MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ còn 20% người Hàn dùng tiền mặt, thanh toán di động lên ngôi, Việt Nam thì sao?

21-11-2017 - 15:30 PM | Tài chính - ngân hàng

“Ăn phở bằng Galaxy Note 8” vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, nhưng nó sẽ sớm trở nên thông dụng trong tương lai không xa.

Hàn Quốc hướng tới “xã hội không tiền mặt” vào năm 2020

Tại Hàn Quốc, tiền mặt chắc chắn không còn là “vua”, ngày càng có nhiều người chuyển sang dùng ví điện tử và thanh toán di động để mua hàng. Ngày nay, chỉ còn có 20% giao dịch trên cả đất nước được thực hiện bằng tiền mặt, theo số liệu từ Ngân hàng Hàn Quốc. Những ông lớn công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ để biến nền tảng thanh toán di động trở thành phổ biến. Cho đến nay, những nỗ lực ấy đã thu về thành quả nhất định.

Điển hình nhất là Samsung Pay, bắt đầu triển khai từ tháng 8/2015, cho đến nay lượng giao dịch qua ứng dụng này đã đạt 10 nghìn tỷ won (tương đương 9 tỷ USD), theo như Yonhap News Agency đưa tin. Ứng dụng được cài đặt sẵn trên tất cả các smartphone từ cận cao cấp tới cao cấp mới của Samsung. Nhờ Samsung Pay, Ngân hàng Hàn Quốc dự tính đất nước này có thể trở thành quốc gia không tiền mặt vào năm 2020.

Nhà nghiên cứu Kim Seong Hoon của Học viện Kinh tế Hàn Quốc phát biểu trên tờ Financial Times vào tháng Mười Hai vừa qua: “Chúng ta có thể tiết kiệm rất nhiều nếu không dùng tiền mặt. Nếu chúng ta từ bỏ tiền mặt, chúng ta có thể tăng mức tăng trưởng kinh tế hàng năm lên 1,2%. Một xã hội không tiền mặt sẽ giúp chúng ta loại bỏ mức tăng trưởng kém, lạm phát thấp và môi trường kém hấp dẫn”.

Theo thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc, có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý IV năm 2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó.

Samsung Pay đặt chân đến Việt Nam và nhiệm vụ trước mắt

Samsung không chỉ giới hạn Samsung Pay trong phạm vi đất nước Hàn Quốc. Bằng chứng là công ty đã mở rộng dịch vụ này ra 19 quốc gia khác nhau chỉ trong thời gian 2 năm ngắn ngủi. Tại Việt Nam, Samsung Pay chỉ vừa ra mắt vào tháng 9 vừa qua thế nhưng cho đến nay đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng, 50.000 thẻ đăng ký lên Samsung Pay - theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc điều hành ngành hàng Thiết bị động Samsung Việt Nam.

Ông Huy cũng cũng khẳng định rằng so với các nước khác, Việt Nam nằm trong top các nước có phản ứng tốt của thị trường. Cần phải biết rằng ở Việt Nam hiện nay, cứ mỗi tháng có tới 2 triệu smartphone Samsung được bán ra. Đây là lợi thế cực lớn của hãng điện tử Hàn Quốc trong việc phổ cập Samsung Pay tại Việt Nam.

Không chỉ có vậy, hình thức thanh toán di động như Samsung Pay đang nhận được sự ủng hộ rõ rệt từ chính phủ Việt Nam. Phát biểu tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam VPEF 2017, Phó thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định:

"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020", Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó.

“Tôi muốn ăn phở và trả tiền bằng điện thoại” - ông Thomas Ko, Phó Tổng giám đốc Samsung toàn cầu.
“Tôi muốn ăn phở và trả tiền bằng điện thoại” - ông Thomas Ko, Phó Tổng giám đốc Samsung toàn cầu.

Chia sẻ về lợi thế của Samsung Pay, ông Thomas Ko, Phó Tổng giám đốc Samsung toàn cầu tin rằng có 3 điểm sẽ giúp Samsung Pay vượt lên, đó là: Đơn giàn, An Toàn, Thanh toán mọi nơi. Cần phải giải thích kỹ rằng Samsung không lưu thông tin thẻ của người dùng, cũng như không tham gia cũng như can thiệp vào quy trình thanh toán bình thường đối với một giao dịch thẻ. Samsung chỉ tham gia vào việc tạo ứng dụng và nền tảng cũng như tạo sự thuận tiện cho người dùng.

Ông Ko chia sẻ một câu chuyện vui, rằng ông muốn tới Việt Nam ăn phở nhưng lại ngại mang theo ví, ông chỉ muốn cầm theo một chiếc điện thoại thôi. Hiện tại, điều này là chưa thể nhưng trong tương lai gần, trong điều kiện cho phép của cuộc Cách mạng 4.0, chắc chắn việc ăn phở bằng Note 8 của ông sẽ sớm trở thành hiện thực.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên