MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chìa khóa" gỡ nút thắt dự án giao thông tại TPHCM

Ngày 8/9, cầu Long Kiểng mới ở phía Nam TPHCM hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Đây là một dự án tiêu biểu cho việc tìm giải pháp gỡ vướng để đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông của TPHCM.

Giao thông trên trục đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TPHCM) vốn bị “kìm” bởi bốn cây cầu cũ đã xuống cấp, có bề rộng chỉ 3-4 m và thường xuyên xảy ra ùn tắc trong thời gian cao điểm. Đó là các cây cầu Long Kiểng, Rạch Đỉa, Rạch Tôm và Rạch Dơi.

Treo vì vướng mặt bằng

Tháng 8/2018, dự án cầu Long Kiểng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt: Ban Giao thông TPHCM) làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, dự án phải tạm dừng vì không có thêm mặt bằng để tiếp tục thi công.

"Chìa khóa" gỡ nút thắt dự án giao thông tại TPHCM - Ảnh 1.

Người dân phấn khởi đi qua cầu Long Kiểng mới. Ảnh: HH

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, trong giai đoạn từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2019, do nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập về quy mô và ranh dự án, về nguồn vốn, về bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), nên dự án đã có hai lần điều chỉnh. Trong đó, một lần chuyển đổi chủ đầu tư, công tác bồi thường GPMB cũng không được triển khai đúng theo kế hoạch dẫn đến việc phải tạm dừng thi công.

“Chúng tôi cam kết sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong thời gian sớm nhất để đưa vào khai thác, phục vụ người dân thành phố các công trình giao thông sau khi nhận được 100% mặt bằng từ các địa phương. Điều này được minh chứng qua việc thông xe cầu Long Kiểng hôm nay, thông xe cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) vào giữa tháng 9 sắp tới, cũng như việc bắt đầu tái thi công cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa trong tháng 8 vừa qua”.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông TPHCM

Đứng trước khó khăn này, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cùng Sở GTVT và các sở ngành liên quan đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, địa phương nơi thực hiện dự án cũng đã quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB với cách làm mới, khẩn trương, kiên trì, quyết liệt, cụ thể đến từng hộ dân, từng người dân. “Đã có hơn 30 cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố, HĐND, các sở, ngành, chủ đầu tư với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Riêng Chủ tịch HĐND TP đã 4 lần trực tiếp kiểm tra, giám sát, thăm hỏi người dân và động viên các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án”- ông Phúc cho hay. Sau khi được bàn giao 100% mặt bằng vào đúng 1 năm trước, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đã phấn đấu hoàn thành, thông xe cầu Long Kiểng sớm hơn 3 tháng so với thời gian dự kiến.

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, cầu Long Kiểng là một trong bốn cây cầu trọng điểm trên trục đường Lê Văn Lương kết nối quận 7 qua huyện Nhà Bè đi về tỉnh Long An. “Việc thông xe cầu Long Kiểng đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng cho việc đi lại của người dân, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và với giao thông khu vực nói chung” - ông Nguyễn nhận định.

Kỳ vọng từ cách làm mới

Ông Lương Minh Phúc kỳ vọng, những bài học thành công từ công trình xây dựng cầu Long Kiểng sẽ được nhân rộng đến các địa phương trên toàn thành phố, để trong thời gian tới, Ban Giao thông sẽ tiếp tục được bàn giao mặt bằng và thi công, hoàn thành nhiều công trình giao thông đang phải dừng thi công để chờ mặt bằng.

Trước đó, vào năm 2022, TPHCM đã áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức đền bù tăng mạnh, tiệm cận giá thị trường. Ông Phúc đánh giá quyết định mang tính bước ngoặt này đã giúp tháo gỡ nút thắt trong đền bù GPMB cho các dự án đang bị “treo” lâu nay. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đã thành lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Ông Phúc cũng hy vọng, sau dự án cầu Long Kiểng, chủ đầu tư mong tiếp tục được bàn giao mặt bằng để thi công, hoàn thành nhiều công trình giao thông đang phải dừng thi công để chờ mặt bằng như cầu Ông Nhiêu, Tăng Long ở thành phố Thủ Đức, cầu Bà Hom ở Bình Tân cùng các tuyến đường như Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của, Dương Quảng Hàm, Tỉnh Lộ 8 và một số công trình giao thông khác….

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, dự án cầu Long Kiểng mới nhằm thay thế cầu sắt cũ đã xuống cấp, có lúc đã bị đổ sập, không đảm bảo tải trọng cho các phương tiện tham gia giao thông. Dự án có hàng chục năm để điều chỉnh, tìm nguồn vốn và thực hiện giải phóng mặt bằng.

Bà Lệ ghi nhận, chủ đầu tư đã có quyết định dứt khoát triển khai thi công cầu Long Kiểng trên phần đất đã được giao, thay vì chờ đợi đất trống. Đây có thể là bài học kinh nghiệm dành cho các dự án khác của thành phố, tránh chờ đợi dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, phát sinh nhiều chi phí và lãng phí thời gian. “Tôi đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT, Ban Giao thông cùng với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án khác trong khu vực này, đặc biệt là 3 cây cầu còn lại trên tuyến đường Lê Văn Lương” - bà Lệ nói.

Theo Hữu Huy

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên