Chính phủ muốn bỏ 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành...
- 18-10-2016Chính phủ đề xuất giảm 49 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
- 07-09-2016Dự kiến thêm 67 ngành nghề kinh doanh được nới room 100%
- 23-06-2016Dự thảo Ngành nghề kinh doanh có điều kiện lĩnh vực hàng không dân dụng: Còn nhiều băn khoăn
Gần 17h ngày 29/10, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội bắt đầu cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Khi đó, hồ sơ dự án luật vừa ra "lò", vẫn còn ấm tay. Tờ trình của Chính phủ ký cùng ngày diễn ra phiên họp (29/10).
Khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư quy định "ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng".
Đối chiếu tiêu chí này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề, bổ sung 15 ngành nghề, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề, cập nhật, chuẩn xác hoá tên 18 ngành nghề.
Như vậy, tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành.
Trong số các ngành nghề được đề nghị bãi bỏ có kinh doanh tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ...
So với các dự thảo trước, các ngành nghề được đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô.
Chính phủ đề nghị luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 để đáp ứng mục tiêu là nhắm xoá bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Danh mục này, so với các dự thảo trước đó cũng đã có sự thay đổi khá nhiều, cộng với sự sát sạt của thời gian gửi tài liệu đã khiến cho nhiều vị tham dự phiên họp rất băn khoăn.
Tài liệu mới nhận được, số lượng ngành nghề thay đổi lớn, đánh giá tác động không có thì "tài thánh" mới phán được là đúng hay sai, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Đỗ Văn Sinh phát biểu.
Nhấn mạnh là cũng rất muốn làm nhanh nhưng đại biểu Sinh cho rằng nhanh thì cũng phải có chuẩn mực, vì nếu ban hành ra mà tác động không tốt hơn thì là "trách nhiệm của chúng ta".
Ông Sinh đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, nhất là với 27 ngành nghề bãi bỏ và 15 ngành nghề bổ sung một cách thuyết phục, sau đó uỷ ban sẽ họp phiên khác để xem xét.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói dự án luật được làm theo trình tự rút gọn, không yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động. Ông Đông cũng đề nghị để Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải trình vì không thể nắm được tất cả các ngành nghề.
Nhưng, sau giải trình của vị này, các ý kiến thảo luận vẫn vô cùng băn khoăn khi mà đại diện một số bộ có mặt tại cuộc họp cũng chưa đồng ý với việc đưa vào, rút ra một số ngành, nghề.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên và một số ý kiến khác cho rằng nếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì dự án luật này không đủ điều kiện để thẩm tra.
Và, nếu đi vào từng ngành nghề cụ thể thì thấy việc đưa vào rút ra chưa đủ thuyết phục. Chẳng hạn thay vì quy định kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì chỉ cần quản về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Gói lại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cơ sở pháp lý để đưa vào rút ra các ngành nghề như Chính phủ trình là chưa thuyết phục. Nhưng để tháo gỡ vướng mắc cho môi trường đầu tư thì cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đều cần gấp rút hoàn thành kịp trình Quốc hộ. Ông đề nghị quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội cần rất quan tâm đến nguyên tắc đồng thuận cao thì mới sửa.
Vneconomy