Chi cho MyGo vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong 1 quý trong khi Grab, Go-Viet lỗ vài tỷ mỗi ngày, Viettel Post kỳ vọng gì?
Trong bản tin mới đây của mình, SSI Research dẫn thông tin từ ban lãnh đạo của Viettel Post cho biết tính đến tháng 8/2019 - tức sau 2 tháng kể từ khi ứng dụng MyGo chính thức ra mắt, nền tảng này đã có 120.000 tài xế đăng ký. Trong đó, 80% tài khoản có hoạt động.
Con số này không quá bất ngờ khi mà ngay thời điểm ra mắt Viettel Post công bố MyGo đã có 106.000 đối tác cài đặt ứng dụng, trong đó có tới gần 98.000 đối tác xe máy. Đây là con số đáng kể so với 200.000 tài xế của Grab và 30.000 của Be.
Thông tin đáng chú ý nhất là chi phí trong cả quý 3 của MyGo chưa đến 1 tỷ đồng. Đây là con số tương phản so với Grab hay Be, Go-V khi mà những nền tảng này đang chi lớn, sẵn sàng chịu mức lỗ lên đến vài tỷ đồng mỗi ngày. Năm 2018, Grab lỗ hơn 900 tỷ đồng; Go-Viet trong 4 tháng hoạt động đã lỗ 550 tỷ đồng hay Be Group chỉ trong 1 tháng hoạt động cũng lỗ 88 tỷ.
Ngay từ khi ra mắt MyGo và trang thương mại điện tử Vỏ Sò, Viettel Post đã tuyên bố sẽ không chạy đua đốt tiền với các ông lớn để thu hút khách hàng và phát triển các ứng dụng.
MyGo rõ ràng đang có lợi thế hơn các đối thủ hiện nay như Grab, be, GoViet... trong việc phát triển mạng lưới đối tác tài xế khi có thể tận dụng được lượng bưu tá và các bưu cục ở địa phương.
Với mức đầu tư khiêm tốn trên, MyGo chưa tạo được dấu ấn trên thị trường gọi xe. Hiện tại, hoạt động cốt lõi của MyGo vẫn là hoạt động giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) phục vụ cho chính hoạt động Viettel Post. Trước đây, Viettel Post thường thuê tài xế part-time để phục vụ cho hoạt động này.
Sau khi triển khai MyGo, Viettel Post sẽ tích hợp nền tảng này vào hoạt động giao hàng chặng cuối. Hiện tại MyGo mới phục vụ giao hàng cho Viettel Post nhưng trong thời gian tới sẽ vận chuyển cho các hãng vận chuyển khác.
Viettel Post cho biết hiện nay dịch vụ giao hàng tận nơi tại các đô thị rất phân mảnh khi hàng chục công ty giao hàng khác nhau cùng đến một tòa nhà văn phòng lớn để giao hàng. Điều này không hiệu quả về mặt chi phí và tạo cơ hội cho MyGo bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi cho các công ty nhỏ này và họ sẽ chỉ cần giao hàng đến trung tâm phân loại của MyGo/Viettel Post.
SSI Research đánh giá ý tưởng kinh doanh này có nhiều tiềm năng nhưng cần theo dõi cách thức Viettel Post triển khai cụ thể. Sự phát triển mạnh của ngành thương mại điện tử sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động logistics và lợi nhuận của Viettel Post có thể tăng trưởng 40%/năm cho năm 2019 cũng như 2020.
Mảng kinh doanh vận chuyển truyền thống tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong nửa đầu năm 2019, Viettel Post đạt hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng 41%.
Hiện tại, vốn hóa thị trường của Viettel Post đạt hơn 7.500 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