MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM sẽ phát triển chính về hướng đông và nam

08-01-2014 - 09:37 AM |

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thành phố sẽ phát triển với hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển.

Chính phủ vừa ban hành quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025”. Theo Quyết định, TP HCM được phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.

Cụ thể, phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.

Không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi. 

Về phân vùng phát triển, thì vùng đô thị sẽ gồm 13 quận nội thành hiện hữu và sáu quận mới, trị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới phát triển. Trong khi đó, vùng phát triển công nghiệp là các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè. Dọc sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai và khu ngập mặn Cần Giờ sẽ là vùng phát triển sinh thái, du lịch. Còn lại vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái sẽ được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.

Quy hoạch cũng chỉ rõ trung tâm tổng hợp hành chính của thành phố sẽ nằm trên địa bàn quận 1, 3, một phần quận 4, Bình Thạnh (930ha) và sẽ mở rộng trung tâm tổng hợp hành chính mới sang khu đô thị Thủ Thiêm và quận 2 với diện tích khoảng 737ha.

Theo Quyết định, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển dịch vụ mang tính đột phá trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành dịch vụ và đầu tư phát triển mới các sản phẩm dịch vụ; phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á.

Tập trung phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo; phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hiện đại, bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa, cao ốc văn phòng, nhà hàng khách sạn cao cấp, thương mại điện tử, trung tâm y tế kỹ thuật cao, các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng dịch vụ hiện đại và hạ tầng dịch vụ truyền thống.

Phát triển du lịch thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực; phát triển thành phố thành trung tâm du lịch và trung chuyển khách du lịch, phát triển các loại hình du lịch mua sắm, du lịch hội nghị, du lịch khám chữa bệnh, du lịch ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên