Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung hay cuộc đấu của riêng ông Trump với ông Tập Cận Bình
Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều chọn cách không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
- 15-05-2019Diễn biến dai dẳng hơn 1 năm và vẫn còn tiếp diễn, đâu là cái kết của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
- 14-05-2019Boeing có thể là con tốt thí trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
- 14-05-2019Ông Trump chi thêm 15 tỷ USD giúp nông dân Mỹ vượt chiến tranh thương mại
- 14-05-2019Lo sợ chiến tranh thương mại, quỹ 28 tỷ USD của chính phủ Thái Lan tránh xa chứng khoán
"Cuộc đấu tay đôi" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Nó không còn là cuộc đối đầu giữa một siêu cường đang trỗi dậy với một siêu cường nhiều năm lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Nó đã trở thành cuộc đấu cân não giữa hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới mà mỗi người trong số họ đều có những lợi ích chính trị không thể nhượng bộ. Điều này làm sâu sắc thêm những xung đột hơn là nhanh chóng xoa dịu nó.
Cả ông Trump và ông Tập đều cho mình là kẻ mạnh. Thực sự, họ rất mạnh. Họ có thể tạo ra những làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu với những quyết sách của mình. Những dòng thông điệp của ông Trump hay những sách lược kinh tế của Trung Quốc đã khẳng định điều đó.
Cả ông Trump và ông Tập đều rất coi trọng thể diện quốc gia trong thời điểm quan trọng giữa mối quan hệ Mỹ - Trung. Thời khắc này được mô tả là lịch sử bởi sự thách thức quyền lực mà siêu cường mới nổi dành cho một siêu cường đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Đó là cuộc cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết.
Việc Trung Quốc đột ngột muốn đảo ngược quá trình đàm phán khi thỏa thuận thương mại gần như đã đạt được cho thấy khoảng cách giữa đôi bên đang ngày càng xa. Việc nâng thuế khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên phức tạp hơn, đe dọa tương lai các cuộc đàm phán thương mại.
Với ông Trump, việc Trung Quốc dung túng cho trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ và hỗ trợ không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước là điều không thể chấp nhận được. Ông Trump muốn Trung Quốc sửa luật để đảm bảo sự thay đổi. Ông Trump nghĩ rằng sức mạnh của kinh tế Mỹ sẽ mang cho ông những lợi thế trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Tập lại cho rằng những đòi hỏi của Mỹ là một sự xâm phạm với chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không muốn phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện có, vốn mang lại cho Trung Quốc nhiều cú đột phá tăng trưởng trong 20 năm qua.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus nhận định: "Bắc Kinh cảm thấy không cần phải nhượng bộ. Thêm vào đó, giữ thể diện là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn tỏ ra lùi bước. Tôi không nghĩ người Mỹ hiểu được điều đó".
Với những gì đang có, cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 giữa ông Trump và ông Tập có thể sẽ không thay đổi được gì. Cái người ta cần bây giờ là việc Mỹ - Trung Quốc thu hẹp khoảng cách để các nhà lãnh đạo có thể tìm được tiếng nói chung.
Một trong những lý do tại sao tranh chấp thương mại có thể kéo dài là vì ông Trump dường như thực sự tin rằng ông đang chiến thắng. Bị thuyết phụ bởi tính ưu việt của nền kinh tế Mỹ mạnh, có thể chịu đựng được những cú sụt giảm trên thị trường chứng khoán, thuế quan là công cụ ưa thích mà ông Trump liên tục sử dụng.
Suốt nhiều thập kỷ qua, ông Trump giữ một niềm tin sâu sắc về mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc. Ông trùm tài phiệt bất động sản New York nhiều lần ủng hộ các biện pháp bảo hộ trước Trung Quốc. Với niềm tin đó, ông Trump sẵn sàng đánh cược bằng sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - tài sản chính trị tốt nhất ông ấy có được trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Ở vị trí hiện có, ông Trump sẽ không thể từ bỏ mà không mất mặt. Lúc này, khi những tác động của chiến tranh thương mại chưa được cảm nhận rõ, ông Trump có thể tin rằng ông sẽ có nhiều lợi thế về chính trị trước một "chiến thắng" với Trung Quốc. Ông cũng đang tranh thủ thực hiện lời hứa mà ông đưa ra khi tranh cử năm 2016, tạo bước đệm lớn cho cuộc đua năm 2020.
Đối đầu thương mại với Trung Quốc cũng là cách ông Trump nhấn mạnh sự tương phản của mình với cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ vào năm 2020. Ông Biden từng phàn nàn rằng cách tiếp cận vấn đề thương mại của ông Trump là hoàn toàn sai lầm và không thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Trump chưa thua ai trong vấn đề phản pháo những công kích. "Trung Quốc đang mơ rằng Joe Biden buồn ngủ hay bất cứ ai khác thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Họ yêu thích việc xé toạc nước Mỹ", ông Trump mỉa mai rằng ông Biden quá yếu mềm để có thể đánh bại ông Tập Cận bình. Tổng thống cũng rất thích sự tương phản giữa mình và ông Biden.
Những khoản cược của ông Trump trong chính sách đối ngoại thường được thúc đẩy bởi mong muốn nâng cao vị thế của ông trong nước. CNN gần đây cho rằng ông Trump muốn xây dựng hình ảnh của mình như một nhà tạo lập các thỏa thuận siêu phàm. Kết quả từ các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc hay các đối tác khác sẽ minh chứng tốt nhất cho điều đó.
Tuy nhiên, rủi ro chính trị với Tổng thống Trump là một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài, bắt đầu làm xói mòn sự tăng trưởng của Mỹ cũng như tác động tới thị trường chứng khoán và dẫn tới những cú bán tháo. Nó sẽ làm mờ đi những yếu tố kinh tế mạnh mà ông Trump luôn tự hào và gọi là một kỷ nguyên thịnh vượng mới.
Cử tri có thể sẽ mệt mỏi khi phải trả thuế cho mọi đồ dùng họ mua, từ iPhone đến đồ chơi hay thực phẩm. Ông Trump đảm bảo người Trung Quốc sẽ phải trả tiền cho những khoản thuế đó nhưng rõ ràng không hoàn toàn như vậy. Người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ không thể vô can.
Ở chiều ngược lại, các nhà xuất khẩu Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc đánh thuế đáp trả của Trung Quốc. Rick Helfenbein, Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ, cho biết ngành công nghiệp của ông rất hoang mang. "Chúng tôi có cảm giác như vừa mua vé cho chuyến tàu Titanic thứ 2. Sự khác biệt duy nhất là chúng tôi biết chính xác tảng băng trôi nằm ở đâu", Helfenbein chia sẻ.
Ngoài ra, nông dân Mỹ cũng đang là người điêu đứng nhất trước các hoạt động đánh thuế đáp trả của Trung Quốc, đặc biệt là nông dân ở những bang miền trung tây nước Mỹ. Họ chính là những người có thể mang đến sự đột phá cho ông Trump trong cuộc đua năm 2020. Tuy nhiên, họ đang chịu thiệt vì chính sách thương mại của ông Trump.
Ở một diễn biến khác, đánh thuế hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra những hiệu ứng dây chuyền. Nếu Trung Quốc chậm lại, nhiều nền kinh tế khác, bao gồm cả các thị trường xuất khẩu của Mỹ ở châu Á và châu Âu, cũng sẽ bị tổn tương. Nó sẽ ảnh hưởng tới việc làm và sự thịnh vượng của nước Mỹ, dù không phải là trực tiếp.
Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng của Grant Thornton, nhận định rằng: "Nếu Mỹ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, suy thoái kinh tế sẽ trở thành nguy cơ rõ ràng".
Cuộc đối đầu đang hé lộ một sự tiến hóa địa chính trị quan trọng: Bắc Kinh không còn sợ Mỹ. Cuối tuần, Tổng thống Trump cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ hứng chịu "những tổn thất nặng nề" nếu không đạt được thỏa thuận thương mại. Đến sáng ngày hôn sau, Bắc Kinh trả lời bằng kế hoạch tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Giống như ông Trump, ông Tập Cận Bình cũng có những áp lực chính trị của riêng mình.
Trung Quốc là một quốc gia đang rất tự hào với sự trỗi dậy của mình như một siêu cường của thế giới. Chính vì thế, ông Tập Cận Bình nói riêng và người Trung Quốc nói chung sẽ không cúi đầu chấp nhận sự bắt nạt của bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào chứ đừng nói đến một Tổng thống có tiếng hiếu chiến như ông Trump.
Trong các bài xã luận gần đây, niềm tự hào của người Trung Quốc liên tiếp được các cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đề cập. Những bài báo cũng cáo buộc Mỹ đã đánh giá sai ý chí, sức mạnh và khả năng của người Trung Quốc. Họ cũng gọi việc tăng thuế của ông Trump là "quyết định mạo hiểm và thiếu kiên nhẫn".
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp quy mô, sức mạnh và đòn bẩy của người Trung Quốc. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi dài hơi hơn rất nhiều so với Washington và Trung Quốc có đủ khả năng để hấp thụ những nỗi đau từ một cuộc chiến thương mại với Mỹ, dù họ cũng chẳng lấy gì làm thoải mái.
Cả ông Tập Cận Bình và ông Trump đều biết đối phương có nhiều thứ để mất. Câu hỏi lúc này là một vấn đề ngoại giao hóc búa và lâu đời: Liệu họ có đạt được một kết quả mà cả đôi bên đều có thể tuyên bố thắng lợi?.