Chỉ cần đam mê thì sẽ thành công: Nhầm lẫn trói chân nhiều người tới đích mà không hề hay biết
Để thành công, tài năng thôi chưa đủ. Hãy đảm bảo rằng đam mê và những ưu tiên của bạn đang cùng một hàng.
- 07-08-2018Chuyện 2 con cá sấu và bài học thấm thía cho những kẻ cứ mải lao mình vào làm việc, cho rằng bận rộn mới đem lại thành quả mà không hề biết đôi khi những người "chẳng làm gì" mới thành công rực rỡ
- 06-08-2018Tính cách là vũ khí bí mật dẫn bạn tới thành công: Không biết tận dụng và phát huy thì con đường thăng tiến còn lắm chông gai
Xếp thứ tự ưu tiên dựa trên những niềm đam mê
Những người có đam mê nhưng lại thiếu trọng điểm cũng giống như những người ở một túp lều gỗ trong rừng sâu vào một đêm mưa tuyết giá lạnh và đang thắp các ngọn nến. Những ngọn nến không đủ ánh sáng để họ có thể nhìn rõ, và cũng không phát đủ nhiệt để họ sưởi ấm. Cùng lắm thì, chúng cũng chỉ khiến căn phòng trông bớt lạnh lẽo.
Trái lại, những người có ưu tiên nhưng lại không có đam mê thì giống như những người chỉ biết chất củi lại một chỗ trong căn phòng lạnh lẽo, nhưng không thể nào nhóm được lửa. Chỉ những người có đam mê và biết dành ưu tiên mới giống những người có thể chất củi một chỗ, nhóm lửa lên để thưởng thức ánh sáng và hơi ấm.
Đầu những năm 1970, tác giả nổi tiếng John C.Maxwell nhận ra rằng tài năng chỉ có thể phát huy cao nhất và tiềm năng chỉ có thể được khám phá khi biết kết hợp đam mê và những mối ưu tiên. Khi ấy, ông đã dành quá nhiều thời gian để làm những việc mình không có khả năng cũng như đam mê. Ông phải thay đổi ‒ bằng cách sắp xếp những việc mình cảm thấy hứng thú và những việc mình đang làm.
Điều này đã thay đổi cuộc đời John C.Maxwell. Nó không xua tan những khó khăn hay xóa bỏ được những trở ngại, nhưng nó tiếp cho ông sức mạnh để đối diện với khó khăn, trở ngại bằng năng lượng và lòng nhiệt tình. Hơn 30 năm qua, tác giả này vẫn nỗ lực duy trì sự liên kết giữa những mối ưu tiên và niềm đam mê. Ông luôn tâm niệm câu nói của nhà báo Tim Redmond để giúp mình khỏi chệch đường: "Có nhiều thứ thu hút ánh mắt của tôi, nhưng chỉ có một vài điều chinh phục được trái tim tôi. Đó là những điều tôi sẽ theo đuổi."
Sức mạnh của những giấc mơ
Mỗi chúng ta đều có giấc mơ cho riêng mình. Đó là những mơ ước sâu thẳm trong mỗi tâm hồn. Đó là những điều bẩm sinh. Nó dẫn dắt ta đến với tài năng. Nó khơi gợi những ý tưởng ưu việt nhất. Nó phát động những suy nghĩ về định mệnh. Và nó không thể tách rời khỏi những mục tiêu trong cuộc sống mỗi người. Mơ ước thúc giục ta bắt đầu con đường tới thành công của riêng mình.
Mơ ước có thể mang lại cho ta nhiều điều:
- Mơ ước cho ta phương hướng
- Mơ ước giúp ta phát huy năng lực tiềm ẩn
- Mơ ước giúp ta chọn lựa những mối ưu tiên
- Mơ ước làm tăng giá trị công việc của ta
- Mơ ước phỏng đoán tương lai ta
Oliver Wendell Holmes từng lưu ý: "Điều quan trọng nhất trên cuộc đời này không phải là chúng ta đang ở đâu mà là chúng ta đang đi hướng nào." Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất khi ta có mơ ước. Bạn có thể theo đuổi mơ ước của mình ở bất cứ nơi đâu. Những gì đã xảy ra trong quá khứ không quan trọng bằng những gì đang ở phía trước.
Tận dụng tài năng và cơ hội
Huấn luyện viên của đội UCLA, John Wooden từng nói nói: "Hãy biến mỗi ngày trong cuộc sống của mình thành một kiệt tác." Nếu lúc nào cũng cố gắng hết sức, bạn có thể khiến cuộc sống của mình trở nên đặc biệt. Điều này cũng truyền sang cuộc sống của những người khác.
Có một câu chuyện về Tổng thống Dwight Eisenhower mà được rất nhiều người Mỹ ưa thích. Tổng thống từng nói với Hiệp hội Báo chí Quốc gia rằng ông rất tiếc vì không có một nền tảng chính trị tốt hơn để có thể trở thành một nhà hùng biện giỏi. Chính việc thiếu kỹ năng diễn thuyết này khiến ông nhớ lại những ngày thơ ấu ở Kanas khi một ông lão nông dân đem bò đi bán.
Người mua hỏi ông lão về nòi của con bò, chất lượng bơ và sản lượng sữa hàng tháng. Người nông dân trả lời: "Tôi không biết nòi là gì và cũng chẳng hiểu chất lượng bơ là như thế nào nhưng tôi biết nó là một con bò tốt và nó sẽ cho ông tất cả sữa mà nó có." Ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều đó - cho đi tất cả những gì mình có. Như vậy là đủ.
Tiếp lửa đam mê
Đam mê có phải là một đặc trưng trong cuộc sống của bạn không? Mỗi sáng bạn có thức giấc với cảm giác phấn chấn về một ngày sắp tới không? Ngày đầu tiên của một tuần có phải là ngày bạn yêu thích, hay bạn chỉ thật sự "sống" vào ngày cuối tuần? Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn mất ngủ vì quá phấn chấn với một ý tưởng nào đó? Bạn sẽ không thể lãnh đạo nếu không có niềm đam mê. Bạn không thể nhóm lửa nhiệt tình trong công ty nếu trong bạn lửa không cháy.
Để tiếp lửa đam mê, hãy làm những việc sau:
Tự đo nhiệt độ. Bạn sôi nổi nhiệt tình với cuộc sống và công việc đến đâu? Điều này có thể hiện ra bên ngoài không? Hãy đánh giá khách quan bằng cách hỏi một vài đồng sự hay bạn đời về mức độ nhiệt tình của bạn.
Tìm lại những đam mê trước đây. Hãy nghĩ về thời gian khi bạn mới bắt đầu lập nghiệp - thậm chí xa hơn nữa, khi bạn chỉ là một đứa trẻ. Điều gì khiến bạn có những hành động ngớ ngẩn? Bạn có thể dành hàng giờ để làm việc gì? Hãy lấy lại những sôi nổi nhiệt tình trong quá khứ. Sau đó, hãy đánh giá cuộc sống và công việc của bạn trên cơ sở những tình cảm xưa cũ đó.
Kết giao với những người sôi nổi. Những người giống nhau thường kết giao với nhau. Nếu bạn đánh mất ngọn lửa nhiệt tình, hãy đi tìm những người mang lửa. Nhiệt tình dễ lan truyền. Hãy lên kế hoạch, dành thời gian với những người có thể truyền đam mê cho bạn.
Trí thức trẻ