Chia sẻ của bác sĩ TQ về sự sống và cái chết ở Vũ Hán: Tôi đã khóc, có bệnh nhân quỳ xuống cầu xin tôi cho nằm viện
Người phụ nữ đã chết sau khi chồng cô bỏ cuộc vì điều trị quá tốn kém. Ngày hôm sau, chính phủ công bố một chính sách mới, tất cả những bệnh nhân nhiễm virus corona mới sẽ được chữa miễn phí....
- 10-02-2020Cổ phiếu các nhà hàng lẩu lao dốc vì tin 9 người dương tính với virus corona sau khi cùng ăn lẩu
- 10-02-2020Các công ty Trung Quốc rục rịch mở cửa trở lại: Khuyến khích tạo điều kiện cho nhân viên 'làm việc online', lo ngại lao động nhập cư có thể nhiễm virus corona
- 10-02-2020Trung Quốc: Trí tuệ nhân tạo đang góp công lớn trong cuộc chiến chống lại virus corona
Giữa dịch bệnh do virus corona mới(2019-nCoV) đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở Trung Quốc, các y bác sĩ ở tuyến đầu chính là những người chấp nhận rủi ro lớn nhất và hiểu rõ tình hình nhất. Bác sĩ Bành Chí Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung Nam, thuộc Đại học Vũ Hán, là một trong số đó.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Tài Tân (Trung Quốc), bác sĩ Bành Chí Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm và phán đoán cá nhân đối với phát hiện ban đầu về dịch bệnh, quan sát chu kỳ phát bệnh của bệnh nhân và sự cần thiết của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn:
Tài Tân: Bác sĩ tiếp xúc với ca bệnh viêm phổi do virus corona mới đầu tiên vào khi nào?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Vào ngày 6/1/2020, một bệnh nhân từ thành phố Hoàng Cương (Hồ Bắc) đã bị nhiều bệnh viện từ chối và được đưa đến Khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Trung Nam. Tôi có tham gia hội chẩn. Lúc đó, tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, hô hấp khó khăn. Tôi biết rằng bệnh nhân này đã mắc [viêm phổi do virus corona mới]. Chúng tôi đã thảo luận rất lâu về việc có nên tiếp nhận bệnh nhân này hay không. Nếu không tiếp nhận, anh ta sẽ không có nơi nào để đi cả; nếu tiếp nhận, nguy cơ lây nhiễm [trong bệnh viện] là rất cao và phải áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Cuối cùng chúng tôi quyết định tiếp nhận bệnh nhân này.
Tôi gọi cho Giám đốc bệnh viện, nói với ông ấy rằng, bệnh nhân này có khả năng lây nhiễm cho người khác, các biện pháp cách ly nhất định phải được thực hiện nghiêm ngặt theo các phương pháp bảo vệ đối với bệnh truyền nhiễm.
Các bệnh nhân khác trong phòng bệnh phải được sơ tán và phòng bệnh nên được cải tạo theo tiêu chuẩn điều trị SARS. Bố trí khu vực lây nhiễm, khu vực đệm, khu vực làm sạch, cách ly người bệnh với khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế.
Vào ngày 6/1, bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức Cấp cứu và khoa cũng được tiến hành cách ly cải tạo. Phòng chăm sóc đặc biệt ICU được cải tạo quy mô lớn với 66 giường bệnh, trong đó dành riêng một số giường cho bệnh nhân nhiễm virus corona mới.
Xét đến tính lây nhiễm của bệnh này, chắc chắn sẽ còn nhiều bệnh nhân nhập viện nên chúng tôi đã giữ lại khoảng 16 giường như vậy.
Chúng tôi tiến hành cải tạo cách ly khu vực lây nhiễm, ngay cả không khí cũng phải được cách ly, để không khí bên trong phòng không khuếch tán ra bên ngoài. Vào thời điểm đó, một số người nói rằng, giường bệnh trong phòng ICU của chúng tôi có hạn, quá lãng phí khi để lại 16 giường. Tôi nói không có gì lãng phí cả.
