Chi phí xuất nhập khẩu đội giá: Doanh nghiệp chật vật
Giá nhiên liệu, phí tàu biển tăng cao, cùng với tình trạng thiếu container… làm chi phí xuất nhập khẩu thêm đội giá, khiến doanh nghiệp (DN) chật vật hơn trong giai đoạn phục hồi.
- 06-04-2022Từ 1/6, vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp Nhà nước không thấp hơn 100 tỷ đồng
- 06-04-2022Giải quyết lạm phát sao cho doanh nghiệp "dễ thở"
- 06-04-2022Giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp dệt may tìm cách gỡ khó
Chịu lỗ để giữ khách
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, cước vận tải và giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. “Hiện, giá cước vận chuyển hàng không từ Việt Nam đến Hoa Kỳ đã tăng từ 1,8 USD/kg tăng lên 18 USD/kg (gấp 10 lần). DN càng xuất khẩu càng lỗ” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu chịu gánh nặng chi phí tăng cao
Nhiều DN xuất nhập khẩu tại TPHCM cũng phản ánh, gần đây các chi phí bị đẩy lên cao khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm. Không ít DN xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng. Trong khi đó, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao,…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Cty TNHH may mặc VNF (khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) chuyên gia công quần áo thời trang xuất đi Mỹ, châu Âu chia sẻ: “Hiện nay, phí vận chuyển đi châu Âu, Hoa Kỳ tăng gấp hơn 10 lần so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhưng giá bán hàng chỉ tăng nhẹ. Vì thế, Cty phải tính toán lại tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí”.
Ông Trần Việt Huy, đại diện VLA cho biết “Cước phí tăng cao còn là câu chuyện cung cầu thị trường. Trong khi đó, các tuyến hàng container đều đang nằm trong tay các DN nước ngoài. Dù cước phí tăng hiện nay là tình trạng chung trên thế giới nhưng cũng cho thấy, nếu DN trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ khó loạn như hiện nay”.
Cũng theo bà Hạnh, bên cạnh chi phí logistics tăng thì thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài thêm 1,5-2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Các DN xây dựng lại toàn bộ kế hoạch sản xuất ngắn hạn, trung hạn cho phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết DN đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm. Đơn cử như trước đây, DN vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Hoa Kỳ mất từ 30-35 ngày, nhưng hiện tăng lên 45-60 ngày.
Ông Trần Việt Huy, Trưởng Ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại - Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thừa nhận, đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới các nền kinh tế và đời sống xã hội của cả thế giới, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó, có hoạt động logistics. “Các chi phí phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN bao gồm chi phí phòng chống dịch, giảm năng suất lao động (do nghỉ cách ly); chi phí chuyển đổi mô hình, thị trường chuỗi cung ứng mới, giá nguyên, nhiên liệu tăng liên tục. Đặc biệt, việc chi trả cho các dịch vụ logistics tăng cao; chi phí liên quan cước vận tải quốc tế, lưu kho bãi và phí dịch vụ gia tăng kèm chi phí trả cho các rủi ro xuất nhập khẩu…”- ông Huy cho hay.
Cách nào kéo giảm chi phí?
Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” vừa tổ chức tại TPHCM, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan lý giải về nguyên nhân chi phí xuất nhập khẩu chưa thể kéo giảm. Theo ông, ngoài nguyên nhân do giá xăng dầu tăng, dịch bệnh… còn do cơ quan nhà nước chồng chéo trong quản lý, văn bản ban hành chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, DN chưa am hiểu, chưa thay đổi phương thức ký kết hợp đồng; không tận dụng hết lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do.
Để hỗ trợ DN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa, cải cách hành chính để cắt giảm thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới, tiết kiệm chi phí cho DN, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. “Cơ quan hải quan tự nhận thấy còn một số điều trong công tác thực thi thủ tục ở cơ sở chưa thống nhất, kỹ năng xử lý hồ sơ trong giải quyết thủ tục của một số cơ quan hải quan, nhân viên hải quan còn hạn chế. Về phía các DN, kiến thức cũng như sự am hiểu về trình tự thủ tục hải quan, quy định liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chưa nắm rõ nên dễ dẫn đến vướng mắc” - ông Tám cho biết.
Theo ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan TPHCM cho biết, Cục Hải quan TPHCM đang có Đề án “Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”. Đề án này có mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Tiền phong