MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến thắng vang dội của 'Ký sinh trùng' và sức mạnh mềm của Hàn Quốc

13-02-2020 - 09:53 AM | Tài chính quốc tế

Quyền lực mềm của Hàn Quốc trong lĩnh vực văn hóa vừa được chứng tỏ rõ rệt hơn bao giờ hết qua chiến thắng của bộ phim "Ký sinh trùng".

"Ký sinh trùng", một bộ phim bi hài kịch về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc trở thành bộ phim tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar danh giá cho phim hay nhất. Bộ phim do Barunson Entertainment & Arts Corp có trụ sở tại Seoul sản xuất với chi phí 11 triệu USD đã đánh bại các bộ phim Hollywood có chi phí sản xuất gấp 9-10 lần.

Chiến thắng của bộ phim đã tạo nên làn sóng chúc mừng rầm rộ trên mạng ở Hàn Quốc và đánh dấu một bước ngoặt cho nền giải trí nước này, khiến phim ảnh, K-Pop và các bộ phim truyền hình trở thành quyền lực mềm đầy sức mạnh của Hàn Quốc.

Xuất khẩu văn hóa cũng đang trở nên quan trọng hơn với nền kinh tế Hàn Quốc vốn đang tách dần khỏi các ngành công nghiệp sản xuất từng giúp khôi phục đất nước sau chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc nói riêng mang về 2 tỷ USD vào năm 2018, theo số liệu mới nhất do Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, thuộc Bộ Văn hóa nước này, công bố.

"Ký sinh trùng" đến nay đã thu về 165 triệu USD tại phòng vé, con số sẽ còn tăng lên sau giải Oscar khi bộ phim dự kiến sẽ tiếp tục được chiếu các rạp chiếu của Mỹ dù lịch chiếu đã gần kết thúc. Vào năm 2017, bộ phim Moonlight sau khi đoạt giải phim hay nhất đã thu về 65 triệu USD trong khi chi phí sản xuất chỉ ở mức 4 triệu USD.

Niềm tự hào của tổng thống

Tại Hàn Quốc, chiến thắng của bộ phim "Ký sinh trùng" nhận được những lời chúc mừng rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter. "Hàn Quốc đã làm được, Hàn Quốc đã làm nên lịch sử", Joh Chu, nhà làm phim người Mỹ gốc Hoa, viết trên Twitter, trong khi Wonsuk Chin, đạo diễn người Hàn Quốc, mô tả chiến thắng là "siêu thực".

Chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng và sức mạnh mềm của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Đạo diễn Boong Joon-ho nhận tượng vàng Oscar tối 9/2 tại Los Angeles. Ảnh: Getty Images

Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đăng tweet thể hiện niềm tự hào của ông trước thành công của bộ phim, niềm tự hào dành cho đạo diễn Bong Joon-ho, các diễn viên và đoàn làm phim.

"Mang về tượng vàng Oscar sau khi giành giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm ngoái, được coi như kết quả của những nỗ lực của các nhà làm phim Hàn Quốc trong suốt 100 năm qua. Tôi rất vui mừng khi các nhà làm phim Hàn Quốc sánh vai cùng các nhà làm phim các nước khác để mở ra khởi đầu mới cho 100 năm tới của điện ảnh Hàn Quốc", Tổng thống Moon viết.

Cổ phiếu của Barunson Entertainment đã tăng vào ngày 11/2 tại Seoul sau khi tăng 19% vào ngày trước đó. Cổ phiếu của nhà đầu tư và quảng bá cho bộ phim, tập đoàn CJ, cũng tăng 4,3% trong ngày 11/2.

"Đây sẽ là bước ngoặt cho các bộ phim Hàn Quốc phát triển trên toàn cầu", Kim Young-ho, người phát ngôn của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, nói. "Đây là thành tựu ấn tượng nhất".

"Ký sinh trùng" kể về câu chuyện của một gia đình thất nghiệp cố chen chân vào cuộc sống của những người giàu có để hưởng thụ những thứ họ không thể có. Một bộ phim nước ngoài giành giải Oscar phim hay nhất cũng đánh dấu bước đột phá trong lịch sử của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ khi tổ chức này bị chỉ trích những đánh giá và trao giải thiếu tính đa dạng.

"Ký sinh trùng" cũng đánh bại các đối thủ khác như "Once Upon a Time in... Hollywood", bộ phim có chi phí sản xuất 95 triệu USD, và "1917" bộ phim đúng gu để đoạt giải cũng có chi phi sản xuất tương tự.

Ngoài tượng vàng Oscar cho phim hay nhất, "Ký sinh trùng" còn giành được các giải thưởng quan trọng khác gồm đạo diễn xuất sắc nhất, phim nước ngoài xuất sắc nhất và kịch bản gốc xuất sắc nhất.

"Đây chắc chắn là một sự kiện sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu cho các nội dung Hàn Quốc, mở cửa biên giới cho các bộ phim - không chỉ phim truyền hình hay K-Pop", Sang-Woung Han, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, nói.

