MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội nói gì về nhà "dị kỳ" ở đoạn đường gần 2 tỷ đồng/m2?

26-03-2014 - 09:29 AM |

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc để hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo trong quá trình phát triển đô thị là không chấp nhận được.

Chính vì vậy, thành phố đã có quy định những thửa đất nào không đủ điều kiện sẽ không được phép xây dựng.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 25/3 tại cuộc họp báo thường kỳ hàng tuần do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên tuyến vành đai I, đoan từ Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu hiện có 50 trường hơp nhà "siêu mỏng, siêu méo". Đến nay, các đơn vị liên quan đã thực hiện xong thủ tục hợp khối cho 20 trường hợp, 7 trường hợp đã ban hành quyết định thu hồi, 3 trường hợp khác có cạnh thửa đủ điều kiện nên được phép tồn tại. Còn lại 20 trường hợp, UBND quận Đống Đa đang tiếp tục xử lý.

Về việc để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo tại tuyến đường "đắt nhất hành tinh" này và các tuyến đường khác trên địa bàn Thành phố, ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc để hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo trong quá trình phát triển đô thị là không chấp nhận được. Chính vì vậy, Thành phố đã có quy định những thửa đất nào không đủ điều kiện sẽ không được phép xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị vẫn xảy ra việc này.

Theo ông Hùng, để giải quyết vấn đề này có nhiều giải pháp. Đơn cử như khi xây dựng các con đường mới thì tiến hành thu hồi đất 2 bên rộng ra để tránh nhà siêu mỏng siêu méo. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi phải có thời điểm và không phải lúc nào cũng làm được.

Đề cập ngược lại tuyến đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, ông Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đoạn đường này dài hơn 500 mét nhưng chi phí xây dựng lên tới 1000 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, chi phí xây dựng chỉ mất 300 tỷ đồng còn lại gần 700 tỷ đồng chi cho việc giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nếu thu hồi hết diện tích đất thừa thì sẽ đòi hỏi số tiền rất lớn và không có kinh phí để thực hiện.

"Để xảy ra nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay có yếu tố chủ quan và khách quan nhưng việc xử lý hiện nay của các Ban Quản lý dự án chưa kịp thời cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Muốn làm được việc này phải thu hồi đất thừa 2 bên đường, tuy nhiên chưa có kinh phí", ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói.

Đưa ra giải pháp để quản lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong thời gian tới, ông Hùng cho biết, để chống nhà siêu mỏng siêu méo, thì phải quản lý chặt quá trình làm đường, không cho xây dựng các công trình không đủ điều kiện hoặc cho hợp khối, hợp thửa. Cũng có một cách khác là nhà nước bỏ tiền ra mua lại diện tích đất thừa này để sử dụng vào mục đich công cộng.

Đề cập đến tiến độ "trảm" nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua, ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cuối năm 2012, toàn thành phố có gần 600 nhà siêu mỏng siêu méo, đến nay còn 192 trường hợp. Việc xử lý những ngôi nhà còn lai này hiện rất khó khăn do được xây dựng từ trước năm 2007. Hiện thành phố đang lập dự án để thù hồi.

Hà Nội sẽ không thể "trảm" được hết nhà siêu mỏng siêu méo?


Còn nhớ, đầu năm 2011, sau khi thành phố Đà Nẵng dẹp được “loạn” nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn, trả lại sự phong quang đẹp đẽ cho đô thị, Hà Nội cũng ráo riết lên kế hoạch và họp bàn với các sở, ngành, quận, huyện… đề ra kế hoạch “trảm” hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay trên địa bàn Thủ đô.

Theo kế hoạch ban đầu, lãnh đạo thành phố giao các quận, huyện phải xử lý xong các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố trong tháng 9/2011. Để ráo riết thực hiện nhiệm vụ này, một Ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban đã được thành lập.

Thậm chí, để cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, lãnh đạo Hà Nội còn tổ chức họp báo cáo, giao ban thường kỳ hàng tháng giữa các quận với thành phố. Đây là cơ hội để cơ quan chức năng nghe các đơn vị nêu ra những khó khăn trong việc giải quyết những ngôi nhà này, từ đó lãnh đạo thành phố kịp thời vào cuộc, tháo gỡ những khó khăn hòng đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần lùi thời gian hoàn thành việc trảm nhà siêu mỏng, siêu méo từ 6 tháng đến một năm thậm chí thời hạn hết quý 3 năm này đến năm khác được đưa ra nhưng công việc "trảm" nhà siêu mỏng siêu méo trên địa bàn thành phố vẫn rất chậm.

Trên các tuyến phố chính hiện nay người ta vẫn thấy những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo nằm chềnh ềnh trước mặt đường. Điển hình như trên phố Trường Chinh, một ngôi nhà bé bằng "hộp diêm" vẫn ngang nhiên tồn tại mặc dù thành phố đã bắt tay vào "trảm" nhà siêu mỏng siêu méo mấy năm nay.

Và còn đó, tuyến đường 32, tại nút giao thông Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu, ngay khi tuyến đường sắp hoàn thành thì hàng chục ngôi nhà kỳ quái đã mọc lên cao 3 – 4 tầng. Hay trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, phố Trần Quốc Hoàn quận Cầu Giấy cũng vậy… và đặc biệt, mới đây, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu vừa được thông xe đã có nguy cơ mọc lên hàng chục ngôi nhà siêu mỏng siêu méo và những ngôi nhà có hình thù kỳ quái khác.

Đoạn đường đắt nhất hành tinh này, có chi phí cho mỗi mét đường vượt xa so với chi phí của con đường "hàng xóm" đã khiến người dân Thủ đô không khỏi thất vọng vì bộ mặt lem nhem của nó sau khi khánh thành.

Điều đáng nói là trên đoạn đường này một ngôi nhà 4 mặt tiền đang nằm chỏng chơ giữa ngã 4 Ô Chợ Dừa; phía đối diện cũng có ngôi nhà hình thù chẳng giống ai. Dọc tuyến là vô số nhà đang đua nhau mọc lên cao với đủ mọi loại hình thù... khiến người ta nghi ngờ việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo của thành phố Hà Nội.

Chứng kiến cảnh những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo cũ trên các tuyến phố chính chưa được giải quyết, lại thấy những ngôi nhà "dị kỳ" khác đua nhau nở rộ khi tuyến đường mới được mở ra, nhiều người cho rằng, rất khó để Hà Nội có thể "trảm" được hết nhà siêu mỏng, siêu méo.

Theo Xuân Tùng

ngatt

VnMedia

Trở lên trên