MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN: Không cho vay mua nhà xã hội lãi suất 6% để đúng với Nghị quyết của Chính phủ

25-03-2013 - 20:07 PM |

NHNN cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc người mua nhà xã hội được vay lãi suất 6%, NHNN sẽ bổ sung hình thức mua nhà xã hội vào Thông tư khi các quy định của pháp luật cho phép.

Mới đây, NHNN có đăng tải dự thảo thông tư (sửa đổi lần 4) quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ đã được ban hành ngày 7/1/2013. Trong đó, nội dung được dư luận rất quan tâm đó là tại sao đối tượng người mua nhà ở xã hội lại không được vay lãi suất hỗ trợ 6%/năm như dự thảo Thông tư đã nêu, mà chỉ người thuê, thuê mua mới được vay.

Theo giải trình của NHNN, việc không đưa hình thức cho vay để mua nhà ở xã hội vào dự thảo Thông tư là để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Luật Nhà ở năm 2005. Do đó, cho đến nay chưa có cơ sở pháp lý để mua bán nhà ở xã hội, nên việc cho vay cũng chưa đủ cơ sở để quy định tại Thông tư.

Theo viện dẫn của NHNN, trong Nghị quyết số 02 của Chính phủ có nội dung: “ NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành tối thiểu 3% tổng dư nợ các ngân hàng để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 có diện tích nhỏ hơn 70m2.

Bên cạnh đó, Luật nhà ở năm 2005, trong mục 4 chương III về phát triển nhà xã hội cũng chỉ quy định 2 hình thức đối với nhà xã hội là thuê và thuê mua.

Về vấn đề này, sau khi dự thảo Thông tư của NHNN được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Xây dựng cũng đã có kiến nghị lên Thủ tướng cho phép bổ sung đối tượng người thu nhập thấp được phép mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào nhóm được hỗ trợ lãi suất 6%, thời gian hỗ trợ ba năm.

Theo Bộ này, Luật Nhà ở 2005 có quy định chỉ được thuê và thuê mua nhà xã hội nhưng thời gian qua, do chưa có nhà ở xã hội nào đầu tư bằng vốn ngân sách, nên để xã hội hóa chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước đã có cơ chế ưu đãi cho các DN tham gia theo hình thức xây nhà ở để bán cho người có thu nhập thấp và đã được cụ thể hóa trong Nghị định 71 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật nhà ở, mở rộng thêm đối tượng người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội. Nên Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng bổ sung nội dung “người mua nhà xã hội cũng được vay lãi suất 6%”vào Nghị quyết 02 để NHNN có cơ sở bổ sung vào Thông tư.

NHNN cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc người mua nhà xã hội được vay lãi suất 6%, NHNN sẽ bổ sung hình thức mua nhà xã hội vào Thông tư khi các quy định của pháp luật cho phép.

Về đối tượng thu nhập thấp, theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định mức thu nhập thấp tại địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Theo thông tư 16 của Bộ Xây dựng, đối tượng thu nhập thấp là đối tượng có mức thu nhập bình quân không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Nghị định về phát triển nhà xã hộ để trình Chính phủ sẽ quy định rõ hơn về đối tượng thu nhập thấp này.

Về tài sản thế chấp: Có ý kiến cho rằng Thông tư nên quy định tài sản thế chấp chính là căn nhà mua hoặc dự án mà DN xây dựng. Theo NHNN, việc chỉ quy định như thê là không đầy đủ và có thể hạn chế việc tiếp cận vốn của khách hàng. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng chính căn nhà mua hoặc dự án xây dựng để thế chấp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng cho vay ưu đãi đối với loại căn hộ dưới 80m2 thay vì 70m2, thời hạn vay là 20 năm thay vì 10 năm, vay ưu đãi mua đất nền, mua đất trong khu dân cư…về vấn đề này, NHNN cho biết sẽ chuyển đề xuất này lên bộ, ngành có liên quan và tham mưu cho Chính phủ theo chức năng.

Môt vấn đề được quan tâm khác đó là tỷ lệ cho vay của đối tượng là doanh nghiệp và cá nhân, có ý kiến lo ngại việc không quy định tỷ lệ này dễ dẫn đến DN có thể được vay nhiều hơn. Theo NHNN, việc quy định cụ thể tỷ lệ này như có đề xuất là 65% (cho cá nhân) và 35% (cho DN) là không khả thi, vì dự nợ cho vay khách hàng tại ngân hàng thường xuyên biến động, chưa kể thời gian cho vay của DN chỉ tối đa 5 năm, cá nhân là 10 năm, do đó không thể duy trì tỷ lệ này trong suốt thời gian thực hiện chương trình.

Với quy định tại Thông tư, Bộ Xây dựng có thể linh hoạt điều tiết số tiền dành cho DN vay theo mức độ cung cầu.

Giải trình của NHNN về gói hỗ trợ 30.000 tỷ và lãi suất 6%/năm trong 3 năm. Nhiều người cho rằng, gói tín dụng là quá nhỏ và thời hạn 3 năm là không ổn định. NHNN cho rằng, đây là một cố gắng và nỗ lực của Chính phủ và NHNN và đã tính toán rất kỹ, trong đó có tính tới cả yếu tố kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về mức chênh lệch lãi suất 1,5% mà các ngân hàng thương mại nhà nước được hưởng, có ý kiến cho rằng là quá cao. Theo NHNN, 5 NHTM nhà nước được chỉ định cho vay được tự thẩm định, quyết định và tự chịu trách nhiệm cho vay, nên mức chênh lệch 1,5%/năm đã bao gồm cả chi phí nghiệp vụ. Mức chênh lệch này còn thấp hơn mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thông thường hiện nay của các ngân hàng, nên đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.

Bình An

thuatvk

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên