MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ đi xây thuê, Coteccons có cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán, lợi nhuận vượt trội các công ty địa ốc

30-09-2016 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Tuyệt đối không vay nợ, chỉ tập trung duy nhất vào xây lắp là 2 yếu tố quan trọng đưa Coteccons trở thành công ty xây dựng có lợi nhuận lớn nhất, thậm chí vượt xa nhiều công ty bất động sản.

Khi thị trường bất động sản sốt nóng giai đoạn những năm 2009-2010, bên cạnh những doanh nghiệp xây dựng lâu năm của nhà nước như Sông Đà, Hancorp, Tổng Công ty Xây dựng số 1, Vinaconex… nhiều công ty xây dựng tư nhân đã nổi lên nhanh chóng như Delta, Hòa Bình, Coteccons, Cofico.

Sau 6-7 năm thăng trầm của thị trường bất động sản, trong số những doanh nghiệp trên, chỉ có Coteccons là đã nắm bắt được cơ hội để tăng tốc mạnh mẽ.

Giờ đây, khi thị trường bất động sản đang ở chu kỳ thăng hoa mới, các công trình do Coteccons làm tổng thầu thi công xuất hiện tại một loạt dự án đình đám từ Bắc đến Nam.


Lợi nhuận năm 2015 của 1 số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản

Lợi nhuận năm 2015 của 1 số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản

Năm 2015, Coteccons ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi doanh thu tăng 80% và lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi lên 927 tỷ đồng.

Đây là mức lợi nhuận không chỉ các doanh nghiệp trong ngành xây lắp mà nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Kinh Bắc City, Becamex, Sonadezi, Vinaconex, Nam Long… cũng phải “thèm muốn”.

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2015, nửa đầu năm 2016, doanh thu của công ty tiếp tục tăng 86% lên hơn 8.100 tỷ còn lợi nhuận thì nhảy vọt từ 303 tỷ lên 733 tỷ đồng.

Với cổ đông của công ty, kết quả không thể “viên mãn” hơn khi mà giá cổ phiếu CTD hiện đã đạt 260.000 đồng – gấp 5 lần so với đầu năm 2015. Tại mức giá này, giá trị thị trường của Coteccons lên đến gần 13.000 tỷ đồng.


Cổ phiếu CTD tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm 2015

Cổ phiếu CTD tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm 2015

Vậy điều gì đã tạo nên cú bứt phá của Coteccons?

Bên cạnh những yếu tố mang tính kỹ thuật như năng lực thi công, đội ngũ nhân sự, trang thiết bị công nghệ… có một nguyên tắc được Coteccons duy trì trong quá trình phát triển đó là không vay nợ ngân hàng.

Mặc dù có không ít doanh nghiệp theo đuổi chính sách không vay nợ nhưng việc một doanh nghiệp xây lắp lớn mà không vay nợ là trường hợp khá hy hữu.

Tất nhiên để không phải đi vay thì Coteccons phải có trong tay nhiều tiền mặt. Tính đến 30/6/2016, công ty có gần 3.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn. Lượng tiền mặt của Coteccons sẽ được bổ sung thêm đáng kể khi công ty sẽ có thêm hơn 2.000 tỷ từ đợt chào bán cổ phần sắp tới.

Không phải chịu áp lực lãi vay cũng như trả nợ là một trong những nguyên nhân giúp Coteccons sống khỏe và có tỷ suất lợi nhuận cao khi thị trường bất động sản đình trệ trong giai đoạn trước đây.

Việc “sống khỏe” trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp cùng ngành gặp khó khăn đã giúp cho công ty giành được nhiều hợp đồng lớn như Masteri Thảo Điền, nhà máy may Worldon, Goldmark City, Times City Park Hill, Vinhomes Central Park…

Sự hợp tác chặt chẽ với Vingroup là một trong những bước ngoặt giúp gia tăng đáng kể khối lượng công việc cho Coteccons trong thời gian gần đây. Các dự án mới của Vingroup như The Landmark 81, Vinhomes Gardenia, Vinhomes Thăng Long… đều được giao cho công ty làm tổng thầu thi công.

Một điểm khác biệt nữa đưa Coteccons trở thành hiện tượng trong ngành là lâu nay chỉ tập trung vào duy nhất hoạt động thiết kế - xây lắp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây lắp đều ít nhiều lấn sân vào bất động sản, tức vừa đi xây, vừa đầu tư dự án. Không ít công ty còn sa đà vào đầu tư tài chính. Cách làm này khiến cho nguồn lực tài chính – vốn không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp xây lắp nói chung – bị phân tán.

Điều này thể hiện khá rõ ở trường hợp của Vinaconex hay Hòa Bình. Hòa Bình đang có tới 17 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nội thất, sơn, thực phẩm, bất động sản… Hai công ty từng có quy mô tương đương nhau, nhưng giờ đây, giá trị vốn hóa của Hòa Bình chưa bằng ¼ so với Coteccons.

Tuy vậy, sau một thời gian dài thành công chỉ từ “xây thuê” cho các chủ đầu tư thì dường như Coteccons cũng khó thoát khỏi sức hấp dẫn của việc “tự mình xây nhà”. Trong phương án chào bán cổ phần tăng vốn đã thông qua, công ty dự kiến sẽ dành 600-700 tỷ để đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn hợp tác các dự án xây dựng hạ tầng, dự án bất động sản. Liệu đây có phải là một bước đi tiềm ẩn rủi ro?

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên