MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hồi giấy phép cảng Vân Phong

20-06-2013 - 15:03 PM |

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án cảng trung chuyển container quốc tế đầu tiên tại Việt Nam - cảng trung chuyển Vân Phong - sắp bị rút giấy phép đầu tư.

Đầu tàu ngưng trệ

Ông Hoàng Đình Phi, Phó Ban quản lý khu kinh tế (KKT) Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết đơn vị này vừa có văn bản chính thức gửi Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines), thông báo việc rút giấy phép đầu tư dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (CVP).

Lý do: chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ dự án như cam kết; hiện Vinalines đang giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, nhất là việc thanh lý các tài sản trên đất và các gói thầu liên quan. Sau khi những vấn đề này được giải quyết, Ban quản lý KKT Vân Phong sẽ ra quyết định thu hồi chính thức.

Năm 2007, dự án CVP- dự án trọng điểm và đầu tàu của cả KKT Vân Phong - được phê duyệt với vốn đầu tư 3.126 tỷ đồng. 2 năm sau, chủ đầu tư là Vinalines công bố điều chỉnh vốn đầu tư lên đến 6.177 tỷ đồng. Tháng 10-2009, CVP chính thức được khởi công.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm thi công, công trình ngàn tỷ này đã ngưng trệ cho tới nay. Theo thống kê, công trình mới đóng được 145/1.729 cọc, trong đó có 115 cọc bê tông và 30 cọc thép. Theo thiết kế, hệ thống cọc được đóng xuống biển để làm cầu cảng ở độ sâu 42-50m. Tuy nhiên, do gặp sự cố về địa chất, chiều dài cọc bị dư, chưa khắc phục được.

Trong khi đó, riêng công đoạn đóng cọc nằm trong gói thầu 6B1, chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng tất cả cọc bê tông lẫn cọc thép đóng xuống biển đều dư ra 7-8m so với thiết kế ban đầu. Với giá mỗi cọc loại bê tông 2,1 triệu đồng/m, cọc thép 8 triệu đồng/m, tính ra chủ đầu tư thiệt hại không nhỏ. Đó là chưa tính đến hàng ngàn cọc thép đang xuống cấp do phơi nắng, phơi sương.

Dự án CVP được chia 4 giai đoạn và theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau năm 2020, gồm cầu cảng dài 12,5km với 42 bến, tổng diện tích 750ha, đảm bảo khả năng thông qua trên 200 triệu tấn hàng hóa/năm và có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 18.000TEU.

Trước khi dự án được khởi công, nhiều ý kiến góp ý nên chọn công nghệ bến thùng chìm để xây dựng cầu cảng cho phù hợp với địa hình miền Trung, nhưng kiến nghị này đã bị bỏ qua. Theo đại diện Vinalines, sau 2 năm khởi động, khối lượng công việc chủ đầu tư xây dựng tại CVP chưa đầy 10%. Ngoài lý do thay đổi thiết kế, việc thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ dự án bị tạm ngưng và tháng 9-2012 Chính phủ chính thức có quyết định dừng dự án này.

Khơi dậy tiềm năng

KKT Vân Phong được kỳ vọng tạo đột phá cho ngành kinh tế tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên nói chung. Tiềm năng của KKT Vân Phong được giới chuyên môn đánh rất cao, bằng chứng là số dự án đăng ký đầu tư vào KKT này đến nay gấp khoảng 60 lần trước khi quy hoạch.

Theo ông Hoàng Đình Phi, hiện tại KKT Vân Phong có 126 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỷ USD, nhưng đến thời điểm này mới thực hiện được 584 triệu USD, đạt gần 5% tổng mức đăng ký. Trong các dự án đầu tư vào đây, hiện có 41 dự án đã đi vào hoạt động, nhưng có 30 dự án có trước khi KKT thành lập; các dự án đã hoạt động chủ yếu là dự án nhỏ trên lĩnh vực khai thác đá, nuôi trồng thủy sản…

Từ trước đến nay, Vân Phong thu hút được nhiều dự án có tầm cỡ, như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,5 tỷ USD), Trung tâm Điện lực Vân Phong (3,8 tỷ USD), Khu đô thị mới và du thuyền cao cấp Tu Bông (3,7 tỷ USD). Tuy nhiên, các dự án này vẫn triển khai còn quá chậm so với kế hoạch ban đầu.

Một vấn đề nan giải của KKT Vân Phong hiện nay là vốn đầu tư. So với nhu cầu thực tế, trong giai đoạn từ 2006-2015, KKT Vân Phong cần khoảng 10.055 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng đã 6 năm trôi qua, mới chỉ có 761 tỷ đồng được đầu tư vào đây, trong đó chủ yếu là tiền ngân sách, tập trung nhiều cho đền bù giải tỏa, rà phá bom mìn...

Trong khi đó, KKT Vân Phong hiện không nằm trong 5 KKT được ưu tiên đầu tư. Để giải quyết vấn đề về vốn, tỉnh Khánh Hòa đã kêu gọi các nhà đầu tư có dự án cùng chung sức với tỉnh để đầu tư xây dựng, tiền đầu tư sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tình thế, chưa căn cơ.

Hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình hoạt động kinh tế dưới dạng “đặc khu kinh tế” có hiệu quả, trong đó tập trung chủ yếu vào các KKT, với những ưu đãi đặc biệt. Mới đây, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa xây dựng mô hình “Đặc khu kinh tế hành chính” cho KKT Vân Phong. Đây là mô hình đặc khu duy nhất tại miền Trung. Hiện nay, đề án này đang được Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các ngành liên quan hoàn thiện, trình xem xét.

Theo Văn Ngọc

ngatt

Đầu Tư Tài Chính

Trở lên trên