MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại nhìn từ dòng di cư lao động trở về Việt Nam

Cách đây một vài năm, dòng lao động đổ dồn từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sang Trung Quốc. Nhưng chiến tranh thương mại đã tạo ra một cơn xoáy đảo ngược dòng chảy này.

Mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, anh Mạnh sang Trung Quốc làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ lót ở Đông Quan, mặc dù không biết tiếng Trung. Sáu năm sau, anh về Việt Nam, trở thành giám sát viên cho một công ty Trung Quốc.

Năm 2013, mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất tại Đông Quan là khoảng 3.000 CNY (437 USD), theo dữ liệu từ Chtone - một công ty đào tạo nhân sự có trụ sở tại Đông Quan. Tại Việt Nam, Mạnh chỉ có thể kiếm được khoảng một phần ba con số đó, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê.

"Tôi cần tiền cho bản thân và gia đình, và tôi muốn kiếm được nhiều nhất có thể", Mạnh nói với tờ South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn tại một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, nơi anh hiện đang làm giám sát viên theo ca. 

Cuộc sống ở Đông Quan không hề dễ dàng, nhưng Mạnh đã có thể kiếm được ít nhất 6.000 CNY (873 USD) mỗi tháng, làm việc 12 giờ một ngày trong sáu ngày một tuần, kiếm được 1 nhân dân tệ cho mỗi chiếc áo ngực anh sản xuất ra. 

"Nhà máy cho chúng tôi chỗ ở, điều này thật tốt, nhưng họ đã xếp các cặp vợ chồng khác nhau vào cùng một phòng để tiết kiệm chi phí, cũng hơi bất tiện một chút" - Mạnh nói thêm.

Mạnh dần học nói tiếng Trung Quốc từ các đồng nghiệp và thậm chí viết vài câu tiếng Trung đơn giản. Họ thường ra ngoài sau giờ làm việc đến các quầy bán đồ nướng ngoài đường vừa uống bia vừa nói chuyện. Chẳng mấy chốc, Mạnh đã thành thạo tiếng Trung: "Món mà tôi nhớ nhất ở Trung Quốc là thịt nướng", Mạnh nói.

Không lâu sau, vợ Mạnh, bị hấp bởi mức lương cao đã sang Đông Quan để làm việc cùng anh, nhưng sau đó mang thai và trở về Việt Nam. 

Sau đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nổ ra và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc đại lục phải chuyển đến Việt Nam để tận dụng mức lương tương đối thấp và khoảng cách địa lý. 

Không lâu sau đó, Mạnh cũng về Việt Nam. "Tôi đã già đi và đã đến lúc phải ở bên gia đình", anh ấy nói. Trong vòng chưa đầy ba năm, hai vợ chồng đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu VND (8.500 USD), đủ để họ mua một mảnh đất.

Nhu cầu về công nhân lành nghề và các nhà quản lý nói tiếng Trung Quốc đang tăng lên, và Mạnh đã tìm được một công việc dây chuyền sản xuất tại một nhà máy Trung Quốc ở Bắc Giang, và trong vòng chưa đầy ba năm đã được thăng chức làm giám sát viên ca. 

"Chúng tôi muốn tìm những người Việt nói tiếng Trung để vừa có thể quản lý công nhân địa phương, vừa có thể giao tiếp với cấp trên là người Trung Quốc", giám đốc nhà máy cho biết. Là giám sát, Mạnh hiện kiếm được khoảng 6.000 CNY (873 USD) mỗi tháng, gấp ba lần lương của một công nhân dây chuyền sản xuất tại cùng một nhà máy. 

Lao động Việt nói được tiếng Trung hiện đang ngày càng khan hiếm. Bốn năm trước, cứ đăng tuyển là trong vòng hai ngày ông Weng sẽ thuê được người. Bây giờ thì khó hơn nhiều, ngay cả khi anh tốn tới 2.000 CNY (gần 7 triệu VND ) mỗi tháng để đăng tin tuyển người. Làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc đột ngột đổ vào đã tạo ra sự cạnh tranh ác liệt trên thị trường lao động.

"Trước đây chỉ 5 triệu VND là tôi tuyển được phiên dịch giỏi, giờ thì trả 15 triệu VND cũng chưa tuyển được ai", Weng nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Công ty xây dựng của Weng ở Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh 1 giờ đi ô tô. Hiện đang có 30 khu công nghiệp mới trong khu vực này, phục vụ cho các công ty nước ngoài từ Trung Quốc.

Hoàng An

South China Morning Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên