Chiến tranh thương mại chưa kịp qua đi, một cuộc chiến khác có thể làm thế giới lao đao
Đó là chiến tranh lạnh công nghệ.
- 26-07-2019Tỷ phú đầu cơ Kyle Bass: Sẽ không có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, FED giảm lãi suất cũng chẳng mấy hiệu quả
- 24-07-2019Quan chức Mỹ sắp bay sang Trung Quốc để đàm phán thương mại
- 21-07-2019Ông Trump tỏ lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc
- 20-07-2019"Vỡ mộng" với tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, thế giới bước vào chiến tranh tiền tệ?
- 17-07-2019Giao hàng công nghệ: Từ cánh tay phải của thương mại điện tử đến "quả bom nổ chậm" đe dọa các thành phố lớn trên thế giới
Lần đầu tiên kể từ tháng 5, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán thương mại trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là rủi ro chính của các thị trường chứng khoán. Dù đôi bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhưng theo chuyên gia kinh tế của BNP Paribas, cơn ác mộng vẫn chưa thực sự kết thúc.
Ngay cả khi có thể đạt được thỏa thuận, cuộc chiến thương mại vẫn để lại một hậu quả là "chiến tranh lạnh công nghệ".
"Chúng ta dường như sẽ có một thỏa thuận thương mại tạm thời trong vài tháng tới", Chi Lo, chuyên gia kinh tế cao cấp của BNP Paribas, cho biết. Tuy nhiên, đó chỉ có nghĩa là điểm khởi đầu của những cuộc đàm phán dài hạn, nhằm giải quyết những vấn đề sâu xa hơn trong mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Ông Trump sử dụng công cụ thuế quan như cách để giải quyết các vấn đề khác nhau ngoài thương mại, trong đó có an ninh quốc gia của Mỹ và mối đe dọa từ việc ép buộc chuyển giao công nghệ mà phía Trung Quốc đang áp dụng với các tập đoàn Mỹ. Khi đạt thỏa thuận tạm thời, các rủi ro về mặt vĩ mô sẽ giảm xuống và thị trường ít biến động hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến công nghệ dường như không nằm trong số đó.
Tranh chấp thương mại kéo dài sẽ làm tổn thương lĩnh vực công nghệ. Theo Lo, những bất đồng trong lĩnh vực này khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Thậm chí, bất chấp những bước tiến trong đàm phán thương mại, mỗi quan hệ trong giới công nghệ sẽ "lạnh hơn" vào những tháng, thậm chí là những năm tới.
Hôm 24/7, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế chủ yếu xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia, tương đương với vấn đề kinh tế. Nằm hàng đầu trong số những vấn đề mà Washington coi là rủi ro với an ninh quốc gia của Mỹ chính là những tranh chấp xung quanh gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei.
Là một công ty viễn thông và điện tử tiêu dùng, Huawei đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua phát triển mạng 5G. Đó là công nghệ hứa hẹn mang lại cho Internet kết nối nhanh hơn, xử lý tốt hơn các nội dung nặng như video độ phân giải cực cao, thậm chí là kết nối mạng cho những chiếc xe tự lái.
Trong thời đại của dữ liệu lớn và kết nối Internet, việc triển khai mạng 5G là một trong những phần cốt lõi trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi được hỏi về nguy cơ xảy ra một cuộc đấu tay đôi xung quanh lĩnh vực 5G, trong đó tạo ra các hệ thống riêng biệt do Bắc Kinh và Washington dẫn đầu, Lo cho biết đó là một hướng mà cuộc chiến tranh lạnh công nghệ có thể dẫn tới.
"Nếu chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ tiếp diễn, tôi nghĩ sẽ có sự phân cực với các hệ thống viễn thông 5G. Trung Quốc có thể triển khai hệ thống ở châu Á hoặc khu vực mà Bắc Kinh có ảnh hưởng. Về phần mình, Mỹ có thể phát triển mạng 5G ở các nước phương tây hoặc các quốc gia phát triển trên toàn thế giới", Lo nhận định.