MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Tháp: Không có quyết định thu hồi vẫn bồi hoàn, cưỡng chế?

01-06-2013 - 09:15 AM |

Năm 1954, gia đình ông Thành khai phá mảnh đất diện tích 17.000m2. Năm 1984, huyện Tháp Mười mở con đường liên huyện đi qua phần đất này, lấy mất 564m2 nhưng ông không được đền bù.

Mặc dù không có bất kỳ thông báo, quyết định thu hồi nào liên quan đến việc quy hoạch, đền bù, giải tỏa, nhưng ông Phạm Trọng Thành (SN 1959, ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) lại bị UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp ra quyết định bồi hoàn, cưỡng chế nhà cửa khiến gia đình điêu đứng.

Quyết định thu hồi “tàng hình”?


Năm 1954, gia đình ông Thành khai phá mảnh đất diện tích 17.000m2 ở khóm 4, thị trấn Mỹ An. Năm 1984, huyện Tháp Mười mở con đường liên huyện đi qua phần đất này, lấy mất 564m2 nhưng ông không được đền bù.

Năm 1986, UBND huyện Tháp Mười trưng dụng tiếp 6.672m2 đất ruộng và đổi cho ông 10.000m2 tương ứng tại Nông trường Láng Biển. Mặc dù không có bất kỳ thông báo hay quyết định thu hồi nào nhưng ngày 21-6-1994, UBND huyện Tháp Mười vẫn ra Quyết định 34/QĐ-UB bồi hoàn 2.655m2 đất mà gia đình ông đang cất nhà ở, trồng cây ăn trái.

Sau đó, huyện tiếp tục ban hành khung giá đối với mảnh đất thu hồi vỏn vẹn 9.558.000 đồng. Điều 28 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại và việc tiến hành giao đất chỉ được thực hiện khi có quyết định thu hồi”, tuy nhiên huyện Tháp Mười vẫn thản nhiên ra quyết định bồi hoàn mà chẳng cần đưa quyết định thu hồi trước đó?

Quá bất ngờ, ông Thành làm đơn khiếu nại thì huyện cho rằng “2.655m2 đất này được trưng thu năm 1987, nằm trong diện tích 9.332m2 đã được bồi hoàn bằng hai khoảnh: khoảnh một là 10.000m2 tại Nông trường Láng Biển, tương ứng với 6.672m2; khoảnh hai được bồi hoàn 9.558.000 đồng”. Do không đồng ý với cách giải quyết này, ông Thành không nhận số tiền trên.

Cần xem xét lại

Chưa hết, mặc dù ông Thành không có đơn xin lại bốn nền nhà nhưng ngày 19-1-1995 huyện Tháp Mười vẫn ra Quyết định 09/QĐ-UBND về việc bác đơn yêu cầu xin lại nền của ông? Ông Thành khiếu nại lên tỉnh Đồng Tháp, thay vì điều tra xác minh lại thì ngày 26-6-1996 tỉnh này ra Quyết định 235/QĐ.UB.ND chuẩn y Quyết định 09/QĐ-UBND của huyện Tháp Mười trước đó.

Qua nhiều lần ông Thành khiếu kiện, UBND huyện Tháp Mười quyết định “chiếu cố”, cấp cho ông hai nền nhà số 2 và 3, diện tích 128m2, tại lô E nằm trong cụm dân cư thị trấn Mỹ An. Thực chất hai nền này nằm trên phần đất cũ của gia đình ông và giao cho năm người con năm nền khác cũng nằm trong cụm dân cư này nhưng phải đóng tiền. Sau khi trừ diện tích nền nhà số 2 và 3, phần còn lại của ông Thành là 272m2. Theo giá đất năm 2006, ông được bồi thường 1.304.800 đồng.

Một lần nữa ông Thành làm đơn khiếu nại. Tưởng rằng sẽ được xem xét, giải quyết một cách khách quan thì từ tháng 10-2008 đến tháng 1-2013, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp ra bốn quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế đối với gia đình ông. Trong phần đất bị cưỡng chế có hai ngôi mộ của tổ tiên ông Thành.

Ông bức xúc: “Thực tế năm 1987 chưa có qui hoạch xây dựng chợ mới thị trấn Mỹ An. Nay chợ đã làm xong, phần đất của gia đình tôi hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch và cách xa chợ. Nếu gia đình tôi không đấu tranh, có lẽ đã phải giao toàn bộ diện tích đất cha mẹ mình khai phá trước đây cho huyện sử dụng mà không được bồi hoàn bất cứ tài sản nào, kể cả khi họ thu hồi để sử dụng vào việc phân lô, bán nền”. Ông cho rằng việc bố trí hai nền nhà trên đất cũ và cho các con ông đăng ký lại năm nền nhưng phải đóng tiền ngay trên đất của mình là chưa thấu tình đạt lý.

“Gia đình tôi đã bị huyện trưng dụng quá nhiều đất nhưng chưa được bồi thường thỏa đáng. Nguyện vọng của chúng tôi là yêu cầu cơ quan chức năng huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp xem xét cho được định cư tại chỗ bảy nền nhà trên phần đất cũ, mỗi nền diện tích 64m2, còn lại 2.207m2 (2.655m2 - 448m2) chúng tôi xin giao cho UBND huyện sử dụng và yêu cầu được đền bù theo thời điểm UBND huyện có quyết định thu hồi đất”, ông Thành nói.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cần xem xét lại việc ra quyết định thu hồi và ưu tiên cho chủ đất được định cư khi quy hoạch, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân.

Theo Trung Oanh

ngatt

Công An TPHCM

Trở lên trên