Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch củng cố chuỗi cung ứng trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài
Mới đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt kế hoạch nhằm mục đích củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ, từ đó xây dựng năng lực sản xuất trong nước cho các sản phẩm chính và giải quyết những lỗ hổng hiện có.
- 08-06-2021Lý giải cuộc chiến khốc liệt của giới siêu giàu: Tại sao Jeff Bezos chịu thua trước tỷ phú giàu nhất Ấn Độ?
- 08-06-2021'Cơn cuồng phong' của kinh tế toàn cầu: Nỗi lo lạm phát ngày càng căng thẳng khi giá hàng hóa tăng chóng mặt
Hồi tháng 2, ông Biden đã đưa ra yêu cầu đánh giá liên ngành kéo dài 100 ngày đối với các chuỗi cung ứng trong nước. Sau đó, nội dung chi tiết đã được tổng hợp trong một bản báo cáo, được công bố hôm 8/6 trên trang web của Nhà Trắng.
Khuyến nghị ban đầu của bản báo cáo tập trung vào 4 sản phẩm trong đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm: pin lithium dung lượng lớn, khoáng chất đất hiếm, chất bán dẫn và dược chất.
Pin lithilium dung lượng lớn: Bộ Năng lượng Mỹ đang đưa ra kế hoạch 10 năm để phát triển chuỗi cung ứng pin lithilium trong nước, được sử dụng để sản xuất pin cho xe điện. Chương trình cho vay phát triển phương tiện công nghệ cao (ATVM) của cơ quan này sẽ phân bổ 17 tỷ USD trong nỗ lực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và sản xuất mới ở Mỹ.
Đất hiếm: Bộ Nội Vụ Mỹ sẽ chỉ đạo một nhóm đặc nhiệm để xác định các địa điểm mà những loại khoáng sản quan trọng có thể được sản xuất và xử lý tại Mỹ. Báo cáo này cho biết, Mỹ sẽ phát triển năng lực sản xuất, tinh chế và tái chế bền vững đối với 17 kim loại đất hiếm được sử dụng trong điện thoại di động, ô tô và nam châm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường.
Chất bán dẫn: Khi Mỹ đang chật vật với tình trạng thiếu chip, khiến các nhà máy sản xuất ô tô lớn phải ngừng hoạt động, Nhà Trắng cho biết sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để tăng tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
Dược chất (API): Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sẽ sử dụng quyền hạn trong Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để cam kết chi khoảng 60 triệu USD nhằm "phát triển các công nghệ nền tảng mới để tăng năng lực sản xuất trong nước cho API."
Ngoài những bước đi này, chính quyền ông Biden cũng công bố về một sáng kiến quy mô rộng hơn. Để giúp đào tạo nhóm người lao động cần thiết cho những dự án mới này, Nhà Trắng sẽ chi thêm khoản tài trợ 100 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực mở rộng việc học nghề được nhà nước hậu thuẫn. Các khoản này sẽ do Bộ Lao động quản lý.
Bộ Năng lượng (DOE) sẽ công bố một chính sách mới yêu cầu những người nhận tài trợ nghiên cứu và phát triển của cơ quan này đảm bảo "hoạt động sản xuất các sản phẩm đó phải được thực hiện chủ yếu ở Mỹ."
Cùng với những nỗ lực nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nước, chính quyền Tổng thống Biden cũng đưa ra những mục tiêu mới nhằm chống lại những "hành vi thương mại không công bằng", mà theo họ là đã góp phần khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn.
Một trong những nỗ lực đó bao gồm việc thành lập "lực lượng tác chiến thương mại" do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dẫn đầu. Nhóm này sẽ hoạt động nhằm mục đích xác định các hành động thực thi "đơn phương và đa phương" mà Mỹ có thể thực hiện để trừng phạt các quốc gia được cho là đang có các hành vi thương mại không công bằng. Theo một quan chức cấp cao, nhóm này sẽ tập trung vào việc phát triển các chính sách thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng sẽ chỉ đạo một cuộc đánh giá về việc có bắt đầu điều tra về nam châm neodymium theo Mục 232 của Đạo luật mở rộng Thương mại hay không. Loại nam châm đất hiếm này được sử dụng trong động cơ và thiết bị điện tử của người dân và cả quân đội. Nếu cuộc điều tra kết luận an ninh quốc gia bị đe dọa bởi nguồn cung cấp neodymium từ nước ngoài, Mỹ có thể sẽ áp đặt thuế quan hoặc hạn chế nhập khẩu.