MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ 45 ngày đầu 2024, vì sao Việt Nam chi hơn 400 triệu USD để nhập một mặt hàng ta đang xuất khẩu tỷ USD?

02-03-2024 - 17:06 PM | Thị trường

Việt Nam đã chi tới 430 triệu USD (tương đương với hơn 10.500 tỷ đồng) để nhập khẩu một mặt hàng trong những ngày đầu tiên của năm 2024.

Mặt hàng này là linh kiện và phụ tùng ô tô. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2024, Việt Nam đã chi tới 430 triệu USD để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô. Con số này giảm hơn 10% so với cùng kỳ của năm 2023, tương đương với kim ngạch giảm hơn 50 triệu USD.

Trong 45 ngày đầu năm 2024, nước ta nhập khẩu mặt hàng này ở nhiều thị trường, nhưng tập trung tại các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Đặc biệt, tính đến hết tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, với kim ngạch đạt 92,1 triệu USD. Sau Trung Quốc, chỉ trong 1 tháng, nước ta chi 75 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc, Thái Lan với 55 triệu USD, Nhật Bản với số tiền 43 triệu USD…

Kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam từ các thị trường chính trong tháng 1/2024. Biểu đồ: MH

Ngoài linh kiện, phụ tùng ô tô, Việt Nam còn còn chi tới 47,1 triệu USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc cũng chinh là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều ô tô nguyên chiếc nhất.

Trên thực tế, chỉ tính trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đã đạt 1,33 tỷ USD, tăng 13,2% so với tháng 12/2023. Các thị trường xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đầu tiên của năm 2024 chủ yếu là Nhật Bản (307 triệu USD, tăng 60%); Mỹ (290 triệu USD, tăng 93,4%); Hàn Quốc với 159 triệu USD, tăng 135,6% so với cùng kỳ năm trước….

Rõ ràng Việt Nam xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng lên tới hơn 1 tỷ USD/tháng, nhưng lại chi vài trăm triệu USD để nhập khẩu các linh kiện và phụ tùng ô tô. Hơn nữa, dù giá trị xuất khẩu linh kiện, phụ kiện ô tô cao hơn cả nhập khẩu thì các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn phải tìm kiếm về nguồn hàng từ nước ngoài để tiến hành lắp ráp.

Vì sao lại xảy ra nghịch lý này?

Chỉ 45 ngày đầu 2024, vì sao Việt Nam chi hơn 400 triệu USD để nhập một mặt hàng ta đang xuất khẩu tỷ USD?- Ảnh 1.

Việt Nam nhập khẩu nhiều linh kiện, phụ tùng ô tô từ các quốc gia khác trên thế giới để phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Ảnh minh họa

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sở dĩ Việt Nam nhập khẩu nhiều linh kiện, phụ tùng ô tô từ các quốc gia khác là bởi vì các mặt hàng này ở Việt Nam hầu hết đều thuộc loại đơn giản, gia công nhiều. Phần lớn những linh kiện này đều được đưa vào các khu chế xuất và sau đó được các công ty tại đây áp dụng công nghệ cao, cũng như ráp thêm các linh kiện có yếu tố bản quyền thì mới trở thành cụm linh kiện hoàn chỉnh mà các hãng có thể lắp được cho ô tô.

Mặt khác, ngành công nghiệp phụ trợ ở nước ta vẫn chưa phát triển được cũng do nhiều doanh nghiệp ở trong nước vẫn chưa làm được một cụm linh kiện hoàn chỉnh. Thay vào đó, họ mới chỉ tham gia vào các công đoạn hay đóng góp chi tiết nào đó như săm, lốp, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn…

Theo VAMA, xe ô tô sản xuất ở Thái Lan, Indonesia chỉ có khoảng 10% linh kiện nhập khẩu, trong khi đó, xe lắp ráp tại Việt Nam phải nhập khẩu hơn 80% linh kiện. Điều này cũng dẫn tới chi phí sản xuất, lắp ráp xe ở trong nước cũng cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn trong ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là linh kiện, phụ tùng ô tô, các chuyên gia cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải tăng quy mô thị trường, phát triển các chương trình phù hợp nhằm kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô, cung cấp, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về các nhà cung cấp… Ngoài ra, Chính phủ cần phải có cơ chế để thu hút các nhà cung cấp nước ngoài vào Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực của các nhà sản xuất trong nước, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư trong việc sản xuất linh kiện ô tô.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Hiện nay, THACO Industries là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng ở Việt Nam, với những sản phẩm nhựa cho ngành ô tô như chụp mâm, lướt gió, cản xe, ốp gió xe bán tải… Thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này là Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Malaysia. 

Hơn nữa, trong thời gian qua, những cuộc viếng thăm cấp Nhà nước đã giúp mở ra nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế giữa Chính phủ, doanh nghiệp của Việt Nam và các nước bạn. Với những thuận lợi này, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và thị trường xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ có nhiều cơ hội trong thời gian tới.

Bài viết tham khảo nguồn: Customs, Moit, VAMA

Theo Minh Hằng

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên