MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ bán bánh mì, cơm rang không ít người đã kiếm tỷ USD và trở thành tỷ phú thế giới

24-03-2017 - 13:28 PM | Tài chính quốc tế

Có một kiểu doanh nhân chỉ cần bán được bánh mì sandwich dài 5,5 USD, bát thịt bò Nhật 3 USD hoặc pizza peperoni cổ điển 5,99 USD nhưng với số lượng hàng triệu chiếc, họ đã có thể ung dung ngồi vào danh sách tỷ phú thế giới cho Forbes bình chọn.

Trong danh sách 2.043 tỷ phú thế giới của Forbes, có 14 người đã làm được điều đó. Họ chính là chủ nhân của những thương hiệu ăn uống quen thuộc ở Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

Cơm bò Sukiya

Kentaro Ogawa - một người mới gia nhập vào hàng ngũ tỷ phú thế giới - đã xây dựng khối tài sản 1 tỷ USD của mình nhờ những bát thịt bò Gyudon (một món ăn phổ biến ở Nhật Bản bao gồm cơm trắng ăn chung với thịt bò thái nhỏ xào hành tây).

Đặt mục tiêu tấn công vào thị trường đại chúng, ông Ogawa đã thành lập chuỗi cửa hàng cơm bò Sukiya. Cho đến nay,nó đã có tới 1970 cơ sở trên toàn cầu, phần lớn ở Nhật Bản và rải rác tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mexico, Brazil, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Chuỗi Sukiya thuộc sở hữu của công ty cổ phần Zensho hiện đang quản lý mạng lưới 4.800 nhà hàng. Các chuỗi nhà hàng khác của Zensho cũng chủ yếu phục vụ các món ăn phổ biến như mì udon, bánh mì kẹp thịt, sushi băng chuyền.

Little Caesars Pizza

Marian Ilitch đã trở thành sáng lập viên còn sống duy nhất của chuỗi nhà hàng Little Caesars Pizza, sau khi chồng của bà - Michael Ilitch cũng chính là người đồng sáng lập chuỗi - qua đời hồi tháng 2 ở tuổi 87. Bà Marian sinh trưởng tại vùng Dearborn, Michigan. Hai vợ chồng bà Marian đều là con của những người nhập cư Macedonia đến Mỹ. Họ quen nhau từ một buổi gặp mặt và 1 năm sau thì kết hôn.

Tháng 5/1959, với số tiền tiết kiệm 10.000 USD, vợ chồng bà Marian đã mở cửa hàng pizza đầu tiên nằm tại Garden City, Michigan. Hiện nay đây là 1 trong số những chuỗi pizza lớn nhất nước Mỹ. Năm 2016, Little Caesars công bố mức doanh thu trên 4,2 tỷ USD. Ngoài Mỹ, thương hiệu Little Caesars đã phủ sóng khắp 20 quốc gia trong đó có Canada, Bahrain, Guam, Ả rập xê út và Thổ Nhĩ Kỳ.

Panda Express

Panda Express được thành lập bởi một cặp vợ chồng di cư (1 người Trung Quốc và 1 người Burma). Họ gặp nhau tại trường ĐH Baker và mở ra nhà hàng đồ Trung Quốc đầu tiên vào năm 1983 tại một vùng ngoại ô của Los Angeles. Bằng cách chế biến thịt lợn chua ngọt và gà sốt cam, Panda Express đã thu hút được một số lượng lớn những người đến trung tâm mua sắm, hành khách ra sân bay hay những người Mỹ muốn ăn đồ Trung Quốc rẻ tiền, chế biến nhanh.

Vào năm 2013, vợ chồng ông bà Cherng được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với khối tài sản ròng trị giá 2 tỷ USD. Ngày nay, Panda Express đã lên tới giá 3,1 tỷ USD. Năm ngoái, chuỗi đồ ăn Trung Quốc này thu về khoản doanh thu 2,8 tỷ USD từ 1.900 cửa hàng trong hệ thống. 2011 là năm đầu tiên Panda Express có cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài. Kể từ đó, hãng tiếp tục mở rộng ra ngoài biên giới Mỹ và hiện đã có mặt tại Hàn Quốc, Dubai và Puerto Rico.

Gà rán Chick-Fil-A

Sau khi ông Truett Cathy qua đời vào tháng 9/2014 ở độ tuổi 93, hai anh em Dan và Bubba đã được thừa hưởng đế chế gà rán Chick-Fil-A từ người cha của họ. Ông Truett mở ra cửa hàng Chick-Fil-A đầu tiên tại trung tâm thương mại Atlanta vào năm 1967 và chủ yếu phục vụ bánh sandwich gà cho nhân viên nhà máy và nhân viên sân bay.

Trong đa số các cửa hàng đều bán đắt hàng vào cuối tuần thì chuỗi gà rán của ông Truett lại đóng cửa. Chia sẻ trong một bài báo đăng ngày 27/7/1998 của Forbes, ông Truett viết: "Tôi là 1 tín hữu Baptist miền Nam và tôi tin rằng chủ nhật là ngày thần thánh. 25 năm trước, chúng tôi đã quyết định không bán hàng vào ngày chủ nhật và chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi".

Gần 2 thập kỷ sau, hai người con trai của ông Truett là Dan và Bubba vẫn giữ nguyên quy định đó và tiếp tục đóng cửa 2.000 cửa hàng trong hệ thống đóng cửa vào ngày chủ nhật. Năm 2013, cả hai anh em Dan và Bubba đã được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới. Mỗi người nắm khối tài sản ròng 3,2 tỷ USD và năm nay đã đạt 3,8 tỷ USD.

Trong khi thức ăn nhanh có thể là nguồn sinh lợi của rất nhiều tỷ phú, nó cũng nhanh chóng đưa một tỷ phú ra khỏi bảng xếp hạng.

John Schnatter là CEO của chuỗi pizza ở Mỹ có 4.900 cơ sở tại khắp 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Đà tăng 58% của cổ phiếu công ty này vào năm 2016 đã đưa Schnatter với tài sản ròng 1 tỷ USD vào bảng xếp hạng tỷ phú cập nhật vào giữa tháng 2/2017. Tuy nhiên, đến ngày 21/2 khi mà công ty này báo cáo mức doanh thu quý IV yếu hơn dự kiến, cổ phiếu công ty này đã giảm 7% chỉ ngay ngày hôm sau. Đến ngày 20/3, Forbes đã viết giảm khối tài sản ròng của ông Schnatter xuống còn 925 triệu USD và đưa ông ra khỏi danh sách tỷ phú.

Anh Sa

Forbes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên