MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược "sống sót" của Huawei phát huy hiệu quả

01-04-2021 - 06:07 AM | Thị trường

Giới phân tích tin rằng "bài test" cho Huawei vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay.

Ngày 31/3/2021, Huawei chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2020. Sau một năm "sóng gió" khi chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận từ Mỹ cũng như đại dịch, thông tin về doanh thu, lợi nhuận của Huawei thu hút sự quan tâm lớn của báo chí quốc tế.

Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết doanh thu của Huawei năm 2020 đạt 891,4 tỷ yuan (136,7 tỷ USD), tăng 3,8% so với năm 2019. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 19% một năm trước đó.

Trung Quốc vẫn là thị trường chứng kiến tăng trưởng tích cực nhất của Huawei. Tổng doanh thu của Huawei tại Trung Quốc đạt 584,9 tỷ yuan (89,7 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm 2019. Doanh thu từ Trung Quốc cũng chiếm hơn 65% tổng doanh thu của Huawei. Trong khi đó, doanh thu từ Mỹ chỉ chiếm 4,4%, châu Á Thái Bình Dương là 7,2%. Lợi nhuận của Huawei trong năm 2020 đạt 64,6 tỷ yuan (9,9 tỷ USD), tăng 3,2% so với năm trước.

Sóng gió bủa vây trong năm 2020, Huawei tăng trưởng gần 4% - Ảnh 1.

Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei.

Giới phân tích đánh giá màn tăng trưởng của Huawei cho thấy "chiến lược sống sót" của Huawei đã phát huy hiệu quả, bao gồm việc điều chỉnh các mảng kinh doanh. Tuy nhiên, họ tin rằng "bài test" cho Huawei vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay.

Năm 2020, doanh thu mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei - gồm các sản phẩm như smartphone, thiết bị thông minh – tăng trưởng 3,3% trong khi một năm trước đó, mảng này tăng trưởng 34%. Mảng thiết bị viễn thông tăng 0,2% trong khi mảng doanh nghiệp tăng 23%.

Tại buổi công bố báo cáo tài chính, ông Ken Hu cũng khẳng định chiến lược của Huawei vẫn sẽ không thay đổi trước những biến cố gần đây. Hãng sẽ tập trung vào phát triển hạ tẩng ICT với 2 xu hướng chính là kết nối và điện toán.

Nói về bài toán ứng biến của Huawei trước những khó khăn trong năm 2020, đại diện Huawei cho biết hãng tập trung đa dạng hoá chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung linh kiện; đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo cũng như nỗ lực đến từ chính đội ngũ nhân viên của Huawei trên toàn cầu.

Cũng theo đại diện Huawei, việc liên tục đầu tư mạnh vào R&D mỗi năm (đầu tư cho R&D chiếm 15% doanh thu của Huawei trong năm 2020) là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của hãng tăng trưởng không ấn tượng trong vài năm qua. Năm 2020, Huawei chi 141,9 tỷ yuan (21,6 tỷ USD).

Trả lời báo chí quốc tế về kế hoạch phát triển mảng kinh doanh smartphone trong tương lai, ông Ken Hu cho biết chưa thể đưa ra dự báo về tương lai khi chưa nhìn thấy bức tranh rõ ràng về chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Huawei cam kết vẫn phát triển các sản phẩm smartphone mới và tung ra thị trường theo lộ trình.

Vị đại diện Huawei cũng không quên nhắc về lệnh cấm vận của Mỹ như là một "quyết định chính trị gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng". "Mỗi năm Huawei mua 10-20 tỷ USD linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ. Quyết định mang tính chính trị từ Mỹ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn bị ảnh hưởng. Chúng tôi chưa nhìn ra đơn vị nào được hưởng lợi từ quyết định này. Nếu một quyết định chính trị gây ảnh hưởng lớn đến toàn chuỗi cung ứng, nó cần phải được xem xét, điều chỉnh".

Năm 2019, Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" những công ty có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Điều này hạn chế các công ty của Mỹ bán linh kiện, công nghệ cho Huawei. Quyết định lập tức gây ảnh hưởng lớn đến Huawei, đặc biệt là mảng sản xuất thiết bị di động. Ở thời điểm trước cấm vận, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới (tính theo thị phần). Đến quý IV/2020, Huawei ra khỏi top 5 nhà sản xuất hàng đầu.

Thành Duy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên