Mặc dù Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ địa phương buộc phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB, với những dự án đã hoàn thành 60% giá trị xây lắp trở lên phải ưu tiên bố trí đủ vốn để hoàn thành, không cấp dự án mới... song trên thực tế rất ít địa phương thực hiện được yêu cầu này. Sự lúng túng của tỉnh Nghệ An với số nợ “khủng” các công trình XDCB riêng một doanh nghiệp đã lên tới gần 1.000 tỉ đồng mà không cách nào cứu vãn là ví dụ.

Hơn 500 tỉ đồng “đắp chiếu”

Ra đời theo QĐ 1447/QĐ-TTg ngày 16.9.2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, tuyến đường nối QL1A – huyện Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ thành một vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và các nước trong khu vực, là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam.

Tại QĐ 6694 ngày 17.12.2009 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này thì đây là một trục ngang có chiều dài gần 30km với tổng mức đầu tư 854,7 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó giá trị xây lắp hơn 500 tỉ đồng, dự án được giao cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, TCty 36 là nhà thầu thi công. Dự án chính thức khởi công năm 2010 và theo hợp đồng phải được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã quá thời hạn gần 2 năm nhưng công trình vẫn đang trong tình trạng dở dang, “đắp chiếu”, dù TCty 36 đã hoàn thành đến 2/3 khối lượng xây lắp.

Nguyên nhân, thượng tá Nguyễn Trung Dũng – GĐ Cty 36.71 (TCty 36) - cho biết: “Nhận thi công dự án quan trọng này, chúng tôi hết sức nỗ lực tập trung máy móc, nhân công, huy động vốn của DN để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên đến nay sau 2 năm thi công, trên 500 tỉ đồng đã được nhà thầu đổ vào công trình, trong khi ngân sách mới giải ngân được khoảng 300 tỉ đồng. Không tính trượt giá, không tính hao mòn máy móc, nếu tính theo lãi suất NH thì trên 500 tỉ đồng mỗi tháng đã lên tới hơn 4 tỉ đồng. Không chịu được áp lực nên nhà thầu đành phải quyết định dừng thi công, dự án lâm vào cảnh dở dang suốt 2 năm qua”.

Không lẽ khoanh tay đứng nhìn?

Về phía UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh này cho biết, tỉnh đã ưu tiên ngân sách đặc biệt cho dự án này, tuy nhiên, việc để nợ doanh nghiệp là điều không mong muốn, do nguồn ngân sách của tỉnh quá hạn hẹp, không có khả năng tự cân đối nguồn thu của tỉnh để giải quyết nợ đọng cho dự án.

“Tỉnh đã nỗ lực cao nhất để bảo toàn nguồn vốn cho nhà thầu vì công trình kéo dài cũng gây thiệt hại cho Nghệ An trong thực hiện quy hoạch phát triển Vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. 6 huyện nghèo phía tây Nghệ An mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, không thu hút và giữ chân được các NĐT vào các KCN dọc hai bên đường. Nguyên nhân do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn quá nhỏ giọt. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ trong 2 năm 2013- 2014 phải ưu tiên cấp đủ vốn cho những công trình đã vượt 60% giá trị dự toán để sớm đưa vào sử dụng, nhưng công trình này đã hoàn thành tới 70% nhưng lại không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn nên đã gây nên hệ lụy trên...” - một lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết.

Đứng trước bức xúc của người dân sinh hoạt trên trục đường dang dở này và cục nợ ngày càng phình ra của doanh nghiệp, ngày 27.2.2014 UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 975/UBND-GT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ vốn thực hiện dự án xây dựng đường nối từ QL1A – huyện Nghĩa Đàn – thị xã Thái Hòa của UBND tỉnh Nghệ An.

Và trong lúc tuyến đường hàng trăm tỉ đồng rơi vào tình trạng dở dang, hoang hóa, xuống cấp do thiếu vốn thì nhà thầu thi công tuyến đường - TCty 36 – cũng bị mắc kẹt với nợ đọng XDCB. Theo AHLĐ – đại tá Nguyễn Đăng Giáp – Tổng GĐ TCty 36 - tính bao gồm cả công trình này thì con số nợ DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Những khoản nợ này chưa đến mức thành nợ xấu, nợ khó đòi nhưng đã làm gia tăng lãi suất NH, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh, đặc biệt là đến quá trình xác định giá trị DN để tiến hành CPH TCty theo lộ trình CPH các DN quân đội được Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2015.

“Như vậy, bất chấp chủ trương đầu tư ban đầu hết sức quan trọng, hơn 2 năm nay, vì thiếu vốn, tuyến đường huyết mạch đã đầu tư dở dang hơn 500 tỉ đồng này đang bị “đắp chiếu”, kéo theo sự sụp đổ về viễn cảnh phát triển KTXH cả một vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, phá vỡ giấc mơ thoát nghèo, có công ăn việc làm của hàng ngàn hộ gia đình. Trong bối cảnh tỉnh Nghệ An không có khả năng tự cân đối nguồn thu để giải quyết mà chúng ta cứ mặc kệ, khoanh tay đứng nhìn, không tìm giải pháp tháo gỡ thì chính là vô cảm với sự lãng phí ngân sách nhà nước, vô cảm với khó khăn của DN, vô cảm với tiến trình CPH nói chung. Ở góc độ đơn vị phân bổ vốn ngân sách, không rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biết điều này?” - AHLĐ - đại tá Nguyễn Đăng Giáp bức xúc chất vấn.

>>> Năm 2014 sẽ thanh tra nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn NSNN và TPCP
Theo Song Minh