MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ: Làm rõ trách nhiệm 12 bộ và 16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm nay

Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm 12 bộ và 16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm nay.

Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm 12 bộ và 16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm nay.

12 bộ, cơ quan Trung ương và 16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm nay vừa bị đề nghị làm rõ trách nhiệm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/2022 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm vừa qua. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu làm rõ trách nhiệm 12 bộ, cơ quan Trung ương, 16 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm nay.

Cụ thể, văn bản cho biết về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 5 tháng vừa qua, Chính phủ cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2022 kịp thời; thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tính đến 31/5, tổng số vốn các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân năm nay đạt gần 93% so với số vốn Thủ tướng đã giao kế hoạch; ước thanh toán đạt gần 22,4% kế hoạch. Hiện có 41 trên 51 bộ, cơ quan Trung ương và 18 trên 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 20%).

Cũng trong tháng 5 vừa qua, 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm nay, do Thủ tướng thành lập đã khẩn trương, tích cực triển khai công việc; kịp thời chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và trong các quy định của pháp luật; xác định những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với 12 bộ, cơ quan Trung ương, 16 địa phương đến ngày 31/5 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Thủ tướng giao; 5 cơ quan Trung ương đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) như báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư công khai danh sách các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bị phê bình trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và trang tin điện tử của Bộ theo quy định. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bị phê bình có báo cáo kiểm điểm gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 tới.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc triển khai nhanh, có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng được Chính phủ yêu cầu.

Chính phủ còn yêu cầu không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tương ứng với số vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân hết; không được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được yêu cầu chủ động bố trí lại trong kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và các năm sau tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2021, bị hủy dự toán cho các dự án bảo đảm bố trí đủ theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đã được giao để hoàn thành đúng tiến độ.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

Trở lên trên