MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ quyết chống lợi ích nhóm

Từ khi được kiện toàn, hai bản báo cáo của Chính phủ mới đều thể hiện quyết tâm xoá bỏ cơ chế xin cho, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm...

Tiến tới xóa bỏ “cơ chế xin - cho” chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và trong hành động.

Đây là thông tin tại báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 2016 và dự kiến kế hoạch 2017 vừa được Chính phủ hoàn thành để phục vụ phiên thảo luận ngày 17/10 tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ khi được kiện toàn (tháng 4/2016) Chính phủ mới hai lần báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Và cả hai bản báo cáo đều thể hiện quyết tâm xoá bỏ cơ chế xin cho, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm.

Ngoài những thông tin chung chung hoặc nhắc lại từ nhiều bản báo cáo trước, báo cáo lần này của Chính phủ cũng đã có một số "điểm nhấn" khác biệt.

GDP không đạt do bất khả kháng

Theo báo cáo, trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được Quốc hội quyết định cho năm 2016 ước thực hiện 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng GDP ước đạt 6,3 - 6,5% (kế hoạch là 6,7%). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch là 10%.

Đánh giá tổng quát, Chính phủ cho rằng: "kết quả đầu tiên, cũng là quan trọng nhất, là cơ sở định hướng cho việc phát triển bền vững đất nước, đó là sự đổi mới trong lãnh đạo chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị với lập trường kiên định, bản lĩnh đã đưa lại những kết quả tích cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội".

Theo Chính phủ, sự đổi mới trong lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và nỗ lực của các cấp, các ngành vác các doanh nghiệp, nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phục hồi và phát triển.

Nếu không có những yếu tố bất khả kháng do thiên tai và giá dầu giảm sâu gây ra thì tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu có thể vượt kế hoạch đề ra, Chính phủ nhìn nhận.

Nợ công có thể cao hơn dự kiến

Tuy nhiên, theo Chính phủ, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Một trong số đó là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra. Nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức đã dự kiến.

Hơn một lần nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, nhưng Chính phủ cũng đánh giá tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu trong bộ máy nhà nước chưa được đẩy lùi. Tình trạng này cũng đã được Chính phủ nhiệm kỳ trước nhấn mạnh trong nhiều báo cáo trước Quốc hội.

Bao trùm và quyết định nhất của những tồn tại, hạn chế được Chính phủ khẳng định là do nguyên nhân chủ quan. Trong đó có việc chậm đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu - một nguyên nhân được nhắc đi nhắc lại ở hàng chục bản báo cáo của Chính phủ tiền nhiệm.

Xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường

Về những nhiệm vụ, giải pháp cho 2017, Chính phủ đưa ra một số thông tin đáng chú ý.

Nợ xấu chưa được xử lý tốt, chủ yếu mới khoanh lại ở VAMC là nhận xét được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại nghị trường.

Ở kỳ họp cuối năm 2015, một số ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thực sự hiệu quả.

Lần này, Chính phủ xác định sẽ xây dựng đầy đủ các khung pháp lý để hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ. Thực hiện tái cơ cấu VAMC nhằm xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Liên quan đến thị trường tài chính, báo cáo cho biết sẽ nghiên cứu sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Điểm nhấn khác của báo cáo lần này là Chính phủ "hứa" tiếp tục rà soát ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội quyết định nhằm xoá bỏ rào cản trong hoat động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

Trở lên trên