Tài Tân: Ngay đầu tháng 1, bác sĩ đã phán đoán [virus] rất có khả năng lây từ người sang người, hơn nữa đã thực hiện biện pháp cách ly trong bệnh viện. Khi đó, bác sĩ có báo cáo tình hình với cấp trên không?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Bệnh này thực sự đã lây lan rất nhanh. Đến ngày 10/1, 16 giường được chuẩn bị trong phòn ICU của chúng tôi đã đầy. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng như vậy nên tôi đã trao đổi với lãnh đạo bệnh viện, yêu cầu nhất định phải phản ánh lên cấp cao hơn.
Lãnh đạo bệnh viện cũng cảm thấy tình hình nghiêm trọng nên đã báo cáo với Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán. Vào giữa tháng 1, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã phái một nhóm chuyên gia gồm ba thành viên đến Bệnh viện Trung Nam điều tra. Nhóm chuyên gia nói rằng, các triệu chứng lâm sàng thực sự giống với SARS, nhưng họ vẫn nói về tiêu chuẩn chẩn đoán.
*Đọc nhanh: Xét nghiệm virus corona mất bao lâu?
Chúng tôi phản ánh rằng các tiêu chuẩn chẩn đoán đó quá khắt khe, rất ít người được chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn đó. Thời điểm đó, lãnh đạo bệnh viện đã báo cáo nhiều lần lên Ủy ban Y tế. Tôi biết rằng các bệnh viện khác cũng làm như vậy.
Trước đó, nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia đã tiến hành điều tra tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm và đưa ra một bộ tiêu chuẩn chẩn đoán như phải có lịch sử tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam, có triệu chứng sốt và xét nghiệm dương tính với virus. [Bệnh nhân] phải đáp ứng cả ba tiêu chí để được chẩn đoán là mắc bệnh. Yêu cầu thứ ba đặc biệt nghiêm ngặt. Trong thực tế, rất ít người có thể đi làm xét nghiệm virus.
Vào ngày 18/1, các chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia đã đến Vũ Hán, đến Bệnh viện Trung Nam để kiểm tra. Tôi lại nói với họ rằng, các tiêu chí chẩn đoán quá khắt khe, do đó rất dễ bỏ sót bệnh nhân thực sự. Đây là một bệnh truyền nhiễm, tiêu chí chẩn đoán quá chặt chẽ, sẽ để lọt người bệnh, rất nguy hiểm với xã hội. Sau khi nhóm chuyên gia thứ hai của Ủy ban Y tế Quốc gia tới, các tiêu chí chẩn đoán đã được thay đổi. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán tăng lên đáng kể.
Tài Tân: Tại sao bác sĩ phán đoán rằng virus corona mới sẽ truyền từ người sang người?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Dựa trên những kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức của một bác sĩ, tôi đánh giá, căn bệnh này sẽ là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất định phải thực hiện công tác bảo vệ ở mức độ cao nhất. Virus sẽ không thể lây lan bởi ý chí con người. Tôi cho rằng, chúng ta phải tôn trọng tinh thần khoa học và hành động theo khoa học. Theo yêu cầu của tôi, phòng ICU của Bệnh viện Trung Nam đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và chỉ có hai người trong khoa bị nhiễm virus corona mới.
Tính đến ngày 28/1, trong số toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện, chỉ có 40 người bị nhiễm bệnh. So với các bệnh viện khác, tỷ lệ này là rất nhỏ. Chúng tôi rất đau đớn vì dịch bệnh do virus corona mới đã phát triển đến mức độ ghê gớm như vậy. Nhưng ưu tiên bây giờ là trị bệnh cứu người, dốc toàn lực để cứu sống người bệnh.
Tài Tân: Theo kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, virus corona mới phát triển như thế nào?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Trong thời gian này, ban ngày tôi quan sát bệnh ở phòng ICU, sau đó thực hiện một số nghiên cứu vào buổi tối. Tôi vừa viết xong một luận án. Tôi đã sử dụng dữ liệu mẫu từ 138 trường hợp của Bệnh viện Trung Nam từ ngày 7/1 đến ngày 28/1, cố gắng tổng kết một số quy luật của virus corona mới.
Nhiều virus sẽ tự chết sau một khoảng thời gian nhất định, đây là tính tự giới hạn.
Tôi quan sát thấy rằng thời gian phát tác của virus corona mới thường là ba tuần, từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi hô hấp khó khăn, nghĩa là từ triệu chứng nhẹ đến nặng, thường mất một tuần.
Các triệu chứng nhẹ rất đa dạng, mệt mỏi, khó thở, một số người bị sốt, một số thì không. Theo nghiên cứu của chúng tôi trên 138 trường hợp, các triệu chứng phổ biến nhất ở giai đoạn đầu là sốt (98,6%), mệt mỏi (69,6%), ho (59,4%), đau cơ (34,8%) và khó thở (31,2%). ). Các triệu chứng ít phổ biến hơn là đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa.
Nhưng [tình trạng của] một số bệnh nhân sẽ đột nhiên trở nên tồi tệ hơn sau khi bước vào tuần thứ hai. Thông thường, [nếu bệnh nhân] xuất hiện tình trạng suy hô hấp tức bệnh đã rất nặng. Ở giai đoạn này, người bệnh phải nhập viện. Người cao tuổi mắc các bệnh lý cơ bản có thể gặp phải các biến chứng, một số có thể cần đến máy trợ thở, suy đa tạng, đó là khi bệnh trở nên nguy kịch; trong khi những người có hệ miễn dịch tốt sẽ chuyển biến tích cực, dần phục hồi. Vì vậy, tuần thứ hai là một bước ngoặt quyết định liệu bệnh có trở nên nguy kịch hay không.
Tuần thứ ba là một bước ngoặt xác định liệu tình trạng nguy kịch có dẫn đến tử vong hay không. Sau quá trình điều trị, nếu bệnh nhân nguy kịch có số lượng tế bào lympho tăng, hệ thống miễn dịch dần được cải thiện, tức đã được cứu; những người bệnh có số lượng tế bào lympho giảm, hệ thống miễn dịch cuối cùng cũng bị phá hủy, suy đa tạng, sẽ tử vong.
Nói chung, đối với những bệnh nhân bình thường, có thể được cứu chữa trong hai tuần; đối với những bệnh nhân nặng và nguy kịch, nếu có thể chống chọi trong vòng ba tuần, họ sẽ phục hồi, nếu không vượt qua thời gian này, sẽ tử vong.
Tài Tân: Bác sĩ có thể cho biết thêm chi tiết về nghiên cứu lâm sàng? Tỷ lệ virus corona mới phát triển từ nhẹ đến nặng và tỷ lệ phát triển từ nặng đến nguy kịch cao bao nhiêu? Tỷ lệ tử vong cao bao nhiêu không?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Dựa trên những quan sát lâm sàng, căn bệnh này thực sự rất dễ lây, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Hầu hết bệnh nhân ở vào giai đoạn nguy kịch là người già mắc các bệnh lý cơ bản. Tính đến ngày 28/1, trong số 138 trường hợp, có 36 trường hợp ở ICU, 28 trường hợp đã được phục hồi và xuất viện, 5 trường hợp tử vong, điều đó có nghĩa là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nặng là 3,6%.
Hôm qua (3/2), thêm một bệnh nhân đã tử vong, đưa tỷ lệ tử vong lên 4,3%. Bởi vì vẫn còn bệnh nhân nằm điều trị ở ICU, có thể vẫn sẽ có trường hợp tử vong nên tỷ lệ tử vong có khả năng tăng lên nhưng không đáng kể.
Bệnh viện tiếp nhận đa phần là bệnh nhân nặng, nguy kịch, những bệnh nhân nhẹ thường được cách ly ở nhà. Chúng tôi chưa thu thập dữ liệu về tỷ lệ các trường hợp phát triển từ nhẹ đến nặng; nếu phát triển từ nặng đến nguy kịch, bệnh nhân sẽ được gửi đến ICU.
Trong số 138 bệnh nhân, 36 bệnh nhân đã được chuyển đến ICU, điều đó có nghĩa là tỷ lệ bệnh nặng tới nguy kịch là 26% và tỷ lệ bệnh nguy kịch đến tử vong là khoảng 15%.
Ngoài ra, thời gian trung bình từ khi xuất hiện các triệu chứng (nhẹ) đến khi chuyển sang nguy kịch là khoảng 10 ngày. 28 trường hợp đã hồi phục và được xuất viện, tỷ lệ chữa khỏi hiện tại là 20,3%, các bệnh nhân khác vẫn ở lại bệnh viện để điều trị.
Điều đáng chú ý là trong số 138 trường hợp, có 12 trường hợp có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, 57 trường hợp bị lây nhiễm ở bệnh viện, bao gồm 17 bệnh nhân và 40 nhân viên y tế (dữ liệu tính đến ngày 28/1). Điều này cho thấy, bệnh viện là khu vực lây nhiễm cao và phải được bảo đảm tốt.
Tài Tân: Nguy cơ lớn nhất đối với bệnh nhân ở giai đoạn nguy kịch là gì?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Đòn tấn công lớn nhất của virus corona mới là tấn công hệ thống miễn dịch của con người, dẫn đến suy giảm tế bào lympho, suy giảm chức năng phổi và suy hô hấp. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn nguy kịch đã tử vong do nghẹt thở. Cũng có nhiều bệnh nhân tử vong do có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến biến chứng ở nhiều cơ quan, suy đa tạng.
Tài Tân: Một bệnh nhân 39 tuổi nhiễm virus corona mới ở Hồng Kông bất ngờ ngừng tim và tử vong ngay sau đó. Nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra. Một số bệnh nhân không [có dấu hiệu] nguy hiểm ở giai đoạn đầu nhưng đột ngột qua đời. Có chuyên gia cho rằng những người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch tốt hơn nhưng phản ứng lại dữ dội hơn, khiến các cytokine xung đột quá mức với hệ miễn dịch, phản ứng viêm quá mức cuối cùng dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong. Bác sĩ có phát hiện hiện tượng này trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc virus corona mới không?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Dựa trên quan sát lâm sàng của tôi, 1/3 số người sẽ bị viêm toàn thân, nó không nhất định giới hạn ở những người trẻ tuổi. Cơn bão cytokine (cytokine storm) chỉ là một khái niệm lý thuyết, có biểu hiện lâm sàng là gây viêm toàn thân, dẫn đến suy đa tạng, tình trạng bệnh trở nên nguy kịch. Ở một số bệnh nhân, quá trình này diễn ra rất nhanh, thời gian phát triển đến mức nguy kịch chỉ trong 2-3 ngày.
Tài Tân: Đối với bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ điều trị như thế nào?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Bệnh nhân nguy kịch chủ yếu là suy hô hấp. Phương pháp chính là cung cấp oxy. Thông thường áp dụng phương pháp cung cấp oxy lưu lượng cao, tiếp theo là cung cấp oxy thông qua máy trợ thở CPAP. Nếu tình trạng bệnh nhân xấu đi, họ tiếp tục được cung cấp oxy qua ống nội khí quản. Trường hợp cuối cùng sẽ được sử dụng phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO. Chúng tôi đã bốn lần sử dụng ECMO để cứu sống bệnh nhân.
Ở giai đoạn hiện tại, chưa có thuốc đặc trị virus corona mới. Nhiệm vụ chính của phòng ICU là giúp bệnh nhân duy trì các chức năng cơ thể. Các bệnh nhân khác nhau có các triệu chứng khác nhau. Bệnh nhân suy hô hấp sẽ được cung cấp oxy. Bệnh nhân suy thận sẽ được lọc máu. Các bệnh nhân hôn mê sẽ được áp dụng phương pháp ECMO. Bệnh nhân thiếu gì, chúng tôi sẽ bổ sung thứ đó để duy trì mạng sống, chờ tế bào lympho của bệnh nhân tăng lên và hệ miễn dịch dần hồi phục thì virus có thể được loại bỏ.
*Tin vui là vào ngày 7/2 vừa qua, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã công bố nuôi cấy thành công virus corona mới.Với việc này mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết. Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai. Xem chi tiết tại đây.
Nếu số lượng tế bào lympho của bệnh nhân tiếp tục giảm, điều đó rất nguy hiểm vì virus sẽ tiếp tục nhân lên, phá hủy hoàn toàn hệ miễn dịch của bệnh nhân và rất khó để cứu chữa.