Bệ phóng cho ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

Giới điện ảnh ca ngợi Miky Lee, phó chủ tịch tập đoàn CJ, cho thành công của bộ phim. Tập đoàn CJ là nhà sản xuất các chương trình truyền hình và những bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc cũng như các dịch vụ mua sắm thực phẩm tại nhà. Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục giúp đỡ các bộ phim của Hàn Quốc xâm nhập thị trường toàn cầu.

Bà Lee, 55 tuổi, cháu của của nhà sáng lập Samsung, là người quảng bá không ngừng cho đạo diễn Bong Joon-ho và các đạo diễn và diễn viên Hàn Quốc khác.

"Ký sinh trùng giành giải phim hay nhất bởi nó đã truyền tải thành công vấn đề phổ biến về phân cực trong xã hội", Jeon Chanil, nhà phê bình phim lâu năm của Hàn Quốc, nói.

Chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng và sức mạnh mềm của Hàn Quốc - Ảnh 2.

Bà Miky Lee và các thành viên đoàn làm phim "Ký sinh trùng" trên sân khấu lễ trao giải Oscar. Ảnh: Getty Images

Hai bộ phim trước của đạo diễn Bong là "Snowpiercer" và "Okja" không thực sự thành công ở phòng vé ở Mỹ, tuy nhiên hiện tại đây là hai trong những bộ phim nổi tiếng trên trên Netflix.

Nhận giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất vào đêm 9/2 tại Los Angeles, ông cho biết chưa từng nghĩ sẽ chiến thắng. Sau đó, trả lời báo chí trong hậu trường, ông nói rằng ông mong muốn chiến thắng của một bộ phim không nói tiếng Anh sẽ không còn là chuyện hiếm trong các cuộc đua những năm sau.

"Cảm giác thật lạ. Tôi cảm thấy như có cái gì đó sẽ đập mạnh vào tôi để tôi thức dậy khỏi giấc mơ này", Bong nói.

Sức mạnh mềm của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển của Hàn Quốc, trở thành một cường quốc giải trí với những nhóm nhạc nổi tiếng khắp thế giới, quảng bá nhạc làn sóng K-Pop ra toàn cầu.

Ngành công nghiệp truyền hình với các bộ phim tình cảm dài tập cũng vô cùng được yêu thích tại các nước châu Á, thậm chí cả một thị trường khó thuyết phục như Trung Quốc.

Trước "Ký sinh trùng", cũng từng có các sản phẩm khác thu hút sự chú ý của khán giả phương Tây. Năm 2016, bộ phim về zombie "Train to Busan" ra mắt tại Liên hoan phim Cannes. Giống như "Ký sinh trùng", nó cũng càn quét các giải thưởng, xâm nhập vào thị trường quốc tế và được ca ngợi vì phản ảnh hiện thực bất bình đẳng xã hội.

Với nhiều người nước ngoài, đây là lần đầu tiên họ xem một bộ phim kinh dị của Hàn Quốc, bộ phim được cho là đã đưa hình ảnh Hàn Quốc vào tiềm thức của khán giả phương Tây và mở đường cho các bộ phim tiếp theo trong tương lai.

Không chỉ phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc, mỹ phẩm và thời trang Hàn Quốc cũng hiện diện ngày một rõ nét ở nước ngoài trong những năm trở lại đây.

K-pop từ lâu cũng đã được khán giả phương Tây đón nhận dù với tâm thế khác lạ. Gần đây, nó đã nổi lên là đối thủ nặng ký của nền âm nhạc Mỹ, với các nhóm nhạc K-pop liên tục phá các kỷ lục trên Youtube và trên các kênh truyền thông truyền thống như chương trình "The Tonight Show" and "Good Morning America" trên truyền hình.

Nhóm BTS, nhóm nhạc nam lớn nhất thế giới hiện nay, thậm chí còn giành giải thưởng âm nhạc Billboard năm 2017, đánh bại các ngôi sao ca nhạc Mỹ như Selena Gomez, Ariana Grande và Shawn Mendes.

Sự thành công của Baby Shark, một video clip thịnh hành trên YouTube hướng tới khán giả là trẻ em đã sinh ra một đế chế hàng hóa sau đó cũng cho thấy Hàn Quốc đang ghi dấu ấn ở các nội dung trực tuyến.

Hàn Quốc cũng được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và làm đẹp với người tiêu dùng mỹ phẩm Hàn Quốc ở khắp các nước phương Tây. Các tạp chí thời trang hàng đầu như Vogue và Elle hiện tại cũng thường xuyên giới thiệu các sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng công nhận lực lượng và tiềm năng xuất khẩu văn hóa như âm nhạc và phim ảnh, đồng thời cũng ủng hộ việc quảng bá văn hóa, coi đó là sức mạnh mềm và là một biện pháp để nâng cao danh tiếng quốc gia.

Tham khảo Bloomberg, CNN

Vũ Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên