MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: "Quy hoạch sai, thực hiện càng sai"

11-04-2012 - 11:51 AM |

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng: không nên cứ có đất trống là “cấy” nhà cao tầng vào. Cứ cậy có nhà mặt tiền là xây gara.

Cứ có đất trống là cấy nhà cao tầng

Quy hoạch Hà Nội hiện rất lộn xộn. Cứ có đất trống là người ta xây chung cư. Gần 100% công trình ở Hà Nội sai phạm trong sử dụng. Nhà ở biến thành văn phòng, biến thành cơ sở sản xuất, quán cafe, karaoke, nhà nghỉ… Nghĩa là phân khu chức năng một đằng, vận hành một nẻo. Thủ đô trở nên quá lộn xộn.

Ông ví von: “Nó giống như anh dầu khí đi kinh doanh bất động sản vậy”. Nếu cứ tiện đâu làm đó sau  này sẽ phải lĩnh hậu quả: giao thông hỗn loạn, môi trường ô nhiễm. Khi đã để sự phát triển trở nên lộn xộn, thì số tiền đầu tư để khắc phục sẽ là con số khổng lồ. 
 
Việc di dời các cơ quan để xây chợ hay trung tâm thương mại là không nên. Không thể giảm hình thức ùn tắc này sang hình thức ùn tắc khác được. Không phải cứ có đất trống là “cấy” nhà cao tầng vào. Rồi cứ cậy có nhà mặt tiền là xây gara. Giờ cao điểm xe cộ đi lại, ô tô từ trong nhà “cậy thế” đâm thẳng ra đường, góp phần vào ùn tắc. Trong khi đó để được xây gara thì phải có đủ tiêu chuẩn, ví dụ như chỉ những biệt thự có đủ diện tích mới được xây gara. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ thôi. 
 
Điều này cần sự quy hoạch đúng đắn và thực hiện mạnh tay. Từ trước tới giờ ta không làm được là bởi sự bất lực của những người quản lý, điều hành, lập quy hoạch. Họ “đẻ” ra những công trình không đúng vị trí, không đúng chức năng, không được phép.
 
Với những trường học, bệnh viện, đơn vị sản xuất, cơ quan xí nghiệp… xây mới thì buộc phải ra ngoại thành. Đặc biệt là những khu sản xuất ô nhiễm, làng nghề thủ công… cần được điều tra đánh giá để di dời. Sử dụng diện tích đó trồng cây xanh, làm sân chơi cho người dân.
 
Quy trình ngược

Theo PGS.TS Trần Trọng Hanh, việc di chuyển các trung tâm thu hút ra ngoại thành để xây dựng nhà cửa, khu đô thị… là một quy trình ngược so với thế giới. Xây chung cư trong nội đô để dân đổ vào sống. Thấy chật, liền nghĩ cách di dời bệnh viện, trường học, công sở ra ngoại thành. Quy hoạch chung đã sai, thực hiện lại càng sai. 
 
Đáng lẽ, phải di dời chính những khu chung cư cao tầng, những khu văn phòng – nhà ở lừng lững mấy chục tầng… chứ không phải là trường học hay bệnh viện. Ngay cả các thành phố lớn trên thế giới như London, Paris… thì dân số của họ cũng chỉ khoảng 2-3 triệu người. Hà Nội không phải là một thủ đô quá rộng, nhưng thử hỏi dân số thực hiện nay là bao nhiêu?
 
“Theo tôi, có muốn “đuổi” trường học hay bệnh viện lớn ra ngoại thành cũng không đuổi được. Ví dụ như có trường đại học truyền thống hàng trăm năm, trường nghệ thuật, kiến trúc, bách khoa, tổng hợp…là điểm nhấn, là động lực phát triển thủ đô. Nếu di dời nó khỏi nội đô thì Hà Nội thành cái gì? Cái gì làm nên một Hà Nội với truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Sự tồn tại của các trường đại học danh tiếng, lâu đời, cũng làm nên giá trị của một thủ đô”, PGS.TS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh.
 
Giải pháp mà PGS.TS Trần Trọng Hanh đưa ra là không được chất tải lên thủ đô bằng các chung cư mới, không cơi nới sửa chữa xây lại các chung cư cũ. Phải tìm ra các đô thị vệ tinh và có hệ thống giao thông thông suốt nối các đô thị này với nội thành. Phát triển các dịch vụ ở các vùng vệ tinh này thì sẽ giảm áp lực đối với nội đô. 
 
“Giảm số dân cư, chứ không phải là di dời những đơn vị trường học, bệnh viện. Đó mới là giải pháp đúng”, PGS.TS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh.
 
Theo Tô Hội
Bee.net

ngatt

Trở lên trên