Tài Tân: Hiện nay có nhiều thông tin về một số loại thuốc ức chế virus corona mới. Mọi người đang đặt kỳ vọng vào tác dụng của thuốc Remdesivir do Mỹ sản xuất. Bệnh nhân nhiễm virus corona mới đầu tiên ở Mỹ đã dần hồi phục sau khi được điều trị bằng Remdesivir. Bác sĩ nghĩ gì về các loại thuốc này?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Hiện tại, không có thuốc đặc trị virus corona mới. Một số bệnh nhân có thể phục hồi sau khi dùng một số loại thuốc nhất định, kết hợp các phương pháp điều trị khác nhưng hiệu quả trong những trường hợp riêng lẻ không có nghĩa là nó có hiệu quả trong mọi trường hợp và nó cũng liên quan đến tình trạng bệnh, thể chất của từng người bệnh.
Mọi người mong muốn có thuốc đặc trị, đó là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cần thận trọng.
Tài Tân: Bác sĩ có gợi ý nào cho việc điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona mới không?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Đối với bệnh viêm phổi do virus corona mới, cách hiệu quả nhất là kiểm soát nguồn lây nhiễm, ngăn chặn sự lây lan và ngăn ngừa lây từ người sang người. Đối với bệnh nhân nhiễm virus corona, cần nghiên túc đến các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm, điều trị sớm. Một khi bệnh trở nên nghiêm trọng phải nhập viện. Giữa tình trạng bệnh nhẹ đến nặng, việc kiểm soát tương đối dễ dàng; tình trạng nguy kịch sẽ khó điều trị hơn rất nhiều và cần nhiều tài nguyên y tế. Đối với những bệnh nhân nguy kịch, cần dùng đến các biện pháp của ICU để giảm tỷ lệ tử vong.
Tài Tân: Bác sĩ đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch? Có bao nhiêu người đã hồi phục?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Tính đến ngày 4/2, sáu bệnh nhân nguy kịch được đưa vào phòng ICU của Bệnh viện Trung Nam đã tử vong, hơn 80% đang dần phục hồi, gần 1/4 đã được xuất viện và một số vẫn đang hồi phục tại các phòng cách ly.
Tôi ấn tượng nhất với một bệnh nhân người Hoàng Cương. Anh ta là trường hợp đầu tiên được cứu sống ở bệnh viện Trung Nam bằng phương pháp ECMO. Anh ta có lịch sử tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam, tình trạng rất nghiêm trọng. Anh ta được chuyển đến ICU khi tình trạng bệnh rất nguy kịch. Chúng tôi đã cứu anh ta bằng ECMO. Vào ngày 28/1, bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.
Tài Tân: Tiến độ và trạng thái công việc của các bác sĩ hiện nay như thế nào?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Công việc trong phòng ICU đang bị quá tải. ICU của Bệnh viện Trung Nam có ba khu, có 150 bệnh nhân và 66 giường. Kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus corona mới vào ngày 7/1, chúng tôi đã không nghỉ phép mà thay ca làm việc liên tục, thậm chí có nữ nhân viên đang mang thai cũng không nghỉ phép. Đặc biệt là sau khi dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, không một nhân viên y tế nào của chúng tôi về nhà. Chúng tôi nghỉ ngơi trong một khách sạn gần bệnh viện hoặc khu vực nghỉ ngơi [cho nhân viên] trong bệnh viện.
Trong phòng cách ly, chúng tôi mặc quần áo bảo hộ ba lớp. Các bác sĩ làm việc 12 giờ/ca, y tá làm 8 giờ/ca. Vì đồng phục bảo hộ đang rất thiếu nên mỗi nhân viên y tế chỉ có một bộ/ngày. cho nên trong thời gian làm việc chúng tôi cố gắng không ăn uống, nhằm hạn chế đi vệ sinh [vì mỗi lần như thế] đồ bảo hộ sẽ bị rách. Việc mặc quần áo bảo hộ dày, bí, khiến toàn thân căng cứng. Ban đầu rất khó chịu nhưng hiện nay chúng tôi đã quen rồi.
Tài Tân: Bác sĩ đã gặp phải một khoảnh khắc đặc biệt nguy hiểm chưa? Chẳng hạn, đặt nội khí quản cho bệnh nhân, làm thế nào để bảo vệ nhân viên y tế không bị lây nhiễm?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Virus corona mới là một loại virus mới. Chúng tôi chưa nắm chắc được bản chất và con đường lây lan của nó. Nói không sợ hãi là nói dối và nhân viên y tế ít nhiều đều lo lắng. Nhưng bệnh nhân rất cần chúng tôi. Khi bệnh nhân bị suy hô hấp, việc cung cấp oxy thông qua máy trợ thở CPAP thất bại, chúng tôi phải áp dụng đặt nội khí quản.
Đặt nội khí quản cho bệnh nhân là một thao tác rất rủi ro. Nếu bọt của bệnh nhân bắn ra, có thể tiếp xúc với nhân viên y tế, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm. Chúng tôi nghiêm ngặt yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ mức độ bảo vệ cao nhất. Vấn đề lớn nhất là thiếu quần áo bảo hộ. Hàng trong kho của bệnh viện đã được ưu tiên cho nhân viên y tế của phòng ICU, nhưng kho hàng cũng đang cạn kiệt.
Tài Tân: Có điều gì thực sự khiến bác sĩ cảm động? Bác sĩ đã từng khóc chưa?
Bác sĩ Bành Chí Dũng: Có một thời gian tôi thường xuyên khóc vì rất nhiều bệnh nhân - đang đau đớn vì bệnh tật - không thể nhập viện. Họ gào khóc trước cổng bệnh viện, thậm chí có bệnh nhân còn quỳ xuống, cầu xin tôi cho anh ta nhập viện. Nhưng giường bệnh đã đầy, tôi cũng không còn cách nào khác, chỉ có thể kiên quyết từ chối, rồi lặng lẽ gạt nước mắt qua một bên. Giờ đây, nước mắt tôi đã cạn, người dân của chúng ta khổ quá. Nhưng bây giờ tôi cũng không có ý tưởng nào khác, chỉ muốn dốc sức mình để cứu được nhiều người bệnh hơn.
Điều khiến tôi cảm thấy đáng tiếc nhất là trường hợp một thai phụ đến từ Hoàng Cương, tình trạng bệnh rất nghiêm trọng. Cô ấy tiêu tốn gần 200.000 NDT (khoảng 700 triệu VND) sau hơn một tuần điều trị ở phòng ICU. Cô ấy đến từ nông thôn và tiền nhập viện được vay từ người thân và bạn bè..
Tình trạng của cô ấy đã được cải thiện sau khi sử dụng ECMO và có khả năng sống sót. Nhưng người chồng quyết định từ bỏ việc điều trị. Anh khóc, tôi cũng khóc vì tôi cảm thấy có hy vọng cứu sống cô ấy. Cuối cùng, người phụ nữ đã chết sau khi chồng cô bỏ cuộc. Và vào đúng ngày hôm sau, chính phủ đã công bố một chính sách mới, tất cả những bệnh nhân nhiễm virus corona mới sẽ được điều trị miễn phí. Tôi cảm thấy đáng tiếc cho thai phụ đó.
Phó trưởng khoa tôi cũng khóc khi kể cho tôi một câu chuyện: Bệnh viện chỉ định hỗ trợ của Bệnh viện Trung Nam là Bệnh viện số 7 Vũ Hán. Anh đã đến đó để giúp đỡ phòng ICU của họ và thấy rằng 2/3 nhân viên y tế phòng ICU của bệnh viện đó đã bị lây nhiễm.
Anh nói với tôi về tình cảnh thảm thương của ICU bên đó. Các bác sĩ đều trong tình trạng được ví như "khỏa thân" trước virus do thiếu vật liệu bảo vệ, thiếu phương pháp y tế, biết rõ sẽ bị lây nhiễm nhưng vẫn xông lên. Đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi thực chẳng dễ dàng gì.
*Trong phòng tránh virus corona thì việc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hay tiếp xúc với nhóm nguy cơ lây nhiễm cao là điều bắt buộc.
Cập nhật nhanh những diễn biến mới nhất về Tâm dịch Vũ Hán TẠI ĐÂY.
Trí thức trẻ
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai