếu được TP chấp thuận, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h, dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào hồ Tây.

Khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua 2 cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

Ông Hùng lý giải, việc phải bổ cập nước hồ Tây vào sông Tô Lịch giải quyết cho vấn đề hồ Tây vào mùa khô nước cạn kiệt, gây ra ô nhiễm. Việc bổ cập nước cho hồ Tây là hết sức cần thiết. Nguồn nước từ nước mặt sông Hồng dễ xử lý và tiết kiệm chi phí.

‘Chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch Tô Lịch khác nào trò chơi’ - Ảnh 1.

Hà Nội định chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch

Ông cho biết, trước đây có đề xuất lấy nước sông Nhuệ làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên phương án này chỉ giúp cải thiện môi trường của sông mà không điều tiết được mực nước hồ Tây nên không tối ưu.

Lãnh đạo công ty Thoát nước nêu, hiện nay không bổ cập thì nước thải vẫn thường xuyên chảy xuống hạ lưu. Hà Nội đã làm việc với các tỉnh yêu cầu đóng cửa đập, dùng bơm để hạn chế tối đa nước thải đưa xuống Hà Nam qua sông Nhuệ.

“Bổ cập nước đương nhiên nước thải được pha loãng, đỡ hơn không được pha loãng", ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay TP đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống tách nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch. Khi hệ thống xử lý nước thải này hoàn thành, tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ được giải quyết.

Tốn kém

GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi bày tỏ đồng tình với giải pháp được công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra.

Theo ông, hiện nay tất cả các ý kiến đều có một điểm chung cho rằng phải có nước sông cho vào sông Tô Lịch để giảm bớt ô nhiễm. Với nguồn nước hồ Tây thì không đủ vì nó chỉ được xả khi nước hồ dâng cao.

Ông đưa ra lưu ý, sông Hồng là sông cổ, luôn luôn biến đổi dòng nên dễ bị bồi lấp hoặc xói lở, vì vậy vị trí chọn xây dựng trạm bơm cần ổn định, ít bị thay đổi, tránh việc xây dựng chỉ khoảng 3 năm lại phải thay đổi thì rất tốn chi phí.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi chia sẻ với nhiều ý kiến băn khoăn rằng nếu chỉ lấy nước sông Hồng vào thì sẽ đẩy ô nhiễm xuống sông Nhuệ, từ sông Nhuệ ra sông Đáy rồi trở lại chính sông Hồng.

Để giải quyết vấn đề trên, theo GS Hồng, trước tiên phải nạo vét sông Tô Lịch và Hà Nội phải tìm một khu nào đó để chôn lấp số bùn đó, vì bùn này không phải chất độc hay phóng xạ nên không quá lo ngại.

Sau khi nạo vét bùn thì mới cho nước vào sông Tô Lịch. Tất cả các họng ống xả phải được xử lý, nối về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoặc có thể xử lý nước thải tại chỗ.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, giải pháp này có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ.

“Tôi không muốn ủng hộ, cũng không thích giải pháp này. Tôi muốn giải pháp triệt để và căn cơ hơn chứ không thể hôm nay thế này, hôm sau thế kia, tốn tiền thuế của dân”, ông Côn nêu quan điểm.

Ông Côn đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng phương án này chỉ giống như pha loãng nước thải tại vị trí đó và đẩy chất thải xuống hạ lưu.

“Tất cả giải pháp đó như một trò chơi”, ông Côn nói.

Hiến kế làm sạch sông Tô Lịch, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, thứ nhất là không xả nước thải vào sông nữa; thứ hai là phải giữ mực nước sông từ 1-1,5m thì lúc đó nó tự làm sạch.

Đồng thời nguồn nước thải ra sông có độ ô nhiễm không vượt quá ngưỡng tự làm sạch của con sông thì tự nhiên sông sẽ sống lại. Khi đó nó có thể trở thành đường giao thông, thành nơi ngắm cảnh.


Theo Hương Quỳnh

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên