Chính phủ cơ cấu lại, nợ công sẽ giảm mạnh
Hai năm 2016 và 2017 giữ vai trò “bản lề” trong việc điều chỉnh nợ công xuống dưới mức trần cho phép của Quốc hội, 65% GDP. Do áp lực tăng nợ công vượt trần vẫn hiện hữu bởi bội chi ngân sách thời gian qua quá cao, cho nên cơ cấu lại nợ công là đòi hỏi và thách thức lớn cho Chính phủ. Bài toán được giải thế nào?
- 21-07-2017Kiểm toán Nhà nước giải thích lý do có khác biệt giữa các số liệu nợ công
- 14-07-2017Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất
- 20-06-2017Hàng loạt giải pháp để giảm bội chi, kiềm chế nợ công phình to
Không tính trả nợ gốc vào ngân sách
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa phát hành một chuyên đề phân tích kỹ về bức tranh và việc cơ cấu lại nợ công.
Số liệu cập nhật về NSNN đến cuối quý 2/2017, BVSC cho biết: Chính phủ có thể dành 65.755 tỷ đồng để thực hiện trả nợ gốc trong năm (không bao gồm đảo nợ). Như vậy, cộng với kế hoạch trả nợ lãi trong năm là 98.900 tỷ đồng, tổng số tiền dùng để trả nợ gốc và nợ lãi trong năm 2017 là 164.655 tỷ đồng, tăng 6,2% với với con số dự toán của năm 2016.
Theo qui định mới của Luật NSNN, bội chi NSNN kể từ năm 2017 sẽ không bao gồm khoản chi trả nợ gốc, cho nên bội chi đã giảm so với những năm trước đó, từ mức trên 230.000 tỷ xuống mức khoảng 212.000 tỷ, chiếm 4,2% GDP. Như vậy, qui mô thâm hụt ngân sách giảm trong năm 2017 không phải là do cắt giảm chi tiêu mà do thay đổi trong cách thức lập dự toán.
Theo BVSC, hàng năm vẫn có một tỷ lệ lớn chi NSNN được để ngoài dự toán được Quốc hội phê duyệt, chiếm từ 15% - 18% tổng chi cân đối. Trong năm 2014, tỷ lệ này chiếm gần 18% tổng chi cân đối được quyết toán, sau đó được duy trì ổn định ở mức gần 16% trong giai đoạn 2015-2017. Trong số chi ngân sách ngoài quyết toán, số chuyển nguồn từ năm trước sang năm hiện hành chiếm phần lớn, tiếp theo là số đã xuất quỹ ngân sách năm trước đó, chưa quyết toán, và được chuyển sang năm hiện hành quyết toán theo chế độ.
2017- Chủ yếu vay nguồn trong nước
Kế hoạch vay nợ của Chính phủ và dự báo quy mô nợ công Tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ trong năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, giảm 34% so với kế hoạch vay nợ ở năm trước đó. Mức sụt giảm này chủ yếu là do việc điều chỉnh giảm nhu cầu vay nợ để tài trợ thâm hụt trong cùng thời kỳ, theo dự toán, từ mức 245.000 tỷ đồng trong năm 2016 xuống 172.300 tỷ đồng trong năm 2017.
“Bên cạnh đó, Chính phủ điều chỉnh giảm đáng kể kế hoạch đi vay và cho vay lại trong năm 2017, giảm 40% do với hạn mức của năm trước đó. Các nhu cầu vay khác như trả nợ gốc (bao gồm đảo nợ) và tổng hạn mức bảo lãnh vẫn được duy trì mở mức ổn định so với năm trước đó. Việc phát hành trái phiếu đầu tư có thể không thực hiện trong năm 2017, do Chính phủ có kế hoạch thoái vốn 60.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến, số tiền này sẽ được sử dụng để chi cho đầu tư phát triển”, BVSC cho biết.
Trong năm 2017, Chính phủ vẫn chủ yếu thực hiện vay từ các nguồn trong nước, 243.300 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vay nợ. Tỷ lệ này là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh vay trong nước trong bối cảnh chi phí vay vốn nước ngoài gia tăng. Nếu trừ đi kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong năm 2017 là 183.396 tỷ đồng, nhu cầu vay từ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và từ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 59.904 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch huy động trong năm trước đó.
2 kịch bản về TPCP và thoái vốn
BVSC cũng đã xây dựng hai kịch bản về khả năng phát hành TPCP. Ở kịch bản 1, nhu cầu phát hành TPCP có thể tăng 11% so với kế hoạch đầu năm, lên mức 203.300 tỷ đồng. Kế hoạch vay SCIC có thể khó thành hiện thực khi tính đến cuối quý 2, SCIC mới thực hiện thoái vốn được 11.589 tỷ đồng - so với kế hoạch 60.000 tỷ của cả năm 2017. Trong trường hợp SCIC không hoàn thành kế hoạch thoái vốn của cả năm, chúng tôi đưa ra kịch bản 1 là tổng nguồn vay từ BHXH và SCIC chỉ đạt 40.000 tỷ đồng trong năm, trong điều kiện là nguồn vay ODA giữ nguyên so với kế hoạch, 98.760 tỷ đồng.
Ở kịch bản 2, nhu cầu phát hành TPCP có thể tăng mạnh hơn, cao hơn 22% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, lên mức 223.300 tỷ đồng. “Ở kịch bản 2, chúng tôi giả định là nguồn vay từ BHXH và SCIC vẫn không đạt kế hoạch như ở kịch bản 1, trong khi nguồn vay ODA cũng bị sụt giảm 20% so với kế hoạch, xuống 78.760 tỷ đồng. Nếu kế hoạch vay nợ của Chính phủ được thực hiện, nợ công được ước tính có thể tăng mạnh lên mức 65,5% GDP trong năm 2016, và dự báo giảm xuống mức 64,9% GDP trong năm 2017”, BVSC phân tích.
Con số ước tính và dự báo này được tính toán theo mức nợ công được xác nhận của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa 14 chiếm 61,8% GDP, tương đương với 2.589.429 tỷ đồng.
Theo kế hoạch vay nợ và bảo lãnh của Chính phủ trong năm 2017, tổng nợ công trong năm 2017 có thể tăng thêm 280.272 tỷ đồng, bằng 73% mức tăng ròng nợ công của năm trước đó. Mức nợ công tăng thêm này được tính toán bằng tổng vay nợ của Chính phủ, trừ đi phần đảo nợ, trả nợ gốc, và cộng với hạn mức bảo lãnh trong năm của Chính phủ. Mức tăng ròng nợ công này có thể được hiểu là mức tăng nợ công tối đa trong năm, trong điều kiện thu-chi ngân sách đạt kế hoạch.
Tiền phong