MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ yêu cầu TKV đẩy nhanh xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là dự án chậm tiến độ. Việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án kém hiệu quả, cũng là cách gỡ khó trong hoạt động của ngành than.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành than ngày 16/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, năm 2017 ngành than bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, mưa lũ bất thường, lượng điện chạy tốt nên dùng than giảm nên tiêu thụ than 2017 giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch. Giá tính thuế tài nguyên điều chỉnh tăng so với giá bán thị trường, điều kiện khai thác than ngày càng sâu, xa hơn; nhu cầu dùng than trong nước giảm do nhiều nguyên nhân... Nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, gắn bó, đổi mới vượt qua nhiều khó khăn TKV đã đạt được kết quả tích cực.

Theo Phó Thủ tướng, việc tổ hợp boxit nhôm Nhân Cơ năm đầu tiên đi vào hoạt động đạt sản lượng cao 501.000 tấn, có lãi trước một năm so với tiến độ là nỗ lực đáng ghi nhận với ngành. Bên cạnh đó, việc đời sống người lao động cải thiện, lương bình quân đạt 9,3 triệu đồng tăng 2,5% so với 2016 cũng cho thấy TKV là đơn vị quan tâm tới đời sống người lao động, để họ yên tâm làm việc, tạo ra sản phẩm.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành than khoáng sản cũng đang đứng trước những thách thức, tồn tại cần khắc phục trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, chất lượng than thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều hộ tiêu thụ. Vì vậy, TKV cần có giải pháp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 2018.

Ngoài ra, tập đoàn cần đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là dự án chậm tiến độ. Việc TKV đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án kém hiệu quả, theo Phó Thủ tướng, cũng là cách gỡ khó trong hoạt động của ngành. Riêng với các dự án như cảng trung chuyển than ở khu vực Tây Nam Bộ, TKV phải khẳng định rõ, báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ về việc có làm được hay không. Nếu thấy không làm được thì nói rõ, Chính phủ cũng không ép. Trừ những nhiệm vụ chính trị đặc biệt, còn sản xuất kinh doanh thì tập đoàn phải đổi mới để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc gắn công tác bảo vệ môi trường sau khai thác than cũng là một trong những nhiệm vụ liên quan đến công tác sản xuất kinh doanh của TKV được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra. Cùng đó việc chống gian lận thương mại, thất thoát trong khai thác than, chăm lo đời sống của người lao động, xây dựng các khu nhà ở, khu nhà sinh hoạt văn hóa, tăng cường hỗ trợ các vùng khó khăn…. cũng là những đầu việc được lãnh đạo Chính phủ đặt ra với ngành than.

“Tại các vùng triển khai dự án, TKV phải quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân địa phương. Bộ trưởng Công Thương và các bộ ngành liên quan có trách nhiệm tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của các tập đoàn kinh tế cũng như của tập đoàn than để giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về những kiến nghị của TKV, Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội có ý kiến xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành.

Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV, năm 2017, doanh thu toàn tập đoàn ước thực hiện 109,2 ngàn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước đó. Trong đó, đáng chú ý, doanh thu khoáng sản năm 2017 của Tập đoàn đạt 12,15 ngàn tỷ đồng, tăng 72%. Đây cũng là năm đầu tiên sản phẩm alumin đạt 8,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Nhân Cơ trong năm đầu đi vào sản xuất đã đạt mức sản lượng  501 ngàn tấn/650 ngàn tấn theo thiết kế, tiêu thụ đạt 1,10 triệu tấn. Lượng than khai thác đạt 35,0 triệu tấn, than tiêu thụ 35,6 triệu tấn.

Trong năm qua, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với 2016. Đặc biệt, tất cả các khối kinh doanh trong Tập đoàn đều có lãi. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 14 ngàn tỷ đồng.

Năm qua Tổng giám đốc và Công đoàn TKV đã ban hành Chỉ thị liên tịch về việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lực lượng lao động năm 2017, để giảm lao động, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, dây chuyền sản xuất phù hợp và định biên lao động; tinh giảm lao động quản lý và lao động phục vụ, phụ trợ; thực hiện xã hội hóa một số khâu trong dây truyền sản xuất.

Theo đó, số lao động có mặt đến thời điểm 31/12/2017 đã giảm được trên 6.000 người so với đầu năm. Năng suất lao động tăng 8,6% so với thực hiện năm 2016. Do giảm lao động lên mặc dù tiền lương bình quân của người lao động năm 2017 đạt 9,4 triệu đồng/ng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2016 nhưng chi phí tiền lương (quỹ lương) trong giá thành năm 2017 giảm 850 tỷ đồng so với năm 2016.

Đến nay đầu mối các ban tham mưu của Tập đoàn giảm từ 28 ban còn 21 ban; hiện đã xây dựng mô hình phòng, ban, định biên tại các đơn vị thuộc các khối kinh doanh thống nhất trong toàn Tập đoàn.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên